Chủ nhật, 24/11/2024, 09:35[GMT+7]

Bảo tồn di sản văn hóa cần đúng cách

Thứ 2, 25/03/2013 | 14:34:25
1,192 lượt xem
Bảo vệ di sản cần đúng cách, đừng vì vội vàng mà làm sai lệch; làm mất đi giá trị thực của di sản... Đó là khuyến nghị của Ts Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia khi đề cập đến hoạt động bảo tồn di sản hiện nay.

Đừng vội tính đến làm du lịch

Có một thực tế, khi di sản văn hóa được công nhận danh hiệu cấp quốc gia hoặc quốc tế, không ít địa phương vội vàng tính đến chuyện làm du lịch. Khai thác theo kiểu tận thu di sản văn hóa đã gây ra nhiều hệ lụy đối với di sản. Nhiều chuyên gia văn hóa khẳng định: do phát triển du lịch chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy đã tác động tiêu cực làm hủy hoại môi trường, phá vỡ cảnh quan di sản…

Đơn cử như tình trạng ô nhiễm môi trường ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), hay như Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình) tuy chưa biến dạng đến mức nghiêm trọng nhưng cứ đà khai thác vì kinh tế, không ai dám chắc rằng khu danh thắng Tràng An sẽ nguyên sơ như những gì vốn có… Gần đây nhất, khi Hội Gióng được UNESCO công nhận đã có ý tưởng đưa Hội Gióng vào nội dung phát triển du lịch. Ý tưởng này vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa. Họ cho rằng, không gian sinh hoạt của Hội Gióng là trong cộng đồng nhỏ, không thể đưa lên sân khấu trong không gian rộng.

Dường như dễ nhận thấy, không ít địa phương thường trực suy nghĩ, di sản đã ở tầm quốc tế, quốc gia thì phải làm cái gì đó khác đi, sinh động lên, hoành tráng hơn để thu hút khách du lịch. Theo Ts Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, đây là quan điểm hoàn toàn sai vì di sản là của người dân hãy để nó tồn tại và phát triển như bản thân nó đã có. Đừng đem nó ra để phục vụ cho những lợi ích cá nhân, lợi ích kinh tế. Đó là những điều nguyên tắc để bảo vệ di sản phi vật thể.

Kiến trúc sư Phùng Phu, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho rằng: bản thân di sản là một giá trị để phát triển. Chính vì thế phát triển du lịch là phải bảo vệ những giá trị đích thực của di sản và cần có một cái nhìn tổng thể, phải coi bảo vệ di sản là nền tảng của phát triển du lịch bền vững”.

Bảo tồn di sản phải đúng cách

Theo các chuyên gia về văn hóa di sản, ở nước ta hiện nay chỉ có phố cổ Hội An và Nhã nhạc cung đình Huế bước đầu khẳng định được giá trị văn hóa của mình sau khi được vinh danh. Còn lại hầu như các di sản vẫn loay hoay trong việc tìm hướng bảo tồn và phát triển.

Đơn cử như Dân ca quan họ sau một thời gian khoác danh hiệu vẫn phát triển tự phát, chỉ hoạt động sôi nổi khi có tài trợ, dự án. Trong khi quan họ chỉ có thể sống được khi nó được trở về làng, song do thiếu những bước đi đúng hướng nên quan họ vẫn chỉ nổi lên khi có dịp được quảng bá. Và các làng quê vẫn âm thầm tiếc nuối khi những nghệ nhân lần lượt ra đi, khi thế hệ trẻ tiếp nối ngày một ít đi. Hay như ca trù, ngay khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (năm 2009), ngành VH, TT và DL đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể để bảo vệ. Thế nhưng sau 4 năm ca trù được ghi danh, thì cũng là chừng ấy thời gian ca trù rơi vào im ắng. Các cuộc liên hoan ca trù được tổ chức hằng năm theo quy mô toàn quốc nhưng ngày càng mờ nhạt. Nếu như năm 2009, liên hoan ca trù có sự góp mặt của nhiều nghệ nhân, nhiều CLB ca trù có tiếng thì đến liên hoan hai, ba năm gần đây nghệ nhân vắng bóng, lớp trẻ cũng tham gia không nhiều.

Đối với các di sản vật thể thì việc bảo tồn được triển khai khá rầm rộ, trở thành “phong trào” trùng tu, tôn tạo, nâng cấp... Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là có một lập luận mà các cơ quan chức năng quản lý di tích văn hóa thường đưa ra khi nói về mục đích trùng tu, nâng cấp di tích là: cuộc sống hiện đại nhu cầu tâm linh, du lịch của người dân được nâng lên thì di tích cần được nâng cấp như cơi nới rộng hơn, đổ bê tông đường sá... cho chắc chắn để tiện đường cho du khách. Và hệ quả có thể thấy rất rõ sau cuộc tu bổ, tôn tạo, không ít người thực sự bức xúc khi Đền Hùng đã trở nên “tiện nghi” và “hiện đại”. Hay như di tích Lam Kinh và mới đây là Đàn Nam Giao - Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa… và rất nhiều di tích văn hóa  khác như: khu di tích Côn Sơn (Hải Dương), đền Hai Bà Trưng (Hà Nội), đền Đô (Bắc Ninh)... cũng bị biến dạng sau khi được trùng tu, tôn tạo. Bê tông hóa đã làm mất đi vẻ thanh thoát và bản sắc văn hóa dân tộc ở những di tích này.

Không ít ý kiến cho rằng, di sản văn hóa bị biến dạng không phải vì chúng ta không có cơ sở pháp lý, cũng không phải vì tiền mà vì sự thiếu hiểu biết và năng lực thực tế của những người tham gia bảo tồn. Trong quá trình bảo vệ di sản những người thực hiện đã quên mất vai trò của người dân – những chủ thể của di sản văn hóa. Trách nhiệm của các nhà quản lý là giúp người dân hiểu được sự ghi nhận ấy không chỉ là danh hiệu mà là trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ. Nếu người dân ý thức được thì dù là ít tiền đầu tư nhưng vẫn có thể bảo vệ được di sản. Mặt khác nếu có nhiều tiền mà người dân không ý thức bảo vệ những giá trị của di sản thì cũng không phục hồi được di sản. Cộng đồng cần chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của di sản cùng với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, các nhà quản lý.

Theo daibieunhandan

  • Từ khóa