Thứ 7, 27/04/2024, 00:53[GMT+7]

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động thông tin tuyên truyền

Thứ 5, 23/02/2023 | 08:17:24
7,293 lượt xem
Cùng với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được xem là một trong những chiến lược cơ bản của cách mạng. Một trong những nhiệm vụ được Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh là xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin tuyên truyền.

Múa rối nước Nguyên Xá (Đông Hưng). Ảnh tư liệu

Sức mạnh nội sinh bảo đảm sự phát triển bền vững

Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, giải pháp được Đảng ta chỉ rõ, đó là xây dựng con người Việt Nam có tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết ngăn chặn sự xâm lăng văn hóa, xâm nhập các văn hóa phẩm độc hại, các khuynh hướng sáng tác trái với đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng và khuynh hướng thẩm mỹ lệch lạc.

Nhìn lại thời gian qua, bên cạnh nhiều ưu điểm và thành tựu, lĩnh vực văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển một số lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hóa ở đây đó bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Một số nơi, công tác chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao... Một bộ phận cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách phản cảm, không có chọn lọc, phản văn hóa.

Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa IX), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình; bảo tồn và lưu giữ kho tàng di sản văn hóa, tạo nên đời sống tinh thần phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, biểu diễn, triển lãm, văn nghệ quần chúng ở cơ sở trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi nổi, thiết thực, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách để bảo vệ và khích lệ những người lao động sáng tạo văn học, nghệ thuật. Cùng với đó là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian, các di sản văn hóa, các làng nghề thủ công truyền thống như nghệ thuật hát chèo, múa rối nước, vật võ; chạm bạc Đồng Xâm, bánh cáy Làng Nguyễn, chiếu Hới, dệt Phương La, các di tích lịch sử, đền, chùa, lễ hội truyền thống... góp phần quảng bá, bảo tồn khẳng định vị thế các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của tỉnh. Báo Thái Bình, Đài PTTH tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Văn học Nghệ thuật đã bám sát nhiệm vụ chính trị, nắm vững các hoạt động về tư tưởng, văn hóa, tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của quê hương; đồng thời đấu tranh ngăn chặn và từng bước đẩy lùi thói hư, tật xấu, đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch, phản động, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng.

Tuyên truyền lưu động về bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Thái Bình. Ảnh minh họa.

Nâng cao chất lượng hoạt động thông tin tuyên truyền

Trong sự phát triển như vũ bão của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, cùng với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ đã tạo ra những cơ hội chuyển mình trong tất cả các lĩnh vực nhưng cũng phát sinh nhiều nguy cơ, đặc biệt đối với hệ thống truyền thông trong thời đại số. Trên thế giới, các cuộc tấn công vào các hệ thống thông tin, đặc biệt là trên hệ thống mạng internet diễn ra liên tục, hình thức ngày càng tinh vi và đa dạng, gây ra thiệt hại vật chất rất nặng nề, số lượng các nhóm tội phạm mạng ngày càng gia tăng.

Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) chỉ rõ: Phát triển và quản lý chặt chẽ các phương tiện thông tin truyền thông hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát triển đất nước. Chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong hoạt động báo chí, thông tin truyền thông, tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Thực hiện giải pháp này, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, quản lý tốt các lĩnh vực công tác tư tưởng nói chung, công tác an ninh mạng nói riêng. Tăng cường theo dõi, rà quét kịp thời phát hiện và ngăn chặn sự xâm nhập của các luồng tư tưởng đi ngược lại những giá trị văn hóa, chuẩn mực của dân tộc. Đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho thanh thiếu niên, cung cấp thông tin đầy đủ giúp họ có đủ nền tảng kiến thức, đủ “sức đề kháng” để nhận diện đúng - sai và không bị xúi giục, làm theo những tư tưởng, lối sống lệch lạc. Các cơ quan báo chí truyền thông cũng không ngừng nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và quản lý thông tin, bảo đảm ngăn chặn hiệu quả tấn công mạng và loại bỏ thông tin gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục người sử dụng các phương tiện truyền thông coi trọng tuân thủ pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội, văn hóa, tích cực đấu tranh, phê phán các thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, độc hại trên không gian mạng.

Yêu cầu đặt ra cần tổ chức và triển khai nghiêm túc những quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa và con người; phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những khuyết điểm, yếu kém, tranh thủ thời cơ, quyết tâm thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp cấp bách trong Nghị quyết của Đảng, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; tạo nên sự phát triển về chất để khẳng định sức mạnh mới của con người và văn hóa. Làm được điều này chúng ta tin rằng phát triển văn hóa ở Thái Bình thời kỳ hội nhập sẽ là điểm tựa vững chắc về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Dương Văn Lễ
(Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)