Thứ 7, 23/11/2024, 21:54[GMT+7]

Tiếp lửa đam mê nghệ thuật truyền thống

Thứ 7, 27/08/2022 | 08:15:53
68,375 lượt xem
Vừa qua, cuộc thi em yêu làn điệu dân ca dành cho học sinh phổ thông do Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh tổ chức đã thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều thí sinh đến từ khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Nỗ lực tập luyện và thể hiện khả năng của bản thân, các cô bé, cậu bé đang góp phần khẳng định: dù với bất cứ lứa tuổi nào, nghệ thuật truyền thống vẫn luôn có chỗ đứng giữa dòng chảy của nghệ thuật đương đại.

Nhiều thí sinh dù còn nhỏ tuổi nhưng đã tự tin thể hiện tình yêu với dân ca qua màn thể hiện chuyên nghiệp.

Những thí sinh đến từ cái nôi của nghệ thuật chèo

Là một trong những thí sinh nổi bật tại cuộc thi em yêu làn điệu dân ca, em Quách Hà Linh, lớp 7, Trường Tiểu học và THCS Phong Châu (Đông Hưng) tự tin lựa chọn thể hiện bài chèo cổ “Ru bống”. Sinh ra và lớn lên tại làng Khuốc, Hà Linh sớm được nghe và truyền dạy nghệ thuật chèo. Tình yêu với chèo cổ cứ lớn dần theo năm tháng, nhận được sự cổ vũ, động viên của ông bà, bố mẹ nên em sớm xác định mục tiêu cho riêng mình là trở thành thế hệ kế cận của làng Khuốc trong bảo tồn vốn cổ mà các tiền nhân đã để lại. Ít ai biết, Quách Hà Linh cũng chính là thí sinh xuất sắc đã đạt giải ba tại cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình năm 2021.

Hà Linh chia sẻ: Sau giờ học, em thường tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ (CLB) chèo của làng. Được các ông, các bà chỉ dạy những làn điệu chèo cổ, được nghe giảng giải về những tích chèo cổ nên hiện nay em có thể hát và thể hiện một số bài chèo cổ, trích đoạn chèo cổ. Trong gia đình, bà và cô là những người thường xuyên góp ý và uốn nắn từng lời ca, điệu múa cho em bởi bà là chủ nhiệm CLB chèo của làng, cô là nghệ sĩ đang công tác tại Nhà hát Chèo Thái Bình. Em mong muốn tham gia cuộc thi để thể hiện khả năng của bản thân và bạo dạn, tự tin hơn khi biểu diễn trên sân khấu.

Cùng với Quách Hà Linh, thí sinh Phạm Thị Hằng, lớp 9, Trường Tiểu học và THCS Phong Châu (Đông Hưng) cũng đã thể hiện tài năng với nghệ thuật chèo qua làn điệu Luyện năm cung, lời Đào lý một cành. Phạm Thị Hằng cho biết: Năm học lớp 4, em cũng đã tham gia cuộc thi tiếng hát dân ca do Tỉnh đoàn tổ chức và thể hiện bài chèo cổ Hà vị. Đến nay, khi quay lại đứng trên sân khấu của một cuộc thi về dân ca, em vẫn quyết định gắn bó với nghệ thuật chèo và nỗ lực hết mình để có thể nhận được sự tin yêu của ban giám khảo và khán giả. Được ban giám khảo đánh giá cao phần thể hiện Đào lý một cành, em rất vui và sẽ nỗ lực hơn nữa, phát huy tốt những thế mạnh của bản thân để mỗi cuộc thi đều trở thành tiền đề quan trọng cho bước đường nghệ thuật tương lai.

Sớm phát hiện, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật truyền thống

Tham gia cuộc thi em yêu làn điệu dân ca, nhiều thí sinh cũng đã lựa chọn thể hiện những ca khúc thuộc thể loại dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca Thanh Hóa, dân ca Nam Bộ, dân ca đồng bằng Bắc Bộ. Một số thí sinh đã tự tin thể hiện độc tấu đàn nguyệt, độc tấu sáo trúc, độc tấu trống chèo. 

Bà Vũ Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh cho biết: Cuộc thi giúp các thí sinh được cháy hết mình với đam mê nghệ thuật, có cơ hội được thể hiện tài năng, năng khiếu và khẳng định bản thân. Đây cũng là sân chơi bổ ích và ý nghĩa để các em có dịp tiếp cận và giao lưu văn hóa văn nghệ, được hát lên những làn điệu dân ca mà mình yêu thích, từ đó được định hướng thẩm mỹ âm nhạc, bồi dưỡng sự hiểu biết, tình cảm yêu mến với dân ca. Thông qua cuộc thi nhằm phát hiện, ươm mầm và bồi dưỡng những tài năng trẻ - hạt nhân của nghệ thuật dân tộc, tiếp lửa đam mê nghệ thuật, cùng các em góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước.

Bà Trần Thị Oanh, mẹ của thí sinh Phạm Thị Hằng chia sẻ: Nhận thấy con có tình yêu với dân ca, trong đó có chèo, từ khi con mới 5 tuổi nhưng gia đình không hề ép buộc mà để con tự quyết định niềm đam mê âm nhạc cũng như định hướng bước đường nghệ thuật tương lai của con. Nỗ lực hỗ trợ con, thường ngày con được tham gia CLB chèo của làng, được tập hát, tập múa với các ông, các bà trong làng chèo. Khi con tham gia cuộc thi, bố mẹ đã tìm thầy dạy để con có thể biểu diễn chuyên nghiệp hơn khi đứng trên sân khấu. Mong rằng con có thể giữ mãi tình yêu với nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.

Giữa dòng chảy của nghệ thuật đương đại, những làn điệu dân ca như sợi dây vô hình mà bền chặt kéo gần lại thế hệ hôm nay với truyền thống cha ông bởi mỗi lời ca, tiếng hát đều mang trong đó hình ảnh về quê hương, đất nước, lắng đọng tinh hoa văn hóa của dân tộc. Điều đáng mừng, với sự quan tâm đúng mức của gia đình và nhà trường, xã hội, trẻ nhỏ ngày càng yêu và biết hát dân ca.

Một thí sinh với màn độc tấu trống chèo.

Tú Anh