Thứ 4, 24/04/2024, 19:58[GMT+7]

Tin và hy vọng vào thế hệ tiếp nối của nghệ thuật truyền thống

Thứ 2, 17/10/2022 | 08:35:12
10,519 lượt xem
Cùng với đề án phát triển nghệ thuật chèo trong các cơ sở giáo dục đang được nghiên cứu triển khai trên địa bàn tỉnh, việc tổ chức các cuộc thi tài năng nghệ thuật dành cho học sinh trong đó có nhiều thí sinh tham gia ở lĩnh vực nghệ thuật truyền thống là một tín hiệu đáng mừng. Nhiều nghệ sĩ gạo cội đánh giá, nghệ thuật cổ truyền vẫn đang từng ngày được các thế hệ trẻ trên quê hương Thái Bình chung tay gìn giữ.

Bà Vũ Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh cho biết: Sau 3 năm cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình được trung tâm đăng cai tổ chức, nhận thấy tiềm năng và niềm đam mê lớn của học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh đối với các loại hình nghệ thuật như chèo, tuồng, xẩm, nhạc cụ dân tộc..., được sự nhất trí của Tỉnh đoàn, Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh quyết định tổ chức cuộc thi “Em yêu làn điệu dân ca”. Thành công ngoài mong đợi, cuộc thi này đã trở thành một sân chơi lớn, hội tụ những phần biểu diễn được đầu tư công phu cho thấy tình yêu, niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống trong học sinh. Các tiết mục không chỉ được ban giám khảo đánh giá cao về chất lượng mà còn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả. Mùa đầu tiên tổ chức nhưng đã có tới 3 giải nhất, trong 3 thí sinh đạt giải nhất có 2 thí sinh thể hiện trích đoạn chèo cổ, 1 thí sinh thể hiện tài năng với nghệ thuật xẩm. Đây đều là những trích đoạn, làn điệu đặc sắc và rất khó để thể hiện thành công nhưng bằng sự am hiểu và nỗ lực của mình, các thí sinh dù còn nhỏ tuổi, đều đã mang đến cho khán giả không gian âm nhạc đậm chất dân gian.

Đảm nhận vai trò giám khảo trong đêm chung kết cuộc thi “Em yêu làn điệu dân ca”, NSND Thanh Ngoan, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, cả 4 thí sinh nữ lựa chọn hát chèo tại đêm chung kết đều để lại cho bà ấn tượng sâu sắc. Cùng đến từ Trường Tiểu học và THCS Phong Châu (Đông Hưng), 2 thí sinh là Phạm Thị Hằng lựa chọn trích đoạn chèo cổ “Vu quy” trong vở “Quan Âm Thị Kính”, thí sinh Quách Hà Linh lựa chọn làn điệu “Kể hạnh ru kệ”; thí sinh Trần Thị Thanh Hà, Trường THCS Tân Lập (Vũ Thư) với làn điệu “Dậm chân” trong trích đoạn “Tuần Ty Đào Huế”; thí sinh Nguyễn Vũ Tuệ Minh, Trường THPT Phụ Dực (Quỳnh Phụ) thể hiện làn điệu “Bà chúa con cua” trích trong vở chèo cổ “Xúy Vân”. Mỗi năm cuộc thi nghệ thuật dành cho thanh thiếu niên Thái Bình được tổ chức là mỗi năm NSND Thanh Ngoan lại tận tâm với vai trò ban giám khảo trong đêm thi chung kết với những góp ý thẳng thắn và chân thành cùng mong muốn thế hệ trẻ đã yêu, đã đam mê chèo thì càng quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trên con đường chinh phục nghệ thuật, xứng đáng là thế hệ tiếp nối của nghệ thuật truyền thống trên miền quê lúa.

Thí sinh Phạm Thị Hằng (người thứ nhất bên trái) thể hiện trích đoạn chèo cổ.

NSND Thanh Ngoan đánh giá: Trong khi thí sinh Phạm Thị Hằng ngâm vịnh như một sinh viên đại học năm thứ ba thì thí sinh Nguyễn Vũ Tuệ Minh ngay từ khi bước ra sân khấu đã hội tụ đầy đủ tố chất của một người nghệ sĩ. Không phải đến bây giờ mà từ lâu, tôi đã tin và hy vọng vào thế hệ tiếp nối của nghệ thuật truyền thống trên mảnh đất Thái Bình. Cộng thêm với việc đề án phát triển nghệ thuật chèo trong các cơ sở giáo dục được triển khai, tôi đánh giá đây là sự đầu tư rất đúng của tỉnh Thái Bình. Tôi tin chắc tài năng của các bạn trẻ sẽ được tôi luyện và tỏa sáng.

Thí sinh Nguyễn Vũ Tuệ Minh được đánh giá cao với làn điệu “Bà chúa con cua” trích trong vở chèo cổ “Xúy Vân”.

Đến từ làng chèo Khuốc, thí sinh Phạm Thị Hằng không chỉ đạt giải nhất cuộc thi “Em yêu làn điệu dân ca” mà còn vinh dự được Giám đốc Nhà hát Chèo trao phần thưởng giọng hát chèo hay nhất cuộc thi. Bà Trần Thị Oanh, mẹ của thí sinh Phạm Thị Hằng, thôn Khuốc Bắc, xã Phong Châu (Đông Hưng) chia sẻ: Từ khi học mầm non, con đã sớm thể hiện tố chất và đam mê với nghệ thuật chèo, đã được tham gia các buổi biểu diễn tại trường, tại địa phương. Từ đó tới nay, gia đình luôn ủng hộ con đến với nghệ thuật truyền thống và nhận thấy chưa khi nào con vơi bớt tình yêu với những làn điệu, trích đoạn chèo cổ. Mỗi dịp hè, con đều được tham gia câu lạc bộ tại nhà thờ tổ chèo, được các ông, các bà trong làng truyền dạy nghệ thuật truyền thống. Con tham gia cuộc thi, gia đình mong muốn đây sẽ là cơ hội không chỉ để con được gặp gỡ, học hỏi từ các nghệ sĩ chuyên nghiệp mà từ đây, con có thể nhìn nhận một cách nghiêm túc về niềm đam mê và khả năng của bản thân, từ đó có những định hướng trong tương lai.

Được chắp cánh ước mơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mong rằng, những cô bé như Phạm Thị Hằng sẽ trở thành những nhân tố tiêu biểu, góp phần gìn giữ và tiếp nối nghệ thuật cổ truyền của cha ông.

Tú Anh