Thứ 6, 17/05/2024, 18:54[GMT+7]

Khởi sắc phong trào sáng tác thơ ca ở Quỳnh Phụ

Thứ 2, 11/03/2013 | 09:30:18
1,260 lượt xem
Từ khi Hội Nhà văn Việt Nam quyết định lấy ngày Rằm tháng Giêng là Ngày thơ Việt Nam, Trung tâm VH-TT huyện đã tổ chức Thi đàn Nguyên tiêu hàng năm với quy mô tổ chức tăng dần, chất lượng thơ được nâng lên, nhiều tác giả đã in được một số tập thơ để giao lưu ở Thi đàn.

 

Trong những năm qua, cùng với sự hoạt động đa dạng, phong phú của các loại hình câu lạc bộ (CLB), phong trào sáng tác thơ ca quần chúng trong các CLB thơ trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ phát triển khá rầm rộ, thực sự đã phát huy tác dụng và đem lại hiệu quả xã hội thiết thực. Trong 5 năm trở lại đây toàn huyện đã có 65 tập thơ do các CLB tự biên tập, in ấn. Hầu hết các bài thơ được đọc, trình diễn trong các buổi sinh hoạt CLB và một số bài đã được các báo chí trung ương, địa phương giới thiệu.     

 

Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) huyện với nhiệm vụ hướng dẫn phong trào sáng tác thơ ca quần chúng đã giới thiệu các điển hình tiên tiến, kịp thời khích lệ, cổ vũ phong trào. Năm 1998 dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh, Trung tâm VH-TT huyện đã xây dựng mô hình CLB thơ Hương sắc Dâu da thị trấn Quỳnh Côi. CLB đã hội tụ được những cây bút tiêu biểu trong huyện trở thành những hạt nhân nòng cốt thúc đẩy phong trào sáng tác thơ ca ở cơ sở. Cùng với việc duy trì hoạt động theo định kỳ, CLB đã biên tập xuất bản 15 tập thơ “Hương sắc Dâu da”. Ðó là những tập thơ có chất lượng tốt, hội tụ khá đầy đủ những gương mặt tiêu biểu của phong trào. CLB còn tổ chức giao lưu với các CLB thơ tiêu biểu trong tỉnh. CLB đã định hướng sáng tác cho phong trào thơ ca huyện nhà, góp phần xây dựng nhiều CLB thơ ở các xã. Tiêu biểu là các CLB thơ xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Hoàng, CLB thơ Hương quê, Nắng sớm, CLB thơ Việt Nam.v.v... Những nhân tố tích cực nêu trên thực sự đã trở thành động lực thúc đẩy phong trào sáng tác thơ ca quần chúng ở huyện nhà ngày càng phát triển, thu hút được nhiều đối tượng tham gia và hưởng ứng. Hầu hết các CLB hưu trí và người cao tuổi trong huyện và các CLB chuyên ngành đều hình thành các tổ sáng tác thơ ca, thu hút được phần lớn hội viên trong các CLB hưởng ứng. Hoạt động của các CLB thơ diễn ra thường xuyên theo phương châm “sống vui, sống khỏe, sống có ích” của người cao tuổi.

 

Từ khi Hội Nhà văn Việt Nam quyết định lấy ngày Rằm tháng Giêng là Ngày thơ Việt Nam, Trung tâm VH-TT huyện đã tổ chức Thi đàn Nguyên tiêu hàng năm với quy mô tổ chức tăng dần, chất lượng thơ được nâng lên, nhiều tác giả đã in được một số tập thơ để giao lưu ở Thi đàn. Thi đàn Nguyên tiêu năm 2013 này đã có 235 tác phẩm thơ của hơn 200 tác giả từ 35 CLB gửi về tham gia giao lưu. Thể thơ ngày càng phong phú như: Lục bát, đường luật, song thất lục bát, thơ tự do với nhiều đề tài: ca ngợi quê hương đất nước, chủ quyền biển đảo, công cuộc đổi mới, xây dựng nông thôn mới v.v… Chất lượng thơ được nâng cao, đã gắn liền, bắt nhịp với cuộc sống, phản ánh sâu sắc các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội của huyện. Ðối tượng sáng tác thơ cũng đa dạng hơn, tiêu biểu như: Nhà giáo Phạm Văn Long với bài thơ “Ngõ quê” thể hiện sâu sắc triết lý cuộc sống và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, Nhà sư Thích Minh Huân xã Quỳnh Giao với bài thơ “Tiếng lòng” thấm đẫm chất nhân văn. v.v...

 

Có thể nói phong trào sáng tác thơ ca ở huyện Quỳnh Phụ những năm qua duy trì và phát triển đều khắp đã phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị ở địa phương, thực sự  trở thành một nhu cầu không thể thiếu của những người yêu mến thơ ca; là niềm vui, là lẽ sống, góp phần bồi đắp những giá trị chân - thiện - mỹ trong mỗi người và toàn xã hội.

Vũ Thị Toan

(Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh)

 

  • Từ khóa