Thứ 3, 28/01/2025, 02:21[GMT+7]

Nghệ thuật chèo - niềm tự hào của người dân quê lúa

Thứ 6, 31/03/2023 | 16:22:05
46,796 lượt xem
“Đường về quê lúa hôm nay/Nghe lòng xao xuyến đắm say bồi hồi/Thái Bình đã tự bao đời/Quê hương em đó là nôi hát chèo...” - lời ca trong bài hát “Thái Bình quê lúa là nơi hát chèo” của soạn giả Văn Nhân thường được vang lên trong những buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống, thể hiện niềm tự hào sâu sắc của mỗi người con quê lúa đối với vốn cổ của cha ông. Người dân nơi đây tin tưởng nghệ thuật chèo - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ sớm được UNESCO vinh danh, trở thành niềm tự hào chung của nhân loại.

Tháng 2/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa nghệ thuật chèo tỉnh Thái Bình vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều đó cho thấy những giá trị độc đáo, đặc sắc riêng có của loại hình nghệ thuật này, đồng thời là sự ghi nhận cho những cố gắng, nỗ lực của người dân Thái Bình đối với việc bảo tồn, phát huy, trao truyền nghệ thuật chèo. 

Trên địa bàn tỉnh, bên cạnh hoạt động sôi nổi, tích cực của Nhà hát Chèo Thái Bình như việc phục dựng thường niên các vở diễn, trích đoạn chèo cổ; dàn dựng những chương trình nghệ thuật chèo đặc sắc; nỗ lực phối hợp tìm kiếm, phát hiện, truyền nghề cho hạt nhân tại cơ sở và đào tạo thế hệ tiếp nối của nghệ thuật chèo trong đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thì các câu lạc bộ (CLB) chèo tại hầu hết xã, phường, thị trấn đều có hoạt động thiết thực. Đây vừa là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân có chung niềm đam mê với nghệ thuật chèo vừa là nơi đưa nghệ thuật chèo trở nên gần gũi, gắn bó như hơi thở trong cuộc sống thường ngày và cũng là nơi lan tỏa tình yêu với chèo trong thế hệ trẻ.

Liên hoan câu lạc bộ chèo tỉnh Thái Bình là cơ hội để người yêu chèo được thể hiện niềm đam mê với loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo.

Đã ở tuổi 74, bà Phạm Thị Khoa, Chủ nhiệm CLB những người yêu chèo huyện Hưng Hà vẫn ngày ngày cần mẫn với niềm đam mê của mình. CLB của bà có gần 30 thành viên, trong đó người ít tuổi nhất là ngoài 40, người cao tuổi nhất đã ngoài 70 tuổi. Các thành viên trong CLB đa phần là những người ở độ tuổi hưu trí nhưng hoạt động rất sôi nổi, tích cực. Trong CLB có 7 cây nhạc sống, việc tập luyện, biểu diễn chủ yếu thiên về các bài chèo cổ. Bà Khoa ví việc gìn giữ nghệ thuật truyền thống như công việc của một người nông dân chăm chỉ ngoài cánh đồng, quanh năm suốt tháng dành hết tình yêu cho cây lúa. 

Bà Khoa chia sẻ: Hát chèo khó nhưng đó là bản sắc của quê hương, của dân tộc nên chúng tôi cố gắng giữ gìn. Chúng tôi tự hào là giờ đây các con, các cháu cũng dần hiểu chèo, yêu chèo, cổ vũ ông bà tham gia, trong các buổi hội làng đều có biểu diễn chèo.

Cùng có niềm đam mê, tự hào về nghệ thuật chèo như bà Khoa, ông Phạm Ngọc Nhụ, xã Quốc Tuấn (Kiến Xương) hào hứng cho biết, CLB chèo quê ông đã hoạt động bài bản, đều đặn 19 năm qua. Những tối biểu diễn chèo của CLB, bà con trong xã ngoài làng đều đến rất đông, động viên, giúp đỡ về vật chất, tinh thần. Để gây dựng, duy trì hoạt động thường xuyên, bên cạnh lòng nhiệt huyết của các thành viên còn có sự hỗ trợ của trung tâm văn hóa huyện, CLB chèo của huyện trong việc bồi dưỡng hạt nhân chèo tại cơ sở. Việc địa phương hoàn thiện các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa xã cũng tạo điều kiện thuận lợi cho CLB có nơi tập luyện từ đó lan tỏa tình yêu chèo trong bà con nhân dân.

Quang Vinh và Tuyết Mai - đôi bạn diễn chèo ăn ý, là những học sinh nhiệt huyết, đam mê với nghệ thuật chèo.

Bên cạnh niềm đam mê, hoạt động sôi nổi của lớp người cao tuổi - hạt nhân trong phong trào nghệ thuật quần chúng tại cơ sở, nghệ thuật chèo hiện nay cũng đang được không ít bạn trẻ tiếp nối. 

Em Lê Quang Vinh, Trường THCS Trần Phú (thành phố Thái Bình) là một trong những học sinh đã đạt nhiều giải thưởng lớn từ các cuộc thi nghệ thuật trong tỉnh và toàn quốc. Tại liên hoan CLB chèo tỉnh Thái Bình diễn ra vào tháng 3/2023, Quang Vinh đã tham gia dự thi cùng các ông bà, cô chú, anh chị tại CLB chèo phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình). Ở phần dự thi của CLB mình, em đảm nhận vai Thiện Sĩ trích trong vở chèo cổ “Quan âm Thị Kính” và vai Lưu Bình trích trong vở chèo cổ “Lưu Bình - Dương Lễ”, nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả.

Nghệ thuật chèo tỉnh Thái Bình chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào của những người đang từng ngày thắp lên tình yêu với nghệ thuật truyền thống, đó còn là niềm tự hào chung của mỗi người con Thái Bình. Với sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, nghệ thuật chèo sẽ lan tỏa, thấm sâu vào đời sống thường nhật, trở thành niềm cổ vũ, động viên, món ăn tinh thần không thể thiếu, từ đó các tầng lớp nhân dân thêm trân quý vốn di sản quý báu mà ông cha truyền lại.

Tú Anh