Chủ nhật, 28/07/2024, 19:21[GMT+7]

Cổ tích bị “méo mó”, phụ huynh lo

Thứ 7, 07/08/2010 | 08:28:50
3,747 lượt xem
TT - “Con cái chúng ta sẽ học được gì trước những hình ảnh và câu thoại trong những cuốn truyện cổ tích bị “méo mó” như câu thoại “Mèo nó đểu giả lắm, nó (mèo) là... đồ ch..” (truyện ĐNCM)” - anh Sơn ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) bức xúc!  

Cổ tích "Tấm Cám" méo mó lời thoại

Tương tự, chị Thủy (Q.3, TP.HCM) cũng chỉ thốt lên “Thiệt quá đáng” khi vừa mua về cho bé bộ truyện cổ tích gồm 20 truyện chọn lọc do một nhà xuất bản uy tín ấn hành. Vì sao chị lại phản ứng như thế? Chúng tôi đặt vấn đề và được chị cho biết: “Truyện cổ tích gì mà hình vẽ quá hiện đại, có cả nhân vật... đầu đinh!? Ngày xưa tôi đọc truyện cổ tích và thích những câu thoại chân chất, mộc mạc đến giờ vẫn còn nhớ. Thế mà giờ mua truyện về cho con và sốc khi nghe đoạn thoại: OK, xong ngay”.

Anh Nguyễn Nguyên ở Q.Bình Thạnh cho biết: “Bạn tin không, trong truyện cổ tích Tấm Cám, bà dì ghẻ đã chửi Tấm thế này: “Tấm, mày hâm à, mày câm à, sao mày đâm thủng cái mâm...”. Hoặc có khi xuất hiện những ngôn ngữ rất “hiện đại” như: “thấy chết liền”, “bái bai”, “Chị Tấm ơi chị Tấm, đầu chị lấm, chị hãy dùng dầu gội... kẻo về dì mắng” (và cô Cám thì đeo một chiếc giỏ được minh họa bằng dòng chữ: Tiếp thị dầu gội đầu)”!

Những phụ huynh bức xúc và phản ứng gay gắt với truyện cổ tích bị “méo mó” như những cuốn truyện mà chúng tôi nêu trên là vì họ sợ con cái mình sẽ hiểu méo mó cổ tích. Chị Thu Loan (Hà Nội) cho biết: “Tôi nghĩ tuổi thơ ai cũng trải qua những tháng ngày sống với cổ tích, được đắm mình trong thế giới tưởng tượng nhưng rất nhân văn. Đặc biệt, khi trò chơi trực tuyến đang hoành hành, phụ huynh chúng tôi tin cậy sử dụng kho tàng truyện cổ tích để giáo dục và là nguồn giải trí, vui chơi cho con. Thế mà không ngờ nhiều truyện cổ tích lại bị “sáng tạo” theo hướng sai lệch bản gốc, dùng ngôn ngữ hiện đại, thiếu tế nhị...”.

Anh Sơn lo ngại: “Tôi sợ con tôi sẽ hiểu sai về nguồn cội, về con người Việt bởi những ngôn từ trong cổ tích cho thấy sự pha trộn tây - ta quá nhiều. Cổ tích làm gì có OK, bái bai?”.

Đó hẳn là nỗi lo chính đáng, thiết nghĩ khi dành cho con khung trời cổ tích nói riêng và những câu chuyện cuộc sống nói chung, phụ huynh nên cẩn trọng.

 Theo Tuoitre.vn

  • Từ khóa