Thứ 7, 23/11/2024, 15:31[GMT+7]

Đông Hưng Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Thứ 2, 06/09/2010 | 08:43:44
3,563 lượt xem
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, dòng họ văn hóa, thôn, làng, tổ dân phố đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục đạo đức, lối sống và nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi dòng họ.

Hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng huyện Đông Hưng. Ảnh: Minh Đức

Xác định  phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) là phong trào thi đua yêu nước góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển tập trung nên Đông Hưng đã triển khai thực hiện, nâng cao cả về chất lượng và chiều sâu. Sau 10 năm, phong trào đã lan tỏa sâu rộng tới đông đảo các tầng lớp nhân dân, bước đầu tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Đến nay, Đông Hưng đã có 30 lượt thôn, làng, tổ dân phố và 32 lượt cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận danh hiệu “đơn vị văn hóa”; trên 60% gia đình đạt chuẩn văn hóa. Hệ thống nhà văn hóa từ huyện đến cơ sở cơ bản được khép kín với 43/44 xã; 167/237 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc trung tâm văn hóa cộng đồng. Một số xã đã xây mới lại hoàn toàn nhà văn hóa cho tất cả các thôn như Phú Lương, Đông Hợp, Đông Sơn, Đông Xuân, Đông Hoàng... Hầu hết các nhà văn hóa đều thiết kế sân chơi thể thao và sân vận động. Một số địa phương còn xây hồ bơi để phục vụ nhu cầu tập luyện phòng chống lụt bão và phòng chống tai nạn trẻ em vào dịp hè hàng năm.

Phong trào TDĐKXDĐSVH ra đời cũng đồng nghĩa với sự hình thành và phát triển của các câu lạc bộ (CLB). Hoạt động của mạng lưới các CLB ngày càng đa dạng và phong phú. Đến nay, toàn huyện có hơn 400 CLB với 60 loại hình khác nhau, chủ yếu là CLB văn nghệ, CLB thể thao, CLB tâm năng dưỡng sinh...

Nhiều CLB hoạt động có nền nếp mang lại hiệu quả thiết thực, trở thành sân chơi bổ ích cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là lớp người cao tuổi như CLB thơ, CLB chèo làng Khuốc, CLB văn nghệ  - sức khỏe... Bên cạnh đó, hoạt động lễ hội cũng được duy trì và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của mỗi người dân.

Hàng năm, hầu hết các thôn, làng đều tổ chức lễ, hội, ngoài phần lễ được tổ chức trang nghiêm, trọng thể thì phần hội còn được tổ chức đan xen các trò chơi dân gian truyền thống kết hợp với hiện đại tạo sức lôi cuốn đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Đặc biệt, trong các dịp kỷ niệm những ngày trọng đại của đất nước, của tỉnh và của địa phương mọi người dân đều háo hức tích cực cắt dán khẩu hiệu, vẽ panô, áp phích, chăng cờ tại trung tâm xã, thị trấn, trục đường quốc lộ, tỉnh lộ...

Đồng thời, quét dọn đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, treo cờ tổ quốc; tổ chức các đêm giao lưu liên hoan văn nghệ, thi đấu các môn thể thao truyền thống, biểu diễn các trò chơi dân gian, các hình thức sân khấu hóa...

Thông qua các hoạt động này, tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn và các nội quy trong thôn xóm cũng có sự thống nhất cao hơn. Đến nay, Đông Hưng có 198 thôn, làng, tổ dân phố hoàn thành xây dựng hương ước và đưa vào thực hiện. Các bản hương ước đều đề cao chuẩn mực đạo lý, đạo đức, truyền thống của dân tộc và trở thành công cụ pháp lý giúp chính quyền cơ sở điều hành các hoạt động xã hội một cách hiệu quả; nhất là trong việc đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, phong trào khuyến học, khuyến tài, thực hiện chính sách dân số KHHGĐ, giải quyết các tranh chấp trong nội bộ nhân dân...


Bên cạnh những kết quả đạt được, các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao ở Đông Hưng còn bộc lộ nhiều hạn chế như môi trường sinh thái chưa đảm bảo, tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng; việc cưới, việc tang có nơi còn chưa thực hiện nghiêm túc; hoạt động lễ hội còn có hiện tượng mê tín dị đoan; các thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở còn thiếu, không đồng bộ...

Để từng bước khắc phục những tồn tại trên, trong thời gian tới Đông Hưng sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân Nghị quyết T.ư V về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; tăng cường giáo dục lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa. Đẩy mạnh thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho văn hóa, thông tin, thể thao; đồng thời thực hiện xã hội hóa công tác văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.


Thu Thủy

 

  • Từ khóa