Chủ nhật, 24/11/2024, 00:48[GMT+7]

Ca trù ở Thái Bình

Thứ 2, 04/07/2022 | 09:16:32
18,047 lượt xem
Ca trù hay còn gọi là hát ả đào, hát cô đầu, hát nhà trò, hát nhà tơ... là hình thức ca múa nhạc tổng hợp vừa mang tính bác học vừa mang tính dân gian độc đáo. Từ xa xưa ca trù đã được coi là một hiện tượng văn hóa hết sức đặc biệt, có tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội người Việt. Thuở xưa, các đào nương (người hát) đều gọi chung là ả đào, các quản giáp gọi là kép. Nhiều cuộc thi hát ả đào có giải thưởng thường được tổ chức ở các vùng quê trong nước nhân dịp hội hè, tế tự. Để khích lệ các đào nương trong các cuộc thi, những người tổ chức đã định ra lệ thưởng tiền khi đào nương đang trình diễn. Số tiền thưởng được ghi rõ mệnh giá trên một thẻ tre, thẻ tre đó gọi là trù. Từ những cuộc thi có thưởng trù cho nên lối hát này có tên gọi là hát ca trù.

Tỉnh Thái Bình vốn từng được coi là miền quê hội tụ các sắc thái văn hóa của người Việt. Ngoài các loại hình nghệ thuật tiêu biểu như chèo, rối nước còn có truyền thống hát ca trù từ rất sớm. Đầu năm 2006, chúng tôi đã phát hiện được một cuốn sách Hán Nôm ở đền Đồng Xâm (Kiến Xương), trong đó có chép các bài ca trù tế Thánh. Trong hội đền Đồng Xâm thuở xưa có tục chầu cử. Tục này có thể hiểu là khi mở hội đền, giáo phường ca trù ở các nơi thường cử những đào nương hát hay, những kép đàn giỏi về hát chầu thánh. Cuốn sách này là một cổ vật minh chứng cho tục hát ca trù trong hội đền Đồng Xâm có từ cổ xưa. Tương truyền Hoàng hậu Trình Thị vợ vua Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) người làng Đồng Xâm vốn là tổ nghề ca công. Cuốn sách cổ này ghi chép thần tích và các bài văn tế, văn khấn của đền. Ngoài những tư liệu mang tính tạp ghi thì đáng quan tâm hơn cả là sách chép 8 bài ca trù tế Thánh và một bài ca trù tế tổ nghề ca công. 8 bài ca trù có lời hát khác nhau nhưng cùng chung một quy cách. Mỗi bài 16 câu; 6 câu mở đầu ngợi ca công đức của Triệu Vũ Đế và hoàng hậu, 5 câu giữa phô diễn lòng thành kính, 5 câu cuối mang nội dung chúc hỗ, cầu chúc xóm làng yên ấm, quốc thái dân an, mùa màng bội thu... Bài tế tổ nghề ca công cùng với 8 bài ca trù tế Thánh ở Đồng Xâm đã được đưa vào hồ sơ quốc gia để trình UNESCO ghi danh ca trù là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngày 1/10/2009, UNESCO đã công nhận ca trù của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Thái Bình là 1 trong 16 tỉnh được UNESCO cấp bằng di sản ca trù.

Dưới đây là dịch nghĩa lời hát bài tế tổ nghề ca công ở đền Đồng Xâm:
Nước non gấm vóc
Sông biển linh thiêng
Lấy múa cùng ca
Yên hòa tâm tính
Trăng thanh gió mát
Thành sắc thành thanh
Trầm bổng du dương
Cho người người vui tai sướng mắt
Thanh nhàn cùng vui
Để người người thư thái tâm tình
Đương thế tưởng nhớ phong thái
Muôn thuở ngưỡng vọng tiếng thơm
Nhân tiết lệ về
Mở lòng thành kính
Cúi xin chứng giám
Ban cho an lành
Nhà nhà chung vui
Mênh mang khúc nhạc tiếng đàn
Trẻ già cùng hát ca
Vui chơi theo vũ đạo thăng bình.

Nói đến ca trù Thái Bình không thể không nhắc đến Nguyễn Công Trứ, nhà doanh điền sứ đã có công khai khẩn mở mang đất đai lập ra huyện Tiền Hải đồng thời cũng là một danh sĩ có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển nghệ thuật ca trù ở Việt Nam và đã để lại di sản ca trù ở Thái Bình với nhiều làng ca trù nổi tiếng.

Theo tư liệu khảo sát bước đầu, sau hòa bình lập lại (1954) ở Thái Bình có khoảng trên 50 đào nương, kép đàn chuyên hành nghề ca trù tập trung ở phố An Tập (thành phố Thái Bình). Những làng có người hành nghề này thường theo các giáo phường ca trù ở tỉnh ngoài kiếm sống. Những năm trước đây, nhiều nghệ nhân cao niên ở các giáo phường ca trù thuộc Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương... còn nhắc tên các đào nương, kép đàn quê Thái Bình. Những người này chỉ về hát ở hội làng mình khi có tổ chức hát ca trù. Trong hương ước cổ của nhiều làng xã ở Thái Bình có ghi rõ lệ hát ca trù khi làng mở hội. Đình làng Hoàng Quan thuộc xã Đông Phương, huyện Đông Hưng thờ Thành hoàng làng là tổ nghề hát, dân làng vẫn gọi là bà Đầu. Thuở trước, làng Hoàng Quan vốn có truyền thống về nghề hát ca trù.

Tác giả Phạm Nguyên Hợp đã viết trong Tiên Hưng phủ chí: “Người làm nghề ca hát thì xã Phú Hậu, huyện Duyên Hà; các xã Mỹ Thịnh, Duyên Tục, huyện Thần Khê; Phúc Hải, Quan Hà, huyện Hưng Nhân là những nơi có nhiều người làm nghề ca hát, trong số đó thì hai xã Mỹ Thịnh, Phú Hậu tinh chuyên về môn nghệ thuật hát ả đào. Đào kép ở hai xã ấy bao giờ cũng đặc chiếm hạng nhất. Từ xưa, những người làm nghề này thường sinh hoạt theo từng khu giới (giáo phường). Mỗi giáo phường có khoán lệ riêng, mãi mãi gìn giữ tuân theo những quy tắc đã nêu trong khoán lệ đó. Hàng năm, các giáo phường thay phiên nhau sửa soạn lo liệu, lễ cúng tổ sư nghề hát, gọi là lễ tế tổ. Lễ tế làm vào tháng chạp cuối năm, ngày thì tùy theo sự thuận tiện mà định. Đến ngày đó người làm nghề ca kỹ ở các khu vực trong cùng một giáo phường đều đến yết lễ. Rồi đó người trong từng khu vực cùng nhau tính toán sổ sách để biết trong năm ấy thu được bao nhiêu các khoản tiền đi hát cho cả làng (gọi là đình môn tiền) và tiền đi hát cho các tư gia. Tổng số tiền đó đem chia cấp thỏa đáng theo những điều quy định trong khoán lệ. Kể từ đời Lê đã có quy ước thành thể lệ như vậy, đến nay vẫn tuân theo không thay đổi”.

Từ sau năm 1954, tục hát ca trù ở Thái Bình không còn duy trì, đến nay phần đông nghệ nhân đã qua đời mà không có người nối dõi. Một số không hành nghề nhưng đi theo con cháu đi sinh sống ở tỉnh ngoài. Có người đã được trọng dụng như trường hợp nghệ nhân Lê Thị Thanh Vân, sinh năm 1926, quê làng Dương Liễu nay thuộc xã Bình Định, huyện Kiến Xương từng một thời là nghệ nhân ca trù tài hoa bậc nhất của Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực hiện chương trình bảo lưu nghệ thuật truyền thống, đầu năm 2007, Sở Văn hóa Thông tin đã mở lớp đào tạo ca trù theo hình thức mời nghệ nhân từ các giáo phường ngoài tỉnh và các chuyên gia ở trung ương về truyền nghề. Vào dịp ấy, đã mời được ca nương Phạm Thị Chúc và kép đàn Nguyễn Phú Đẹ là hai nghệ nhân cao niên vào bậc nhất trong giới ca trù, cùng thạc sĩ ca trù Phạm Thị Huệ giảng viên Nhạc viện Hà Nội về truyền nghề. Sau hai tháng đào tạo, kết quả thật bất ngờ. Hơn 40 học viên theo học đã sử dụng thành thạo 5 khổ phách cơ bản và 5 làn điệu ca trù. Sau lớp đào tạo này có hai ca nương và hai kép đàn đã tham gia hội diễn ca trù toàn quốc tại Hải Dương đoạt huy chương bạc.

Xã Bình Định (Kiến Xương) là một xã có nghề ca trù truyền thống. Tháng 12/2007, một lớp truyền nghề ca trù đã được mở tại đây trong thời gian hơn một tháng có sự tham gia truyền nghề của một số nghệ nhân trong và ngoài tỉnh. Gần 40 học viên đã nắm vững cách sử dụng 5 khổ phách và một số làn điệu cơ bản. Từ nguồn kinh phí tài trợ của một quỹ phi chính phủ, vào năm 2008, Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh cũng đã mở một lớp đào tạo ca trù tại xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương nơi có tục chầu cử trong hội đền Đồng Xâm với mục đích khôi phục tục hát ca trù vốn có lâu đời ở đất này.

Nếu tục hát ca trù chầu cử được khôi phục ở Đồng Xâm thì hẳn là điểm du lịch này sẽ còn có sức hấp dẫn bội phần đối với du khách trong và ngoài nước.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)