Thứ 6, 17/05/2024, 16:12[GMT+7]

Lân vũ khai hội xuân

Thứ 4, 13/02/2013 | 12:15:27
3,261 lượt xem
Mỗi dịp xuân về, náo nức trong không khí của các ngày hội và Tết cổ truyền dân tộc, ở các làng quê lại thấy những màn múa lân sôi động với màu sắc rực rỡ, nhịp điệu vui nhộn và động tác hùng dũng, đem tới cho người xem tiếng cười ròn rã và niềm vui về một năm mới thái bình, an lạc.

Múa lân vốn xuất phát từ một truyền thuyết ngày xuân của dân cư vùng biển duyên hải. Chuyện rằng, xưa lắm có một thủy quái rất hung dữ, cứ đầu năm (sau này đọc chệch thành tên lân) lại lên bờ bắt gà, lợn và người ăn thịt. Đức Phật Di Lặc thương dân khổ cực liền hạ phàm, hóa thân thành một lão nông phốp pháp, miệng tươi cười - dân gian gọi là Ông Địa – thu phục con lân. Ngài nhử nó ăn một túm cỏ tiên, ăn xong nó bỗng hiền lành, chỉ thích rau quả, chạy nhảy đùa nghịch, chứ không còn muốn sát hại sinh linh và cùng Ngài đi độ thế xua tà - đuổi quỷ, mang lại hạnh phúc, no ấm cho trần gian. Câu chuyện đã được nhân dân ở mỗi nơi dựng thành các trò diễn khác nhau, trong đó cho hai người đóng con lân nhảy múa và một người làm ông Sư/ ông Địa điều khiển lân với niềm tin sự xuất hiện của lân đồng nghĩa với sự may mắn, kỳ tích, niềm vui và tài lộc trong năm mới.

Có tới năm loại lân với năm màu khác nhau ứng với ngũ hành và năm phương vị gồm lân trắng (mệnh kim biểu tượng của vàng, bạc, sắt, đồng và phương tây), xanh (mộc - cây cỏ, hoa lá và phương đông), đen (thủy - nước và phương bắc), đỏ (hỏa - lửa và phương nam) và vàng (thổ - đất và trung tâm). Về tính khí cũng có ba loại lân gồm lân vàng thể hiện sự năng động, lân đỏ sự can đảm và lân xanh sự hòa hảo. Và theo sự ngả màu lông có ba loại lân là lân già với râu và lông ngả màu bạc trắng, lân trung tuổi lông màu xám hoe vàng và lân con màu xanh đen. Lân già thường điềm tĩnh, lân con thì nóng nảy, thích gây chiến. Một đàn lân thường có từ một đến chín con, trong đó có lân ông/ bố mẹ và con cháu. Nói chung, lân không có tên, nhưng để dễ nhớ, nhất là khi xem tích cổ, dân gian nhiều khi cũng đặt tên cho chúng đúng với màu sắc và tính cách. Ba cái tên thường nghe là lân Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi khắc họa ba nhân kiệt thời Tam Quốc có chí khí, lòng nhân hậu và trung nghĩa.

Tùy theo hoạt động của lân mà có hai loại múa: múa văn và múa võ. Trong múa văn, con vật chỉ cần lắc bờm, uốn mình theo nhạc một cách dí dỏm, đôi khi lăn lộn bằng các cử chỉ nhẹ nhàng, uyển chuyển. Trong múa võ, ngoài động tác thông thường, con vật còn phải thực hiện những bài võ điêu luyện như nhào lộn qua lửa, nhảy qua bàn ghế, đi trên quả cầu hay những cọc tre thật linh hoạt và chính xác. Cũng có hai loại vũ tự do và vũ bài bản. Vũ tự do là điệu múa ngẫu tác, vừa đi vừa diễn cho khách đứng xem khi diễu hành trên phố hoặc tới thăm nhà dân có ý nghĩa chúc phúc, ban phát của cải, may mắn cho gia chủ. Vũ bài bản là múa có biên đạo kỹ lưỡng, biểu diễn tập trung tại sân khấu cho khách ngồi xem với thời gian dài, màn múa cầu kỳ, thường kể lại tích lân với đầy đủ các cảnh như con lân ngủ, lân mơ, lân tỉnh giấc, lân liếm lông, lân xuất động, lân chơi đùa, lân tìm thức ăn rồi trở lại ngủ. Trong điệu múa, thường xuyên có sự góp mặt của Ông Địa với vai trò hề cười, người kể chuyện và giao lưu với khán giả. Ngài đeo mặt nạ đỏ, cầm quạt hoặc quả cầu đến đánh thức lân. Con vật tùy tâm trạng mà nằm ỳ nũng nịu, hoặc rượt đuổi và chơi với Ông Địa. Cao trào của điệu múa là Ông Địa cho nó ăn một túm cỏ hoặc quả - trần. Con lân tiến tới ngửi rồi đứng ăn. Sau một tiếng trống ròn rã, nó khạc mớ cỏ về phía người xem như một hành động chúc mừng năm mới vui vẻ, thái hòa.

Trong điệu múa lân, căn bản cần hai người: Người đứng phía trước đội và giữ đầu lân bằng hai tay, điều khiển cho nó lúc lắc, khi ngóc lên khi xụp xuống, cùng với mắt có thể nhấp nháy và tai vểnh cụp. Ở những con lân đặc biệt, trong đầu thường có một mạng lưới đòn bẩy, dây kéo và nghệ sĩ sẽ dùng hệ thống này mà điều khiển con vật mở mắt- liếc nhìn, há ngậm miệng, vẫy tai, rung bờm... Với việc vừa lúc lắc vừa bộc lộ đa dạng cảm xúc của con vật như tò mò, háo hức, tức giận, vui vẻ... đem tới cho lốt lân sự sống động như thật. Người phía sau hoặc giấu mình dưới mảnh vải ôm lấy lưng người trước hoặc đứng riêng đằng sau cầm đầu mảnh vải đung đưa làm thân con vật chuyển động ăn ý với đầu và giúp đỡ người phía trước thực hiện các cú nhào lộn hay phi thân điệu nghệ.

Trong bài múa cũng thường thấy Ông Địa, với chức năng chủ trò, người dạy thú lon ton bên lân. Mặc dù trông khá đơn giản song múa lân đòi hỏi sự phối hợp cực kỳ khéo léo và đồng bộ giữa hai diễn viên đội lốt thú với nhau, với ông Địa và với nhạc. Vì trong điệu múa có rất nhiều cú gật, lắc đầu nhanh và mạnh, các cú xoạc, nhảy cao, xoay mình, lăn lóc cần cả hai người kết hợp. Hơn thế cũng đòi hỏi họ phải có thể lực tốt, sức khỏe dẻo dai chịu dựng được những pha nâng đỡ nhiều lần khi ngoài nhảy múa trên mặt đất còn múa đi trên cọc, trồng người bắc thang,...

Múa lân đi tới đâu đều tạo sự nhộn nhịp, vang lừng đến đó. Những tiếng nhạc rạo rực tùng cheng, cắc cắc, tùng cheng và những màn nhào lộn hấp dẫn khiến người xem vây quanh. Với quan niệm lân vào nhà nào - nhà ấy ấm no, hạnh phúc, dân quê luôn mở rộng cửa chào đón lân bằng những phần quà giá trị. Họ treo trước cửa những bó rau cuộn tiền, những quả cam đỏ hồng, những mảnh ngọc hoặc cuốn thư đính phong bao lì xì. Đến nhà ai, con lân sẽ trèo lên ngoạm phần quà xuống, nhai bó lá còn đưa phong bao đỏ cho đoàn làm phần thưởng. Kết thúc, nó sẽ múa một bài cảm tạ trước khi đến nhà khác. Nếu cùng lúc có nhiều con lân ghé thăm, chúng sẽ tranh tài đoạt giải. Khi một con đã cắp được phần thưởng thì màn múa sẽ kết thúc ở đây, và nó sẽ nằm sẹp bụng xuống đất mà ngủ. Những con khác lập tức phải quy phục lăn tới nằm bên lân chiến thắng.

Với niềm tin ma quỷ luôn đi thẳng, khô cứng còn thần linh thì bay lượn mềm dẻo, người múa lân bao giờ cũng đi rích rắc và khi đến nhà dân sẽ nhảy qua cửa vào trong, chứ không đi thủng thẳng để sự đa dạng, tiến triển không ngừng của cuộc sống cùng sự linh hoạt, mềm dẻo đến được với người dân.

Có thể nói múa lân là một điệu múa về những nguồn năng lượng sống vô biên còn tiềm tàng đang chờ cơ hội phục vụ lợi ích con người. Và để như vậy, mỗi năm dân gian cần có nghi lễ đánh thức và chế ngự nó. Nếu con lân là biểu trưng của các hiện tượng tự nhiên hùng tráng, lúc hiền lúc dữ thì Ông Địa chính là người có vai trò thuần hóa con vật dữ tợn trở thành vật nuôi và truyền tinh thần để nó tỉnh giấc ban phát của cải, niềm vui, hạnh phúc và phù hộ nhân dân chế ngự bệnh tật, ma tà. Bằng các màn múa vui và động tác cúi chào khán giả, điệu múa cũng là cách nhân dân chuyển tải mong muốn sự quan tâm của thần linh đến với mình. Việc ngoạm rau, quả của lân cuối màn diễn thể hiện thần linh đã đón nhận tình cảm của mọi nhà, sau đó lân khạc, nhả bó rau quả cho bay về phía người xem có ý đền bù gấp đôi và ban phát tài, lộc rộng khắp. Bằng việc cho lân vào xua tà khí, mọi người cũng khẳng định nhờ ý chí tự cường, tự tôn, sự quả cảm và nỗ lực hết mình không ỷ chờ thời vận, họ có thể nhanh chóng có được cuộc sống sung túc và an lạc. Trong khí xuân mát lành và tiếng nhạc rộn rã xua tan bao mệt mỏi, trước sự uy vũ phi thường của lân và nụ cười hoan hỷ, phúc hậu của Ông Địa ai nấy đều tin rằng năm mới mọi sự sẽ thuận lợi.

Múa lân có tính chất biến ác ra hiền, biến dữ thành lành và là chiến thắng của dân quê trước mọi thiên tai, địch họa và thử thách. Hơn cả đây là sự giao hòa giữa trời đất, quỷ thần và con người mang lại sức sống mãnh liệt, sự đoàn kết, thương yêu giữa muôn nhà trong một mùa xuân mới. Không chỉ nhằm khai hội, làm rạo rực lòng người, tưng bừng bầu không khí ngày Tết, múa lân là một món ăn tinh thần, một nét đẹp văn hóa biểu trưng cho những gì đẹp nhất của trí tuệ, dũng khí và tình yêu hòa bình của dân tộc mỗi độ Tết đến, Xuân về.

Bài, ảnh: CHU MẠNH CƯỜNG

(Phố Chợ Khâm Thiên,

phường Trung Phụng - Đống Đa, Hà Nội)

  • Từ khóa