Chủ nhật, 24/11/2024, 06:42[GMT+7]

An toàn phòng, chống dịch Covid-19 khi đi lễ chùa đầu năm

Thứ 3, 08/02/2022 | 08:29:54
7,606 lượt xem
Lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt. Vẫn phong tục đó nhưng trong năm mới Nhâm Dần 2022, người dân đi lễ chùa trong một trạng thái bình thường mới. Đeo khẩu trang, khai báo y tế… là việc mỗi người đến lễ chùa đều chấp hành nghiêm, họ không chỉ cầu tài, cầu lộc mà còn mong ước sức khỏe và đẩy lùi được dịch bệnh.

Người dân khai báo y tế khi đi lễ tại chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư).

Đến chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) vào sáng mùng 5 tết, chị Nguyễn Tuyết Mai, xã Hùng Dũng (Hưng Hà) chia sẻ: Năm nào tôi cũng cùng gia đình đi lễ chùa. Năm nay do dịch Covid-19 nên chỉ có vợ chồng tôi đi lễ, thời gian cũng ngắn gọn hơn. Năm qua là một năm khó khăn đối với gia đình tôi nên năm mới, tôi cầu mong bình an, nhiều may mắn, nhất là mong cho dịch Covid-19 sớm qua đi để cuộc sống được bình yên trở lại.

Bà Lê Thị Hảo (phường Đề Thám, thành phố Thái Bình) cho biết: Đầu xuân năm mới, các thành viên trong gia đình tôi thường cùng nhau đi lễ chùa để cầu bình an, sức khỏe, cũng là dịp để được ngắm vẻ đẹp thanh tịnh của đền, chùa trong những ngày đầu năm mới. Năm nay do dịch bệnh nên gia đình tôi không cùng nhau vãn cảnh chùa đầu năm nhưng trải qua một năm dịch bệnh tôi cảm thấy thực sự may mắn khi mọi người trong gia đình vẫn bình an.

Chị Nguyễn Thị Thơm, thôn Dũng Nghĩa (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) là 1 trong 16 nhân viên y tế tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch tại chùa Keo cho biết: Mỗi ngày chúng tôi bố trí từ 2 - 6 người trực tại cổng ra, vào chùa để nhắc nhở người dân khai báo y tế, sát khuẩn tay và đo thân nhiệt. Từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 tết, số lượng du khách đi lễ không đông như những năm trước, không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy. 100% du khách đều đeo khẩu trang. Đối với những du khách không có điện thoại thông minh để khai báo y tế bằng quét mã QR, chúng tôi yêu cầu du khách khai báo bằng giấy tại điểm kiểm soát của chùa. 

Ông Nguyễn Thành Vinh, xã Việt Hùng (Vũ Thư) cho biết: Trước khi vào khu vực chính của chùa Keo, tôi được nhân viên y tế hướng dẫn cách khai báo y tế bằng quét mã QR rất nhanh và tiện lợi. Sau đó, tôi đo thân nhiệt và sát khuẩn tay bằng máy tự động. Vì thế ở khu vực khai báo y tế không xảy ra tình trạng tắc nghẽn, chen lấn. Tại các khu vực trong chùa đều có biển hiệu nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, thực hiện khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế. Nhìn chung, công tác phòng, chống dịch được bảo đảm, giữ an toàn cho du khách thập phương khi đi lễ chùa.

Nhân viên y tế tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. 

Xuân Nhâm Dần là mùa xuân thứ hai dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong dịp lễ hội xuân năm nay, các điểm di tích, đền chùa trong tỉnh chỉ mở cửa đón du khách, không tổ chức lễ hội. Theo ghi nhận tại một số đền, chùa như: đền Trần, đền Tiên La (Hưng Hà); đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ); đền Quan (thành phố Thái Bình); chùa Am Vô (Đông Hưng)... đều được trang hoàng rực rỡ đón du khách thập phương về vãn cảnh. Nhiều đền, chùa đặt các biển hướng dẫn và thường xuyên tuyên truyền các nội dung về xây dựng nếp sống văn hóa mới trong việc đi lễ chùa, tuyên truyền những điều tốt đẹp trong đạo Phật khuyên răn con người sống nhân ái, hướng thiện. Đây là những việc làm thiết thực tại các di tích, đền, chùa góp phần đưa các hoạt động lễ chùa thực sự trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh của người Việt. Bên cạnh đó, để du khách thập phương đi lễ được an toàn, thuận tiện và xây dựng nét văn hóa khi đến đền, chùa, ban quản lý di tích tại các địa phương đã tổ chức sắp xếp khu vực để xe, có biển hướng dẫn từng khu vực phục vụ, bố trí các điểm hóa vàng mã hợp lý. Đặc biệt, tình trạng người ăn xin trước cổng đền, chùa gần như không còn, từ đó tạo hình ảnh đẹp trong những ngày đầu xuân.

Đặng Anh