Thứ 6, 27/12/2024, 08:57[GMT+7]

Tục làm cá võng ở làng Diệc

Thứ 3, 24/01/2023 | 08:44:16
18,757 lượt xem
Mỗi năm, cứ vào mùng 3 tết Nguyên đán, khi gió xuân còn mơn man, những cành đào đang khoe sắc thì người dân làng Diệc, xã Tân Hòa (Hưng Hà) lại nô nức tham gia ngày hội làm cá võng lên lão đầu xuân để trao nhau những lời chúc, cầu sự trường thọ, bách niên giai lão. Sự kết tinh nghệ thuật và tài năng ẩm thực của người làng Diệc được thể hiện rõ nét trong cách làm cá võng, là nét đặc trưng không nơi nào có được.

Sáng ngày mùng 3 tết, cửa miếu mở, người đủ tuổi lên lão trong năm mới này đều lần lượt dâng cỗ.

Trong tiết trời se lạnh, sắc xuân đang tràn ngập trong từng ngôi nhà, hòa chung tiếng cười nói rôm rả, lời chúc mừng năm mới của mọi người là sự tất bật của con cháu đang hối hả chuẩn bị mâm cỗ mừng lên lão cho ông Nguyễn Công Đức. 

“Tôi rất phấn khởi được hưởng thọ theo chân nối gót các cụ. Mọi thành viên trong gia đình ai cũng nô nức chuẩn bị để cùng đón mừng tôi được qua cái tuổi 53 sang tuổi 54. Việc “lên lão” là một mốc son đánh dấu cuộc đời tôi với con cháu, với làng xã. Khi chính thức “lên lão” tôi được tham gia vào công việc làng như: trong ban khánh tiết, tế lễ trong đình làng và tham gia một số sinh hoạt khác mà quy ước làng quy định. Vì thế, ngay từ chiều mùng 2 tết, không khí chuẩn bị cho ngày lên lão ở gia đình tôi đã bắt đầu”- ông Đức hồ hởi chia sẻ.

Được tận mắt chứng kiến quy trình làm và bày biện một mâm cỗ lão ở làng Diệc, chúng tôi rất khâm phục bởi sự cầu kỳ, công phu. Trong đó, ấn tượng nhất của mâm cỗ là món cá chép nằm võng, món ăn này thể hiện cái tài hoa của người làng Diệc. 

Ông Nguyễn Duy Giáo, một trong những lão làng chuyên làm cỗ lên lão cho biết: Con cá chép phải đạt từ 2,5 - 3kg. Cá làm cỗ không được rách vây, rụng vẩy. Bắt đầu từ chiều mùng 2 tết, mọi người mổ bụng, moi hết ruột, độn lại lá chuối khô đầy như lúc còn ruột rồi khâu lại nguyên vẹn. Sau đó cho cá vào quang đỡ có hình cong như cái võng, dùng khoảng 5 lít mỡ lợn hoặc dầu ăn đun sôi trên bếp trong một chảo lớn. Cá võng treo giữa chảo mỡ rồi dùng muôi múc mỡ sôi rưới đều lên mình cá từ phần đầu đến các vây. Cứ thế, rán xong một con cá phải mất khoảng 4 - 5 giờ đồng hồ. Khi cá vàng óng, mỡ trôi, láng đều mới thôi. Quá trình rán cá chẳng may bị bong vẩy, nổ mắt cá thì coi như không đạt yêu cầu, phải thay con cá khác. Cá rán xong phải cong như mái đình, vàng óng màu lúa đang chín, vảy cá đều tăm tắp không cong vênh, mắt nguyên hình như đang đùa giỡn với sông nước. Thuật rán cá không chỉ là kinh nghiệm mà hàm chứa nét văn hóa ẩm thực riêng của làng Diệc.

Công đoạn ngâm cá vào muối để cá tự làm sạch.

Công đoạn lau sạch cá và mổ cá.

Công đoạn cho lá chuối vào ruột để tạo hình cá nguyên vẹn.Cho cá lên võng để tạo hình cong cho cá.

Cá treo võng giữa chảo mỡ, rồi dùng muôi múc mỡ sôi rưới đều lên mình cá từ phần đầu đến các vây.

Cá nằm võng phải cong như mái đình, vàng óng, vảy cá đều tăm tắp không cong vênh, mắt nguyên hình như đang đùa giỡn với sông nước.

Theo các cụ cao niên trong làng kể: Mâm cỗ lên lão nhất định phải là cỗ 2 tầng, 8 món, 14 đĩa gồm: 1 đĩa nem thính, thịt gà, 2 bát mộc nấu, 4 bát chè đỗ, 1 đĩa mọc hấp gan gà và đĩa xôi. Tầng hai cỗ là 4 đĩa giò nạc, giò hoa cắt 5 phân, bổ 4. Giò gói ít nhất đường kính bảo đảm từ 14 phân trở lên. Trên cùng là con cá chép rán hình cong như đang nằm võng, miệng ngậm hoa hồng. Nhìn vào mâm cỗ ai cũng có cảm nhận cuộc đời mỗi con người ở đó có vất vả, vui buồn và cũng có thành đạt, no ấm.

Mâm cỗ lên lão nhất định phải là cỗ 2 tầng, 8 món, 14 đĩa, trong đó cá chép nằm võng là quan trọng nhất. 

Hội lên lão ở làng Diệc được duy trì từ bao đời nay trở thành một nét đẹp không thể thiếu. Dù không còn sinh sống lập nghiệp ở làng Diệc nhưng đã sinh ra ở làng Diệc thì đến tuổi lên lão nhất định phải về làng dâng cỗ, lễ khao làng, khao họ. Khi đã được làm lão thì vai vế và tiếng nói của họ trong làng, trong dòng họ mới có trọng lượng. Thế nên, nhiều người đang sống ở nước ngoài, các tỉnh, thành phố khác, đàn ông ai đến tuổi lên lão không về được cũng phải nhờ anh em ruột thịt trong nhà làm cỗ, lễ “trước là lễ thần, sau là kính dân”. Do đó, những người đủ tuổi làm lão ở làng Diệc năm nào cũng rất đông, họ đón chờ ngày hội lão với một tâm thế đầy vinh dự và phấn khởi. Qua nhiều năm, tập tục ấy thành nếp không ai bỏ qua được.

Cụ Nguyễn Cao Tèo, một trong những lão làng của địa phương cho biết: Ở làng Diệc, đàn ông ai bước sang tuổi 54 đều phải tổ chức lễ lên lão. Bởi vì chúng tôi quan niệm rằng, trong cuộc đời người có 2 đốt vận hạn lớn ở tuổi 49 và tuổi 53. Ai bước qua được 2 đốt đó coi như hết vận hạn và bắt đầu vào tuổi trường sinh, đáng ăn mừng vì lên bậc lão. Nên tục lên lão ở làng Diệc lấy mốc tuổi 54 âm để tổ chức cho các “cụ”.

Hiện nay, trong làng có trên 300 cụ đã được lên lão. Các cụ sau khi được lên lão đều có đóng góp vào việc trùng tu lại các công trình của làng như đình, chùa hay đóng góp làm đường nông thôn mới, nhà văn hóa thôn… Quỹ đó gọi là quỹ công của những lão làng. Sau khi được làm lão thì người ta căn cứ vào những người làm lão mà cắt cử vai vế cũng như nhận các trọng trách trong các việc làng, việc họ. Còn nếu ai không tham gia làm lão thì đều không được tham gia tiến cử trong các công việc làng.

Đúng 5 giờ sáng ngày mùng 3 tết, cửa miếu mở, 24 người đủ tuổi lên lão trong năm mới này đều lần lượt dâng cỗ. Trưởng tràng (hay còn gọi là người đứng đầu trong số những người lên lão) cùng các bô lão làm lễ cúng thần làng. Sau đó đến lễ chùa, lễ đình. Lễ xong nhà nào về nhà đó khao làng, khao họ. Các bậc lên lão từ nhiều năm nay được phân công đến từng nhà hưởng lộc, chia vui. Cứ như vậy ngày mùng 3 tết cả làng Diệc như ngày hội mừng cho làng có thêm các bậc bô lão gìn giữ gia phong.

Tục làm cá võng lên lão đầu xuân ở làng Diệc thể hiện tấm lòng thành kính, cầu chúc sức khỏe, sự trường thọ đối với các bậc bô lão trong làng và là niềm tự hào, nét tinh hoa ẩm thực truyền thống của người dân nơi đây.

Thanh Thủy