Hội Làng Thượng Ngạn và tục đuổi bắt cuốc từ ngày xưa
Theo các cụ già trong làng kể lại thì tục lệ này có từ thời vua Hùng Vương thứ XVII. Khi ấy, giặc Lục Man vào xâm lược, ở Tháp Khu (nay là Thượng Ngạn) có 6 thanh niên trai tráng đã tình nguyện ra giúp vua, được vua phong làm tướng cầm quân đi đánh giặc. Giặc Lục Man thua trận hóa thành chim cuốc trốn chạy, chui lủi trong các đám lau sậy, bờ bụi. Để nhớ công ơn và ôn lại truyền thống đánh giặc cứu nước của lục vị đại vương, hàng năm dân làng thường mở lễ hội trong hai ngày: Ngày mồng 2 Tết rước thánh từ các miếu về đình, ngày mồng 4 Tết là hội đuổi cuốc.
Từ sáng sớm ngày mồng 4 Tết hàng năm, tất cả đàn ông trong làng tuổi từ 18 đến 45 (trừ những người đã mua nhiêu và những gia đình giàu có) tập hợp trước sân đình theo giáp, vị trí của mỗi giáp đã được tuần đinh phân công. Mọi người dự hội phải quần áo chỉnh tề thường là quần áo nâu, nai nịt gọn gàng, chân quấn xà cạp, lưng thắt giải đỏ, đầu thắt khăn mỏ dìu, tay cầm một gậy bằng tre hoặc tay thước bằng gỗ, dài từ 3 đến 4 thước (1,2 đến 1,6m), gậy hoặc tay thước đều được quấn giấy xanh, đỏ. Sân đình được trang trí lộng lẫy, cờ hội được cắm xung quanh đình làng, một lá cờ hội to, rộng đến hàng chục m2 dựng giữa sân đình, từ đình ra đến đầu làng theo hướng thuận của năm đều cắm cờ.
Không khí ngày hội tưng bừng, náo nhiệt, những người đi săn cuốc và những người đi dự hội từ già đến trẻ, con trai hay con gái, trong xã hay ngoài xã và quan khách ai nấy đều hồ hởi, hào hứng, mọi người đứng chật sân đình ngóng chờ tiếng trống lệnh vang lên... Chỉ huy lễ hội là vị có chức sắc cao nhất của làng hoặc là vị Tiên chỉ, hoặc là lý trưởng, người chỉ huy phải ăn mặc trang nghiêm, đứng trước hàng quân, tay cầm dùi trống để phát lệnh tiến quân. Khi các giáp đã chuẩn bị xong được báo lên vị chỉ huy, người chỉ huy vào cung cấm làm lễ thánh xin xuất quân. Tế thánh xong, người chỉ huy phát lệnh tiến quân, đánh một hồi, chín tiếng trống, cùng với tiếng trống lệnh, một người cầm một tràng pháo vừa đốt, vừa chạy về hướng đã định sẵn, đánh xong trống lệnh, thì cầm dùi trống chỉ về hướng tiến quân. Hướng tiến thay đổi hàng năm theo bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Sau khi nghe trống lệnh và nhận được hướng tiến, đoàn người đi săn cuốc cầm gậy chạy trước, những người đi xem hội chạy sau, đoàn người rầm rập chạy như đoàn quân xung trận, sau quây thành một vòng tròn nơi có chim cuốc ẩn náu. Tất cả quân dân (người đi săn cuốc và người đi xem hội) tạo thành vòng vây khép kín. Trống, chiêng, lệnh, thanh la nổi lên liên hồi, tiếng hò reo của dân binh, của dân làng vang to như sấm dậy cả một vùng trời, không khí náo nhiệt, kẻ la, người hét, kẻ chọc, người vụt túi bụi vào bụi rậm, nơi cuốc ẩn nấp, cứ như vậy vừa vây, vừa đánh cuốc không còn đường chạy thoát cho đến khi bắt được cuốc, trận đánh mới kết thúc. Bắt được cuốc, người chỉ huy đánh trống lệnh thu quân, mọi người trở về sân đình làm lễ tế thánh. Người bắt được cuốc, tắm rửa, thay quần áo chỉnh tề để vào lễ thánh và nhận phần thưởng. Giải thưởng chỉ là một quan tiền và một chiếc khăn điều nhưng cả giáp, cả làng đều phấn khởi.
Cuốc được làm thịt để tế thánh xong dân làng thụ hưởng: Đầu cuốc được dành cho chủ hội và đãi quan trên về dự hội. Đầu chim cuốc dù nhỏ nhưng khi làm cỗ mỗi miếng chặt phải có đầu, có mỏ, vì vậy người làm thịt cuốc phải có kỹ thuật. Thân cuốc chia đều cho các giáp, mỗi giáp lại phải chia đều cho từng xuất đinh vì vậy mỗi xuất đinh may lắm chỉ được một “miếng” bằng hạt đỗ xanh. Các đinh nam mang về nhà lại phải làm thế nào để cả nhà được ăn để lấy may, thế là một, hai con chim cuốc nhưng cả làng trai, gái, già, trẻ, lớn, bé đều được hưởng. Những năm làng vào hội mà không bắt được chim cuốc thì thay bằng gà đen và cũng làm như làm thịt cuốc.
Lễ hội làng Thượng Ngạn là lễ hội lịch sử để tưởng nhớ những người đã có công đánh giặc giữ làng, giữ nước từ thời các vua Hùng. Tục săn bắt cuốc ngày nay không còn nhưng lễ hội vẫn được tổ chức hàng năm để nhắc nhở các thế hệ nhớ về truyền thống yêu nước, hy sinh vì nước của dân làng.
Phạm Minh Đức
(Thành phố Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam