Thứ 7, 23/11/2024, 19:33[GMT+7]

"Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều": Giải thưởng sách hay của Hội Kiều học Việt Nam

Thứ 2, 28/11/2022 | 09:14:10
15,562 lượt xem
Từ năm 2013 đến nay, lần lượt các tập trong bộ sách “Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều” được ra mắt độc giả trong và ngoài nước. Cùng với đó, vừa qua, Hội Kiều học Việt Nam đã trao tặng giải thưởng sách hay cho bộ sách này là một minh chứng cho thấy mảnh đất và con người Thái Bình trước sau vẫn một lòng yêu mến, trân trọng Nguyễn Du như đã từng cưu mang ông hơn 200 năm trước.

Sinh ra trong thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã trải qua cuộc đời nhiều dông tố trong một giai đoạn lịch sử biến động. Đó là bi kịch của đời ông. Nhưng chính từ bi kịch ấy, biết bao tác phẩm thơ chữ Hán, chữ Nôm kiệt xuất ra đời, trong đó tiêu biểu là “Truyện Kiều”, tác phẩm đã chinh phục người đọc bởi lòng trắc ẩn với những kiếp người bị đày đọa cùng chất dân gian bắt nguồn từ chính cuộc sống nông thôn thường nhật. Góp phần hun đúc nên chất hiện thực trong thơ Nguyễn Du có 10 năm ông nương náu, ẩn dật tại vùng quê Thái Bình - khoảng thời gian mà ông gọi là “thập tải phong trần” (mười năm gió bụi).

Đối với Nguyễn Du, “thập tải phong trần” là một quãng đời đặc biệt với nhiều ẩn số. Dựa trên các mốc niên biểu và hành trạng cuộc đời Nguyễn Du, có thể thấy ông đã đi và sống ở rất nhiều nơi nhưng nhiều nhất vẫn là sống ở nhà họ Đoàn, làng Hải An, huyện Quỳnh Côi với khoảng 14 năm. Trong đó, quãng thời gian “thập tải phong trần” mà ông đã bộc lộ ở một số bài thơ viết ở giai đoạn này. Những năm tháng “thập tải phong trần” và quãng thời gian trước, sau đó cũng là khoảng thời gian Nguyễn Du có nhiều sáng tác trong sự nghiệp của ông.

Giữa một xã hội loạn lạc, đầy bão táp, sự gần gũi với nhân dân khiến cho thơ Nguyễn Du chứa đựng nỗi đau nhân thế. Nhà thơ Nguyễn Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội Kiều học Thái Bình chia sẻ: Trong giai đoạn khốn khó nhất cuộc đời trai trẻ của Nguyễn Du, ông đã về nương náu ở Thái Bình hơn 10 năm. Tuy rằng, về làm rể và được cưu mang ở gia đình cụ Đoàn Thục là một gia đình danh giá nhưng những năm tháng ấy Nguyễn Du đã hòa mình với cuộc sống của nhân dân lao động và cảm thông sâu sắc với những người nghèo khổ. Từ đó dấy lên trong lòng nhà thơ tình cảm thương yêu, sẻ chia, vì thế nên trong những tác phẩm của Nguyễn Du có 2 giá trị rất lớn: giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo cao cả.

Bộ sách “Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều” của Hội Kiều học Thái Bình bắt đầu ra mắt công chúng từ tháng 8/2013, hiện nay đã xuất bản được 6 tập. Mỗi tập sách bao gồm các bài tiểu luận, tản văn, thơ, bức họa... là công trình nghiên cứu, tác phẩm của các tác giả, nhà nghiên cứu về Kiều học trong và ngoài tỉnh xoay quanh cuộc đời Nguyễn Du, tác phẩm “Truyện Kiều”. Đây là tấm lòng tri ân sâu sắc đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. 

Tại buổi lễ đón nhận giải thưởng sách hay của Hội Kiều học Việt Nam, Hội Kiều học Thái Bình đã ra mắt tập 6 của bộ sách “Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều”. Tập sách có 80 tác phẩm, được chia thành 3 phần chính. Trong đó, có những tác giả góp mặt ở cả phần văn xuôi và thơ, có những tác giả đã trình bày nghiên cứu chuyên sâu như PGS, TS Vũ Nho với các bài “Phương pháp tấm gương và bức chân dung khó vẽ”, “Nét ngài hay nét người?”... 

Ông Phạm Tấn Anh, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình chia sẻ: “Truyện Kiều” là tác phẩm thi ca đòi hỏi con người phải qua trải nghiệm cuộc sống mới hiểu hết cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Có một số đánh giá cho rằng lớp trẻ hôm nay chưa thực sự tìm hiểu hoặc có mong muốn tìm hiểu sâu hơn nữa về “Truyện Kiều” là chưa chuẩn xác. Bởi mỗi người, khi đến độ tuổi trải nghiệm cuộc sống, chắc chắn sẽ hướng tới và yêu thích “Truyện Kiều”. Tập 6 của bộ sách “Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều” đã thể hiện sự chuyên sâu và đa dạng, phong phú cả về đề tài cũng như thể loại. Thông qua những tác phẩm như vậy, chúng ta càng hiểu hơn về Nguyễn Du và “Truyện Kiều”. Tôi tin tác phẩm sẽ có sức sống và gần gũi với mỗi người dân.

Độc giả Vũ Minh Hiến (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Tôi và con cháu trong gia đình nối tiếp truyền thống của ông bà, cha mẹ yêu “Truyện Kiều” và vẫn đọc “Truyện Kiều”. “Truyện Kiều” thấm đẫm vào những lời ru của bà, của mẹ. Là một độc giả thường xuyên của bộ sách “Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều”, tôi cảm nhận tập 6 mới được ra mắt đã có sự đầu tư về các bài viết chuyên sâu hơn. Ngoài ra, trong đó có nhiều bài thơ tôi vô cùng tâm đắc. Hiện nay tôi là chủ nhiệm CLB thơ Quê hương với khoảng 45 thành viên, chúng tôi rất tự hào về những tác phẩm thơ trong tập sách này và đã chia sẻ với những người bạn của mình hiện đang sinh sống tại các vùng miền trong cả nước.

Với sự trân trọng của thế hệ hôm nay dành cho danh nhân văn hóa, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, những tác phẩm về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông, trong đó có “Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều” vẫn luôn được nối tiếp, thể hiện niềm tự hào của thế hệ hôm nay với những giá trị văn hóa tinh thần của cha ông.

Tú Anh