Đọc sách Kiều - cuộc phiêu lưu từ lịch sử tới văn học
Vương Thuý Kiều vốn là con gái một thường dân ở Lâm Tri, có nhan sắc. Lúc nhỏ được bán vào nhà hát, sau trở thành một kỹ nữ nổi tiếng ở Giang Nam. Bọn Nuỵ khấu (thổ phỉ) vào cướp Giang Nam, bắt nàng đem nộp cho tên chúa trại là Từ Hải. Từ Hải hết sức yêu quí, cho làm phu nhân.
Từ đó mọi việc đều do Kiều xui khiến. Kiều bề ngoài vẫn làm ra vẻ tâm phúc với Từ, nhưng bên trong chỉ mong Từ thất bại để trở về cố hương. Vừa lúc đó, viên Đốc phủ Hồ Tôn Hiến cho Hoa Lão Nhân đến dụ hàng. Từ nổi giận bắt trói Hoa.
Kiều can rằng: “Hàng hay không là ở phu quân, can gì đến người lai xứ”, nói rồi tự tay cởi trói cho Hoa Lão Nhân. Hoa Lão Nhân vốn có biết Kiều, khi về bàn với Đốc phủ rằng: “ Thế giặc chưa có thể trừ được nhưng vợ của nó xem ra có ngoại tâm, có thể nhân đó mà giết giặc”. Hồ Tôn Hiến bèn sai tiếp La Trung Quân đến thuyết hàng Từ Hải, lại thêm vàng bạc, châu báu ngầm đút lót cho Kiều.
Kiều ngày đêm bàn với Từ Hải rằng: “Việc lớn không thể thành công, chi bằng hàng là hơn. Hàng thì được làm quan trọn đời cùng nhau chung hưởng phú quý”. Từ nao núng, bèn xin hàng. Nhân thế, Hồ Tôn Hiến liền giao cho Từ Hải giao chiến với người cùng đảng là Trần Đông, rồi quan quân ở ngoài thừa cơ đánh vào. Từ Hải nhảy xuống sông mà chết.
Hồ Tôn Hiến đặt tiệc khải hoàn khao quân thưởng tướng ở quân môn, bắt Kiều ca hát và hầu rượu. Hồ Tôn Hiến rượu say, tâm động trước nhan sắc của nàng, xuống thềm đùa giỡn với Kiều. Đêm khuya, tiệc đại loạn...Sáng hôm sau, Hồ Tôn Hiến ăn năn việc đó, nhưng nghĩ Kiều có công không nỡ giết, bèn đem gán cho một viên tù trưởng. Kiều theo viên tù trưởng qua sông Tiền Đường. Vừa nhục nhã, vừa ân hận, đau khổ, ăn năn vì đã phụ lòng Từ Hải, nàng đã đâm đầu xuống sông mà chết.
Tác giả Mao Khôn vốn quê ở Quy An, tỉnh Chiết Giang, lại là người sống cùng thời với Kiều, nên trong đoản thiên ký sự này, ông đã kể lại khá tỉ mỉ câu chuyện. Kiều chỉ được nhắc tới như một kỹ nữ, một phu nhân làm tác nhân trong chuyện Từ Hải ra hàng. Thiên ký sự xoay quanh câu chuyện Hồ Tôn Hiến diệt trừ Từ Hải, vốn là một câu chuyện mang tính thời sự đương thời. Kiều trong Kỷ tiễu Từ Hải bản mạt là một trong những nhân vật chính, chưa được khai thác nhiều về nội tâm, tính cách theo góc độ văn học.
Sau đó, khá nhiều tác giả thời Minh đã lấy sự tích Thuý Kiều Từ Hải Hồ Tôn Hiến làm tư liệu sáng tác chủ yếu theo hai chiều hướng: Ca ngợi Hồ Tôn Hiến có công tích dẹp giặc, ca ngợi Thuý Kiều một con hát mà “công tư đều kiêm được cả” (biêt lo nỗi lo của triều đình, khi Từ Hải chết, tuẫn tiết theo).
Trong số những tác phẩm viết theo đề tài này, đáng chú ý nhất là Vương Thuý Kiều truyện của Dư Hoài tự là Đạm Tâm, người Phúc Kiến, và Sinh báo Hoa Ngạc ân, tử tạ Từ Hải nghĩa (sống báo ân Hoa Ngạc, chết tạ nghĩa Từ Hải) của Mộng Giác đạo nhân. Nhân vật Kiều trong hai tác phẩm này đã dần dần đổi khác so với sự thật lịch sử.
Trong Vương Thuý Kiều truyện của Dư Hoài, Thuý Kiều là “người hèn, nghề tiện” mà lại trung nghĩa “công tư đều kiêm được cả”. Thuý Kiều đã trở thành nhân vật trung tâm của một đoản thiên tiểu thuyết, mang giá trị tư tưởng mà tác giả gửi gắm: Những người tưởng như hèn mọn trong xã hội nhưng lại trung nghĩa, khiến bọn mày râu, những kẻ được xã hội xem là chính nhân quân tử đương thời nhiều người đáng xấu hổ.
Truyện của Dư Hoài so với ký của Mao Khôn về nội dung cơ bản là giống nhau, nhưng tác phẩm của Dư Hoài dài hơn, có điều kiện miêu tả tỉ mỉ, chi tiết hơn, có chủ đề tư tưởng, không còn đơn thuần là ghi chép lại sự kiện lịch sử, mang tính ký sự, mà đã bước đầu mang chất tiểu thuyết văn học.
Đặc biệt, đến Mộng Giác đạo nhân, tác giả vẫn xây dựng nhân vật Thúy Kiều dựa trên những tình tiết cơ bản cũ, song đã hư cấu thêm cho Thuý Kiều một quãng đời dài trước khi gặp Từ Hải. Đó cũng là nét mới so với các tác phẩm khác cùng đề tài. Khi viết Sinh báo Hoa Ngạc ân, tử tạ Từ Hải nghĩa, Mộng Giác đạo nhân cũng đề cao người phụ nữ thấp kém, xoàng xĩnh nhưng trung nghĩa.
Cho nên, khi Kiều về dưới trướng của Minh Sơn (Từ Hải), ngòi bút của Mộng Giác đạo nhân say sưa miêu tả: “Ngồi đầu bên trái là một viên tướng Nuỵ oai phong lẫm liệt, áo cẩm bào óng mượt dưới bộ giáp thêu, trông muôn phần hùng dũng. Ngồi đầu bên phải là một trang Thuý Kiều quốc sắc thiên hương, mũ kim phượng lung linh trên chiếc trâm ngọc”. Đến khi lo mối lo của triều đình, nghe theo Hồ Tôn Hiến, dụ Từ Hải hàng. Từ chết, Kiều đã tuẫn tiết theo.
“Người tiện nữ thấp kém mà trung nghĩa ấy, đấng mày râu nhiều người quả không bằng nàng”.
Như vậy, từ một con người trong lịch sử, Kiều trở thành một nhân vật chính trong ký sự, nhân vật trung tâm trong những đoản thiên tiểu thuyết, được hư cấu thêm mang dáng dấp một nhân vật trong văn học.
Song chỉ đến Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Kiều mới thực sự là nhân vật của nghệ thuật.
Nhờ bàn tay “chế tác” khá thành thạo của tác giả, Kim Vân Kiều truyện có thể coi là một bước ngoặt đánh dấu quãng đường từ sự thật lịch sử đến nghệ thuật của nhân vật Thuý Kiều.
Tính cách nhân vật Kiều trong cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân:
Trước đây, có người cho rằng Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là viết theo Vương Thuý Kiều truyện của Dư Hoài, song thực ra không hẳn như vậy. Đối chiếu ba tác phẩm: Vương Thuý Kiều truyện; Sinh báo Hoa Ngạc ân, tử tạ Từ hải nghĩa và Kim Vân Kiều truyện, ta dễ dàng nhận thấy một số chi tiết quan trọng trong tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân như: Kiều bán mình chuộc cha, Tú Bà ép Kiều ra tiếp khách; Kiều làm lẽ Thúc Sinh; Hoạn Thư ghen với Kiều ... đều đã có bóng dáng trong tác phẩm của Mộng Giác đạo nhân. Vì thế, tôi cho rằng: nguồn gốc chính của Kim Vân Kiều truyện phải là Sinh báo Hoa Ngạc ân, tử tạ Từ Hải nghĩa.
Dưới ngòi bút của Thanh Tâm Tài Nhân, Kiều không chỉ còn là một cô kỹ nữ “người hèn, nghề tiện” nhưng trung nghĩa, mà còn trở thành một khách tài tử có cuộc đời đa chuân trong cuốn tiểu thuyết trường thiên tới 20 hồi. Trong trường thiên tiểu thuyết này, Thanh Tâm Tài Nhân đã tự thêm vào nhiều chi tiết, bổ sung thêm nhiều nhân vật để tuyến nhân vật thêm phong phú và câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn hơn, như: thêm nhân vật Kim Trọng để nhấn mạnh câu chuyện tình yêu tài tử giai nhân Kim - Kiều, thêm Thuý Vân để tình yêu thêm éo le, trắc trở, và cũng để đối chiếu, so sánh với nhân vật Kiều.
Có thêm đoạn Kiều được cứu sống lại sau khi nhảy xuống sông Tiền Đường và cảnh đoàn viên tái hồi với Kim Trọng để hoàn tất mối tình tài tử giai nhân, làm cho kết chuyện “có hậu”. Thêm một hệ thống nhân vật khác có liên quan tới Kiều như: Mã Giám Sinh, Tú Bà, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Bạc Bà, Bạc Hạnh, vãi Giác Duyên, Đạm Tiên v.v... để tạo nên câu chuyện cuộc đời đầy phiêu lưu, oan khổ của người kỹ nữ đa đoan, phụ trợ cho nhân vật chính Thúy Kiều đa dạng về tính cách.
Kiều từ tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bước vào Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều) của Nguyễn Du:
Ta đều biết, Nguyễn Du “gặp” Thuý Kiều trong tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, để rồi từ đây, Thuý Kiều “lột xác” trở thành một nhân vật mới, khác hẳn, trong “trường thi tiểu thuyết” của Đại thi hào Nguyễn Du của chúng ta con người đựoc giới văn học nước nhà hậu thế của ông coi là “thi hào của mọi thi hào”.
Dưới bàn tay nghệ thuật của Nguyễn Du, với tâm hồn đầy nhậy cảm, với tài học uyên bác và trí tuệ nghệ thuật trác tuyệt, ông đã “hoán cốt, đột thai”, đã “thổi hồn” vào nhân vật chính Thuý Kiều, “Việt hoá” Thuý Kiều và biến đổi tính cách nhân vật này từ “con người tài tử, con người trung nghĩa” trong cốt truyện Tầu trở thành “con người tài mệnh”, và biến “trường thi tiểu thuyết” của mình mang tư tưởng nhân văn Việt Nam, mang hơi thở của xã hội đương thời Việt Nam.
Qua ngòi bút tái tạo kỳ diệu của ông, tính cách nhân vật Thuý Kiều đã được xác định bởi hai nét bền vững mà luôn xung đột với nhau: Đó là: sự ám ảnh về số mệnh và ý chí vươn lên để giành lấy cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã lược bớt nhiều chi tiết rườm rà trong cốt truyện của Thanh Tâm Tài nhân, đồng thời thêm vào nhiều tình tiết mới, nhấn thêm vào tính cách nhân vật theo chủ kiến tư tưởng của mình.
Đặc biệt, một thành công làm nên giá trị nghệ thuật bất hủ của ông qua tác phẩm Truyện Kiều, là cách điển hình hoá tính cách nhân vật đến mức cao độ, làm cho nhân vật trong Truyện Kiều “bước vào” đời sống xã hội và trường tồn với hậu thế, nhất là nhân vật chính Nàng Kiều. Làm cho tác phẩm Truyện Kiều trở thành một kiệt tác văn học bất hủ của dân tộc qua mọi thời đại, và qua tác phẩm, đã đưa tác giả của nó trở thành Đại thi hào dân tộc và Danh nhân văn hoá kiệt xuất.
Đào Xuân Ánh
Thị trấn Vũ Thư - Thái Bình
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh