Tết “hội nhập”
Cuối năm mà trời rét căm căm, lạnh như cắt da cắt thịt. Năm nào cũng thế, ngày 27 âm lịch, cả nhà tôi đã ở quê gói bánh chưng, mọi người quây quần bên nhau. Bà tôi đã già chẳng còn đủ tinh mắt nhanh tay để gói bánh với con cháu. Bà ngồi nhai trầu và thỉnh thoảng góp vui bằng câu chuyện của Tết ngày xưa. Ngày ấy, chẳng có dịch vụ luộc bánh như bây giờ nên bà phải dậy từ sáng tinh mơ hoặc thấp thỏm suốt đêm để trông nồi bánh. Lũ trẻ con thì ham ngủ nhưng chúng sẽ giận dỗi vùng vằng ghê lắm nếu không có ai đó đánh thức dậy khi nồi bánh gần chín. Vui đùa xung quanh nồi bánh lớn được đặt giữa sân, hít hà hương thơm của gạo nếp và đỗ xanh, dư vị ngầy ngậy của thịt và hành quyện trong gió xuân, tưởng như Tết đã ùa về đầu ngõ. Bà bảo, mẹ và các bác tôi ngày ấy luôn tranh nhau nhận những chiếc bánh đẹp nhất, to nhất về mình. Vậy mà bây giờ còn mấy nhà tự gói bánh chưng? Tôi mỉm cười khi nghe bà kể về những cái Tết “ngày xửa ngày xưa”, bất giác nghĩ đến cái Tết “hội nhập”. Ý kiến nên gộp Tết ta với Tết tây vào làm một của giáo sư Võ Xuân Tòng vừa đưa ra đã gặp biết bao phản ứng trái chiều.
Theo giáo sư làm thế sẽ tiết kiệm được tiền bạc, cán bộ công chức có thời gian làm việc nhiều hơn, nông dân có thêm thời giờ tập trung chăm sóc vụ xuân, học sinh, sinh viên có thời khóa biểu và thi học kỳ hợp lý hơn không gượng ép vào thời gian nghỉ Tết âm lịch, giảm bớt tình trạng nhậu nhẹt, đánh bạc dưới nhiều hình thức. Tôi đã từng tự hỏi tại sao lại chọn cuối và đầu năm âm lịch là Tết Nguyên đán mà không phải một ngày nào ấm áp hơn? Ấy là do đó là dịp phù hợp với sinh hoạt dân tộc từ xa xưa, là dịp rảnh rỗi nhất, ý nghĩa nhất trong năm để nghỉ ngơi tưởng nhớ đến ông bà. Đặt vào dịp cuối đông đầu xuân, Tết Nguyên đán còn mang ý nghĩa sâu xa là khi băng giá tan hết, muôn vật đến mùa xuân đều dậy sức sống mãnh liệt, cây cối đâm chồi nảy lộc. Rồi tục thờ Thần Đất, tục tiễn ông Táo, không quét nhà, xông đất cũng từ đó mà ra. Tết cổ truyền mang nét đẹp văn hóa truyền thống và còn có cả ý nghĩa tâm linh trong đó nên khác Tết Tây là vì thế. Tết còn là lễ đoàn viên.
Những người con xa nhà chờ mong dịp Tết để được trở về đoàn tụ với gia đình. Nước ta không có tuần lễ phục sinh, cũng không có kỳ nghỉ đông như các nước phương tây nên Tết chính là kỳ nghỉ dài nhất. Nên ta có mong Tết được nghỉ nhiều thêm chút nữa âu cũng là điều dễ hiểu. Tết là lúc bù đắp những mất mát, là lúc sum vầy bên mâm cơm kể cho nhau nghe những vui buồn của năm cũ, là lúc tạm gác công việc bộn bề để nghỉ ngơi, để yêu thương nhiều hơn. Làm việc vất vả cả năm có ai xa nhà mà không mong đến Tết? Với tôi được đón Tết cổ truyền bên gia đình vào những ngày tháng Giêng khi tiết trời se se lạnh của miền Bắc, thời khắc lúc giao mùa hoa mai, hoa đào nở rộ rực rỡ khắp trời là điều tuyệt vời lắm. “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thày”. Người lớn vẫn lo lớp trẻ chúng tôi mải chạy theo văn hóa phương Tây mà quên đi những giá trị truyền thống. Tết cổ truyền chính là khi chúng tôi được dạy về đạo hiếu nghĩa, nhớ về ông bà tiên tổ, để tự hào giới thiệu về nét văn hóa truyền thống của dân tộc khi có khách du lịch sang Việt Nam, để trải nghiệm không khí của ngày Tết cổ truyền.
Tết vui lắm nhưng Tết với người nghèo còn là nỗi lo khi mà giá cả ngày càng leo thang, mọi thứ đều đắt đỏ. Khi nước ta vẫn còn nghèo thì việc giảm thời gian nghỉ, tăng thời gian làm việc, tập trung phát triển kinh tế theo lời giáo sư Võ Xuân Tòng cũng là cần thiết, để đến một ngày tất cả mọi người đều có một cái Tết đủ đầy không chỉ về tinh thần mà cả về vật chất. Quan trọng không phải đón Tết vào thời điểm nào mà cách chúng ta đón Tết ra sao. Văn hóa không phải là những thứ bất di bất dịch. Văn hóa là sự kế thừa, thay đổi để phù hợp với cuộc sống mới. Tết cổ truyền của chúng ta cũng đã, đang dần thay đổi ít nhiều. Có mấy nhà còn tự gói bánh chưng, có ai còn nhớ mua mía để bên ban thờ như nấc thang đón ông bà tiên tổ về ăn Tết, có ai còn mua muối đầu năm, để cây nêu trong nhà để cầu may mắn, bình an? Tục lì xì ngày Tết cũng không còn giữ nguyên được ý nghĩa ban đầu là tặng nhau để chúc nhau may mắn, người ta cũng quan tâm đến giá trị của những phong bao màu đỏ. Có những phong tục tập quán bị lãng quên, hay cố tình lãng quên cho phù hợp với cuộc sống hiện đại và nhu cầu của con người. Nhưng thay đổi một thói quen đã là rất khó huống chi lại là thay đổi cả một phong tục tập quán đã có từ lâu đời. Ăn Tết theo lịch âm đã là phong tục của người Việt ta, có cả tâm linh trong đó. Có lẽ chúng ta cần thời gian để tiếp nhận những sự thay đổi nhưng Tết cổ truyền sẽ mãi là một nét văn hóa đẹp, dù cho Tết có “hội nhập” cũng không thể thay thế.
Một năm nữa lại đã qua, cầu chúc cho mọi người bình an và may mắn trong năm mới. Cầu mong một ngày đất nước đi lên để mỗi năm Tết đến xuân về không còn nỗi lo về cơm áo gạo tiền, để Tết, dù là Tết cổ truyền hay Tết “hội nhập” với thế giới đi nữa cũng đều ấm áp và tràn ngập niềm vui. Chúc mừng năm mới!
Vũ Quỳnh Trang
(Câu lạc bộ Phóng viên Tuổi hồng)
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam