Chủ nhật, 24/11/2024, 07:15[GMT+7]

Xây dựng đời sống văn hóa ở Vũ Công

Thứ 6, 24/05/2013 | 09:53:25
1,696 lượt xem
Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Vũ Công được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn được đổi mới. Kết quả đó có tác động tích cực từ việc đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới và thực hiện Quyết định số 02/QĐ-UBND của UBND tỉnh (nay là Quyết định số 17/QĐ-UBND) quy định về thực hiện nếp sống văn hóa (NSVH) trên địa bàn tỉnh.

Nhiều năm liền gia đình anh Nguyễn Xuân Hiểu (bên trái) ở thôn Trà Vy Bắc (xã Vũ Công, Kiến Xương) đạt danh hiệu “gia đình văn hoá”.

Xã Vũ Công (Kiến Xương) có dân số trên 5.500 người, 1.647 hộ ở 5 thôn; đồng bào theo đạo Thiên chúa chiếm gần 1/4 dân số toàn xã. Vũ Công cũng là một trong những xã có số lao động đi làm ăn xa cao nhất huyện, nhiều nhà tất cả các thành viên cùng đi làm ăn xa. Trong khoảng 1.300 người thường xuyên đi lao động ngoài tỉnh có hơn 300 người xuất khẩu lao động, hàng năm mang về nguồn ngoại tệ khá lớn góp phần xây dựng quê hương.

 

Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Vũ Công được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn được đổi mới. Kết quả đó có tác động tích cực từ việc đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới và thực hiện Quyết định số 02/QĐ-UBND của UBND tỉnh (nay là Quyết định số 17/QĐ-UBND) quy định về thực hiện nếp sống văn hóa (NSVH) trên địa bàn tỉnh.

 

Để thực hiện hiệu quả quyết định của UBND tỉnh, UBND xã Vũ Công đã kiện toàn Ban chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gồm 21 thành viên do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban; xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo gồm 5 chương, 20 điều. UBND, trường THCS và trường Tiểu học Vũ Công cũng đã xây dựng quy chế quy định về việc thực hiện NSVH trong cơ quan, đơn vị. Các tổ chức đoàn thể như Hội CCB, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân cũng chỉnh sửa, bổ sung quy chế hoạt động của tổ chức mình gắn với các quy định cụ thể về thực hiện NSVH. Các thôn làng xây dựng và bổ sung vào hương ước, quy ước làng mình và vận động mọi người cùng thực hiện.

 

Sau một thời gian triển khai, việc thực hiện NSVH ở Vũ Công đã đạt một số kết quả. Các thiết chế văn hóa được quy hoạch xây dựng đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. Năm 2009, xã xây dựng nhà văn hóa (NVH) xã tổng diện tích 420 m2 với 250 chỗ ngồi cùng đầy đủ trang thiết bị phục vụ hội nghị. Toàn xã có 5 thôn thì cả 5 thôn đều đã quy hoạch diện tích xây NVH rộng 2.000 m2. Nhằm sớm khắc phục việc họp thôn phải nhờ nhà dân như hiện nay, UBND xã đã bố trí ngân sách xã xây NVH thôn Trà Vy Nam và Thái Công Bắc trong năm 2013 và thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng các NVH thôn còn lại.

 

Những năm qua, việc thực hiện NSVH trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở Vũ Công có chuyển biến tích cực, đặc biệt trong các gia đình cán bộ, đảng viên. Hầu hết đám cưới ở Vũ Công được tổ chức theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, vui vẻ, tiết kiệm và an toàn, hạn chế tình trạng mời thuốc, thách cưới, cỗ bàn linh đình. Các đám tang cơ bản thực hiện tốt các quy định đề ra, không còn tình trạng mê tín dị đoan, giảm đốt vàng mã. UBND xã đã xây dựng quy chế quản lý nghĩa trang, khắc phục tình trạng hung táng, cát táng lộn xộn, xây mộ to và nhận phần mộ cho người còn sống. Năm 2009, UBND xã Vũ Công trích ngân sách và huy động nhân dân đóng góp công sức, tiền của nâng cấp mặt bằng 3 nghĩa trang với tổng kinh phí 600 triệu đồng.

 

Ngoài thực hiện các phong trào thi đua do cấp trên phát động, Vũ Công đồng thời triển khai phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển cây màu vụ đông và gia trại, trang trại; xây dựng thôn, làng không có người nghiện ma túy; vệ sinh môi trường vào ngày 24 hàng tháng; chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch bệnh... được nhân dân tích cực hưởng ứng, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

 

Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày một nâng cao nên nhu cầu hưởng thụ các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT) ngày càng tăng. Vũ Công đã hình thành và duy trì CLB dưỡng sinh, bóng bàn, bóng chuyền, chèo và các CLB nghệ thuật dân gian. Hiện xã có khoảng 110 hộ có 2 thành viên thường xuyên tập TDTT; 450 người thường xuyên tập TDTT. CLB bóng chuyền nữ tích cực luyện tập và thi đấu giao hữu với các xã bạn. Hướng tới Đại hội TDTT lần thứ 7, Vũ Công đã tổ chức nhiều giải thể thao nằm trong chương trình đại hội gắn với các lễ hội và chào mừng các ngày lễ lớn.

 

Có thể nói, việc triển khai thực hiện các quy định về NSVH ở Vũ Công khá nghiêm túc, đa số người dân thực hiện tốt các nội dung và tiêu chí đề ra, song kết quả xây dựng gia đình, dòng họ, thôn làng văn hóa không cao, thậm chí một số chỉ tiêu còn thụt lùi. Chị Nguyễn Thị Mai, cán bộ văn hóa thể thao xã cho biết: tỷ lệ số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa trên số hộ đăng ký những năm qua có hiện tượng giảm, năm 2009: đạt 93,9%, năm 2010: 93,72%, năm 2011: 90,1% và năm 2012: 87%. Một trong những nguyên nhân là do đặc thù người dân đi lao động tỉnh ngoài nhiều. Số thôn làng văn hóa cấp huyện còn ít và khó duy trì bền vững chủ yếu vì tình trạng sinh con thứ ba tăng.

 

Vũ Công đã thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại để khắc phục trong thời gian tới như việc triển khai quy định về NSVH chậm; công tác tuyên truyền còn hạn chế, đặc biệt tuyên truyền trong các hội nghị, hệ thống phát thanh còn ít; một số tổ chức chưa quan tâm đến việc phổ biến, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện. Bên cạnh đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số thành viên Ban chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa chưa cao; còn tình trạng đảng viên thiếu gương mẫu trong việc cưới, việc tang và xây cất mồ mả. Việc quán triệt thực hiện NSVH chưa thường xuyên, chấp hành nội quy, quy định chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng hút thuốc lá nơi công sở, uống rượu trong giờ làm việc. Do chưa có NVH nên các CLB văn nghệ, thể dục thể thao chưa phát huy hết tiềm năng... Các phong trào khác hoạt động còn mang tính mùa vụ, chất lượng chưa cao, chưa quan tâm sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm...

Bài, ảnh: Hà Dung

  • Từ khóa