Thứ 6, 22/11/2024, 04:57[GMT+7]

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðẩy mạnh thực hiện quyền vui chơi, giải trí của trẻ em

Thứ 2, 15/04/2013 | 09:41:51
4,751 lượt xem
Thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020, những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện quyền vui chơi, giải trí của trẻ em.

Hội thi Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách là sân chơi bổ ích, thu hút đông đảo các em tham gia

 Ðến nay, sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho trẻ em nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nỗ lực của ngành đã góp phần bồi dưỡng đạo đức, tri thức, sức khỏe và thẩm mỹ cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Ðẩy mạnh thực hiện quyền vui chơi, giải trí của trẻ em

Theo đồng chí Phạm Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch rất quan tâm đến việc thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạo điều kiện thuận lợi để các em thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh thực hiện quyền được vui chơi, giải trí. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực thực hiện các chương trình phối hợp, trong đó phối hợp với Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh triển khai kế hoạch hoạt động văn hóa, thể dục thể thao hè cho học sinh; phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thi Thiếu nhi giới thiệu, kể chuyện sách, báo, Hội khỏe Phù Ðổng, các giải thi đấu thể thao dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng như chạy việt dã, cờ vua, cầu lông, bơi, bóng đá v.v.. Các hoạt động trên được chỉ đạo triển khai từ cơ sở đến cấp tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các em được tham gia, thụ hưởng các hoạt động văn hóa, thể thao; tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn, phù hợp lứa tuổi, đồng thời thu hút sự vào cuộc và phát huy tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền vui chơi, giải trí của trẻ em.

Thực hiện việc đầu tư xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em, hiện trên địa bàn tỉnh ngoài  Nhà Văn hóa Thiếu nhi, Trung tâm Văn hóa thể thao Thanh thiếu nhi tỉnh thì tại 8 huyện, thành phố đều đã có trung tâm vui chơi giải trí dành cho trẻ em. 286 xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi cho trẻ em. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các thiết chế văn hóa, thể thao, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Các thiết chế văn hóa do ngành văn hóa, thể thao và du lịch quản lý từ tỉnh đến cơ sở những năm qua đã có nhiều đổi mới về phương thức và tổ chức hoạt động, cơ sở vật chất từng bước được tăng cường đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, thể thao của nhân dân nói chung và thanh, thiếu nhi nói riêng. Câu lạc bộ thuộc các nhà văn hoá ngày càng phát triển, trở thành địa chỉ quy tụ, ươm mầm năng khiếu nghệ thuật, thể thao thu hút đông đảo các em thiếu nhi tham gia. Nhiều địa phương, đơn vị có những sáng kiến và nỗ lực trong việc tổ chức các hình thức hoạt động phục vụ vui chơi, giải trí cho trẻ em như chiếu bóng, biểu diễn nghệ thuật, hội họa; tổ chức ngày hội trẻ em, các chương trình lễ hội, ca nhạc dành riêng cho trẻ em nhân dịp Tết Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Nguyên đán..., tạo thêm cho các em những sân chơi bổ ích và cơ hội thụ hưởng, thực hiện quyền vui chơi giải trí của mình.

Tồn tại, hạn chế và những vấn đề đặt ra

Những nỗ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch cùng sự chung tay, tạo điều kiện của các cấp, các ngành đã góp phần thực hiện quyền vui chơi giải trí của trẻ em, từ đó góp phần hoàn thiện nhân cách, nâng cao thể chất, sức khỏe và tinh thần của trẻ em trong tỉnh. Song vấn đề đặt ra là, các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em đã được quan tâm tổ chức nhưng chưa đồng đều và chưa thực sự đáp ứng nhu cầu.

Qua khảo sát của ngành văn hóa, các điểm vui chơi giải trí và hoạt động văn hóa thể thao dành cho trẻ em có sự phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở thành phố, thị trấn, thị tứ. Trẻ em nông thôn, vùng sâu, vùng xa ít được tiếp cận với các hoạt động văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí như xem triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, phim ảnh, sách báo... Ngoài các điểm vui chơi như nhà văn hoá, sân vận động thì hầu như các em không có điểm vui chơi tập trung khác. Cơ sở vật chất của nhiều nhà văn hoá tuy đã được đầu tư trang bị song chưa phong phú. Các hoạt động vui chơi dành cho trẻ em không được tổ chức bài bản, thường xuyên; nội dung hoạt động còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Các biện pháp tổ chức vui chơi giải trí phù hợp với điều kiện sinh hoạt của trẻ em nông thôn chưa nhiều. Việc quản lý các khu vui chơi dành cho trẻ em chưa tốt; trang thiết bị không được bảo quản chu đáo dẫn đến hư hỏng, xuống cấp... Nhiều địa phương tuy đã có điểm vui chơi tập trung song không ổn định; còn tình trạng khu vui chơi của trẻ em ở xã, phường, thôn làng thực chất chỉ là bãi đất trống, có trang thiết bị nhưng nghèo nàn, không có người quản lý, hướng dẫn...

Ðể khắc phục những tồn tại, hạn chế nói trên, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thực hiện quyền vui chơi giải trí cho trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ cơ hội phát triển toàn diện đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cả cộng đồng. Ðặc biệt, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức hướng dẫn, tạo điều kiện để các em thực hiện và thụ hưởng quyền vui chơi, giải trí của mình.

Bài, ảnh:  Hà Dung

  • Từ khóa