Thứ 5, 18/04/2024, 12:41[GMT+7]

Phục dựng làng chèo vang danh một thuở

Thứ 6, 30/12/2022 | 08:06:41
12,150 lượt xem
Trước sự mai một của làng chèo Sáo Đền - một trong ba làng chèo cổ của tỉnh Thái Bình, từng là cái nôi sản sinh ra nhiều nghệ nhân chèo cho cả nước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Vũ Thư tổ chức lớp tập huấn truyền dạy nghệ thuật chèo ở nơi đây. Sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương cùng tinh thần tham gia sôi nổi của bà con nhân dân tạo nên niềm tin và hy vọng về việc phục dựng làng chèo cổ đã từng vang danh, nức tiếng trong lòng người yêu chèo cả nước.

Các thành viên tham gia CLB chèo Sáo Đền có chung tình yêu với chèo cổ.

Đều ở tuổi ngoài 50, bà Phạm Thị Dung và em trai ngay khi biết tin về lớp truyền dạy nghệ thuật chèo tại xã Song An đã đăng ký tham gia. Có tình yêu với nghệ thuật truyền thống, bà Dung thường xuyên xem và tập múa hát chèo theo những video trên mạng. Tại lớp tập huấn, được nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Thái Bình, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh về hướng dẫn nhiều làn điệu, trích đoạn chèo cổ, bà Dung hào hứng vì bên cạnh việc tập múa, tập hát, bà còn có thêm hiểu biết về nội dung, ý nghĩa ca từ của từng câu hát. Đến nay, bà đã có thể hát, múa các làn điệu như lới lơ, đào liễu, đò đưa, sa lệch chênh, hề mồi thắt lưng xanh, xẩm xoan, luyện năm cung, còn em trai của bà cũng đã gây ấn tượng khi đảm nhận vai diễn chính ở trích đoạn “Lý trưởng mẹ Mõ” trong vở chèo “Quan âm Thị Kính”. 

Bà Dung chia sẻ: Chúng tôi rất vui mừng khi các cấp chính quyền quan tâm khôi phục nghệ thuật chèo, đầu tư cho câu lạc bộ (CLB) chèo của Sáo Đền phát triển. Anh chị em trong gia đình cùng với bà con trong xóm, ngoài làng đều đặn bớt chút thời gian tập luyện để duy trì nét văn hóa truyền thống của quê hương. CLB chèo được thành lập bước đầu có 25 thành viên nhưng chúng tôi tin rằng với những hoạt động sôi nổi, tích cực, sẽ có thêm nhiều thanh niên cùng tham gia, nhân lên tình yêu nghệ thuật truyền thống trong giới trẻ.

Ông Lương Văn Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã Song An chia sẻ: Chính quyền và nhân dân xã Song An rất vui mừng đối với việc khôi phục chiếu chèo Sáo Đền. Trước đây, vào mỗi dịp lễ hội truyền thống, sau khi khai hội bao giờ cũng có biểu diễn chiếu chèo của quê hương. Mong rằng từ thành công của lớp tập huấn, những tập tục truyền thống tốt đẹp của địa phương sẽ được tiếp nối và phát triển. Đối với lớp tập huấn, địa phương đã lựa chọn 25 thành viên ở 8 thôn, đều là những hạt nhân trong phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng. Sau khi đã được các nghệ sĩ truyền dạy, các thành viên trở về địa phương mình, tích cực gây dựng phong trào tại cơ sở. Với niềm tự hào về truyền thống của quê hương là cái nôi của chèo cổ, sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền, chiếu chèo của Sáo Đền sẽ sớm được khôi phục, phát huy nét văn hóa truyền thống độc đáo của quê hương.

Không có sử sách nào ghi lại và cũng không ai biết rõ làng chèo Sáo Đền có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, cùng với chèo Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng), chèo Hà Xá, xã Tân Lễ (Hưng Hà), chèo Sáo Đền có sự phát triển sôi nổi với những đêm hội rộn rã tiếng hát, tiếng trống chèo ngoài sân đình. Các gánh chèo Sáo Đền còn được mời đi diễn ở nhiều lễ, tiết quan trọng ở khắp nơi, nhờ đó danh tiếng làng chèo Sáo Đền vang xa. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin thêm: Trong những công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã khẳng định vùng chèo Sáo Đền không chỉ nằm trên đất Song An mà còn mở rộng ở các xã trên địa bàn huyện Vũ Thư. Vì vậy, xác định nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, ngành văn hóa nỗ lực khôi phục lại các chiếu chèo cổ đã bị mai một, trong đó có vùng chèo Sáo Đền. Từ lớp truyền dạy, thế hệ này sẽ trao truyền cho thế hệ khác để vốn văn hóa truyền thống của cha ông không bị đứt gãy, mai một. Trong thời gian tới, việc truyền dạy sẽ tiếp tục diễn ra để góp phần duy trì ổn định hoạt động của CLB chèo Sáo Đền.

Trong cái lạnh buốt của những ngày cuối năm, hình ảnh những người nông dân mê chèo, say chèo, hào hứng, tự tin biểu diễn những làn điệu, trích đoạn chèo cổ như làm sáng bừng, rộn rã cả một góc làng quê. Những “nghệ sĩ” ấy tin rằng chiếu chèo Sáo Đền sẽ lại náo nhiệt như chiếu chèo làng Khuốc. Họ tập chèo, hát chèo với niềm tự hào và trọng trách bảo tồn vốn cổ của cha ông.

Trích đoạn "Lý trưởng mẹ Mõ" trong vở chèo "Quan âm Thị Kính".


Tú Anh