Thứ 6, 22/11/2024, 04:55[GMT+7]

Về miền đất Lạng trẩy hội mùa xuân

Thứ 3, 02/04/2013 | 08:13:33
6,219 lượt xem
Đất Lạng nay thuộc xã Song Lãng (Vũ Thư) vốn là trung tâm của hương Mần Để - miền quê hiếu học “địa phát khôi khoa”. Vùng địa linh theo hình 5 con ngựa này chứa “thất trình quý hiển” mà theo một số sử sách đó là 7 di tích từ thời Hán Đường đến Lý Trần còn để lại. Phúc Thắng tự là một trong số đó.

Đền Thượng, Chùa Hội (xã Song Lãng, Vũ Thư) - Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ảnh: Thành Tâm

Di tích lịch sử văn hóa Phúc Thắng tự thuộc xã Song Lãng (Vũ Thư) gắn với thiền sư Đỗ Đô. Theo sử tích và một số tài liệu cho biết: Đỗ Đô sinh tháng 9 năm 1042, cha là một phù thủy cao siêu tên Đỗ Hoằng, mẹ là Trịnh Thị Cao ở phường Hoàng Giang, trấn Hải Dương. Từ nhỏ đã có trí thông minh hơn người, vừa được tiếp thu đạo thuật phái Hoàng Giang, lại được một danh nho yêu mến truyền dạy. Sau khi cha mất, Đỗ Đô theo một vị tăng nguyện tu hành ở chùa Yên Tử. Năm 1066, ông đi Bắc quốc dự khoa thi Bạch liên và đỗ đầu, trở thành quốc sư hai triều Lý (Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông). Vùng đất Lạng gần sông Bạch Lãng (sông Trà Lý ngày nay) được ông chọn và xây dựng chùa làm nơi tu hành. Trong những chuyến đi kinh lý khuyến nông ở vùng này, vua Lý đều ghé qua nghỉ lại để đàm đạo với Đỗ Đô về việc nước và Phật pháp. Sau khi thiền sư viên tịch, dân làng xây đền thờ. Đền Thượng có nghĩa là cao cả, ca ngợi tài đức của đức Thánh Đỗ Đô. Cả đền và chùa đều được xây dựng trên nền hành điện cũ của vua Lý Thánh Tông. Lễ hội đền và chùa là một. Dân gian quen gọi hội chùa Phúc Thắng hay hội Lạng, hội đền Thượng.

Đền Thượng quay về hướng Nam, nơi hội tụ những ý nghĩa tốt đẹp. Cây gạo cổ thụ hàng trăm năm tuổi mỗi dịp nở hoa lại rực đỏ một khoảng trời. Màu đỏ đầy sinh khí truyền lại cho vạn vật sinh sôi. Cây cao được coi như trục nối trời và đất, là cõi đi về của các bậc thần linh. Hồ nước phía trước chùa có diện tích khoảng 1.000 mét vuông, hồ bên trái nghi môn đắp nổi hòn non bộ. Nước, ngoài ý nghĩa tụ linh, tụ phúc còn mang tính chay tịnh rửa sạch bụi trần của khách thập phương trước khi vào chốn cửa đền. Với kiến trúc tiền nhất hậu đinh, chạm khắc kiến trúc nổi bật nhất là trang trí trên các bức cửa võng ở tiền bái với đề tài tứ linh, tứ quý.

Đến đây du khách có thể chiêm ngưỡng bức tượng giáo chủ Đỗ Đô được tạc từ thế kỉ 15 với thế “nhất thể tam thân” độc đáo, biểu thị tài đức của con người khi tiếp thu những điều tinh túy nhất của 3 tôn giáo Nho, Đạo, Phật. Vào đêm 30, trong sự tĩnh mịch của đất trời, từ mảnh đất Lạng hương Mần vang lên tiếng cồng làm lay động lòng người. Nhân tâm muôn nẻo thu về nơi thanh âm tối linh ấy với tấm lòng cung kính hồi hộp và niềm vui tràn đầy hy vọng năm mới an lành. May mắn hơn cho ai về với mảnh đất ấy mà được hòa mình vào lễ “thông hành tịnh trùy” để tận mắt chiêm ngắm một pháp khí cổ thuộc loại độc nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ. Rồi thắp nén nhang hương nơi am đá sau chùa với am, tượng thờ, đồ thờ đều bằng đá, nghệ thuật chạm khắc vào hàng cổ nhất quê lúa. Điều đặc biệt khiến lễ hội Lạng không giống như lễ hội ở một số nơi khác chính là ở đây có sự tham gia của nhà sư trong một số nghi lễ quan trọng như Lễ thi thầy, lễ thông hành tịnh trùy, lễ chay lược, chay cái. Trong rất nhiều lễ rước như rước văn, rước tranh đức tổ sư về nhà ông hội chủ, rước ngài trở lại đền… còn đặc biệt lưu ý lễ tán hoa có ý nghĩa đức thánh nhân đạo từ bi phát lộc cho cả những sinh linh phiêu dạt không nơi nương tựa.

Một góc đền Thượng. Ảnh: Minh Đức

Vào ngày hội ở đền Thượng, đấu vật là môn thể thao được trai làng ưa thích. Sân đấu thường thu hút rất nhiều du khách với những động tác khỏe khoắn, thế vật đẹp mắt. Song Lãng là lò luyện đô vật của huyện Vũ Thư nhằm đi thi đấu ở muôn nơi.

Về cơ bản, ngoài không gian lễ hội có phần thu hẹp, còn các nghi thức, nghi lễ đều được tiến hành đầy đủ. Và có lẽ theo thời gian, nét độc đáo thu hút du khách bao thế hệ vẫn là cỗ chay đậm đà hương vị quê hương, thể hiện cái tài cái tình của người dân nơi mảnh đất Lạng hương Mần. Tục truyền nơi đây được vua ngự giá nhiều, mỗi lần vua và lính hồi cung, người dân lại làm các món chay từ sản vật sẵn có để gửi về cung đình làm quà cho các quan lại, nha môn không dự lễ hội được. Do đó ngoài cỗ chay cúng Phật, cúng Thiền sư thì còn có cỗ Nha Môn.

Hai năm một lần, vào phiên hội chính, làng mở hội thi cỗ với những món ăn làm mãn nhãn du khách xa gần. Người nào chưa biết thì tưởng như đang đứng trước một mâm cỗ mặn thịnh soạn, hương vị thơm lành. Nếu ai đã từng nghe về cỗ chay mà tận mắt chứng kiến cũng không khỏi ngỡ ngàng. Từ đó mà trầm trồ thán phục sự tinh tế khéo léo đến từng chi tiết ở các món ăn. Nguyên liệu là những sản vật sẵn có, lá cây, củ quả ngọt lành chắt chiu từ mảnh đất và sự lam lũ “một nắng hai sương” của bao thế hệ người dân nơi này. Trước mắt chúng ta là những đẳng cỗ cái, cỗ nước, cỗ cơm đủ màu sắc tượng trưng cho ngũ hành với 24 món nem, chả, giò, mọc, các loại trà lam, trà đường, những tấm bánh… còn thơm hương nếp mới. Nhiều làng còn trổ tài làm thêm món mới như thịt chân giò luộc, món cá bơi cá nằm… Này là con cá béo mầm như đang quẫy đuôi bơi nhanh về dự lễ hội, kia là bánh đường vàng ánh trong suốt, đây đĩa mứt trắng tinh thoảng hương vị đường hoa mai, một thứ đường thắng lên sóng sánh màu vàng mật.

Du xuân trên đất Lạng hương Mần dịp hội chính, vào các ngày 9, 10, 11 khi các làng chấm điểm mâm cỗ, du khách có thể thưởng thức hương vị đậm đà mà tinh khiết từ các món ăn. Ăn chay là hướng tới quan niệm không sát sinh của nhà Phật. Dùng các món chay một cách khoa học không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn. Để có được mâm cỗ chay thanh tịnh mà không kém phần thịnh soạn, người dân các thôn làng đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Mấy năm trở lại đây địa phương còn chọn cử con em đi học lớp tập huấn làm cỗ chay do chính bậc cao niên có tay nghề truyền dạy. Thầy chính là bậc cha chú, trò là hàng cháu con, cha truyền con nối với mong mỏi tha thiết là lưu giữ, phát huy một nét đẹp văn hóa cho muôn đời.

Dịp xuân về, niềm vui như nhân đôi bởi đền chùa đã và đang được trùng tu tôn tạo. Con đường du lịch Song Lập cơ bản hoàn thành, sẵn sàng đón du khách thập phương dự hội. Gió xuân mang hơi thở cuộc sống tràn về mơn man. Từ cây gạo cổ thụ trước cửa đền chùa cựa mình bao mầm xanh chồi biếc. Vẳng trong không gian cõi thiêng này, thanh âm tiếng chuông chùa ngân nga hòa cùng tiếng trẻ thơ i a học bài gần đó. Cửa chùa Phúc Thắng tự, đền Thượng lại rộng mở đón con em đi xa về gần, người dân muôn phương về tề tựu. Người dân vùng đất “thế thế khôi nguyên” lại nô nức sắm bày mâm cỗ chay dâng Thánh, đất Lạng hương Mần lại mở hội đón du khách gần xa.

Hà Thanh

(Đài Phát thanh Vũ Thư)

  • Từ khóa