Thứ 7, 23/11/2024, 15:45[GMT+7]

Những con tuấn mã

Thứ 7, 07/08/2010 | 08:59:29
1,736 lượt xem
Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện ngụ ngôn tuyệt đẹp về trách nhiệm, sự báo thù và sinh tồn.

Tên sách: Những con tuấn mã (All the pretty horses)
Tác giả: Cormac McCarthy
Dịch giả: Nguyễn Quang
NXB Văn hóa Sài Gòn

                

                                 Bìa cuốn sách

Chuyện xảy ra vào thập niên 1920-1930. Nhân vật chính là John Grady. John từ bỏ nước Mỹ quê hương của mình, nơi cậu không tìm thấy mái ấm gia đình, tình thương yêu của cha mẹ, để phiêu lưu vào vùng Mexico. Trên đường rong ruổi, cậu gặp Andrew và Blevins. Biết Blevins bị mang án oan do muốn tìm và lấy lại con ngựa của mình, và phải chết ở tuổi thiếu niên, John quyết tìm cho ra kẻ đã giết Blevins để trả thù riêng cho người bạn này.

John cũng rất yêu ngựa. Cậu không những yêu quý con tuấn mã của mình, mà còn yêu cả những con ngựa khác: “Vào một buổi sáng cậu đến nhà trại, ăn sáng cùng với những gã cao bồi, nói lời tạm biệt. Rồi cậu đi xuống phòng lão cai. Cậu và Antonio bước ra ngoài đến nhà ngựa, thắng yên và cưỡi ngựa qua bãi quây, quan sát bầy ngựa non. Cậu biết con mà cậu cần. Khi nó nhìn thấy họ, nó thở khịt khịt, ngoảnh mặt và bước nước kiệu. Đó là con Grullo của Rawlins. Họ ném sợi thừng qua đầu nó và dẫn nó xuống bãi quây. Đến trưa cậu để con vật trong tình trạng khá tự do vòng quanh rồi cột nó ở chỗ mát. Con ngựa đã không được cưỡi trong nhiều tuần qua và nó hầu như chẳng biết cách để ăn ngũ cốc”.

Con ngựa trong tác phẩm của Cormac McCarthy không chỉ là một con vật mà nó được tác giả đặt nó vào thế “song hành” cùng nhân vật, “đồng hiện” với nhân vật chính ở mọi góc độ cảm xúc: “Bên ngoài trời lạnh nhưng viên thẩm phán đứng trên hành lang với áo choàng và dép lê trong khi cậu cởi dây ngựa và dắt hai con ngựa kia rồi lên ngựa. Cậu quành ngựa, nhìn ông ta đang đứng trong ánh sáng cánh cửa, và cậu vẫy tay. Viên thẩm phán vẫy tay đáp trả và cậu cưỡi ngựa xuống con phố qua những vùng sáng đèn cho đến khi cậu ta biến mất vào bóng đêm”.

Với văn phong khúc chiết, Cormac McCarthy còn giới thiệu cả một quần thể thực vật, động vật trong cuốn sách thật chi tiết, phong phú. Câu chuyện còn nhấn mạnh đến lý do “trả thù” của John khi anh giải thích với viên thẩm phán về sự báo thù cho người bạn để đòi chân lý: “Tôi thậm chí đã không nổi điên với gã. Hoặc tôi không cảm thấy điều đó. Chàng trai mà gã bắn, tôi hầu như không biết về anh ta. Tôi cảm thấy tồi tệ về chuyện đó, nhưng cậu ta chẳng là gì với tôi”. Trả thù không phải vì thù hận với chính bản thân mình, mà đó là mối thù của con người muốn đòi lại công lý cho người bạn mới quen đã mất, một khi công lý đang bị chôn vùi. Khi “thú nhận” lý do giết người, John đã chấp nhận tất cả điều tệ hại đến với mình: “Lý do tôi muốn giết gã là vì tôi đã đứng đó và để gã lôi chàng trai vào đám cây, rồi bắn cậu ta mà chẳng nói gì với tôi cả”.

Sức sống mãnh liệt của động vật, thực vật, con người ở hoang mạc cùng với sự dẻo dai của những chú ngựa (người bạn đồng hành thân thiết) đem đến cho tiểu thuyết Những con tuấn mã một câu chuyện ngụ ngôn đẹp về sự sinh tồn của sinh vật, con người ở những miền hoang mạc, tịch liêu nhất.

Theo VnExpress

 

  • Từ khóa