Chủ nhật, 19/05/2024, 04:33[GMT+7]

Thú buông câu trên dòng Trà Lý

Thứ 2, 27/05/2013 | 07:56:43
8,682 lượt xem
Trong guồng quay của cuộc sống bộn bề những âu lo, thời gian thư giãn cùng chiếc cần câu cá tưởng chừng quá xa xỉ, thế nhưng ở hai bên bờ sông Trà Lý (Thành phố Thái Bình) vẫn có những người “gàn dở” phơi mặt ra bờ sông đi câu cá giữa cái nắng mùa hè. Không sôi động, quy mô và chuyên nghiệp như những tỉnh, thành khác, nhưng độ “nghiền”, niềm đam mê của các “cần thủ” nơi đây thì không hề thua kém.

Một hình thức thư giãn thú vị

Một ngày thoảng mát mây bay,

Mang cần câu cá, hồn say sông hồ...

Một buổi chiều như thường lệ, ông Trí cùng mấy người bạn “câu” buông cần ở vệ sông Trà Lý. Làm bảo vệ ban đêm cho một cơ quan trong Thành phố đã hơn 20 năm, cũng chừng ấy thời gian ông gắn bó với nghề câu. Ông chia sẻ về kỷ niệm dẫn ông đến với thú vui này: “ Khi đó tôi đang có chuyện buồn, được một người bạn rủ đi câu cho vui. Ngay lần quăng mồi đầu tiên, cá cắn câu, tôi giật được một con cá ngạnh nặng gần 4 kg.

Thực sự ngạc nhiên và vui sướng, thế là nghiện luôn từ đó tới giờ”. Ông Trí cho biết thêm: “Mỗi buổi đi câu đều mang lại cho tôi những cảm xúc rất riêng, cảm giác ngồi lặng nhìn dòng sông thấy bình yên, nhẹ nhàng, lúc đó đầu óc chỉ tập trung vào chiếc cần câu thôi. Sướng nhất là lúc cá cắn mồi, cần câu rung lên bần bật, nhấc lên thấy cong vút ngọn cần”. Thú câu cá không chỉ đơn giản là ngồi chờ cá cắn câu rồi giật lên khỏi mặt nước mà còn là rèn luyện sự khéo léo, kỹ thuật câu, đặc biệt là tính kiên nhẫn của người câu. Không quản nắng mưa, ngày ngày họ vẫn xách cần đi, chỉ để được câu bởi cái thú, đam mê đó đã ngấm vào máu, khó mà từ bỏ. “Chỉ một buổi không đi câu là tôi thấy nhớ, thấy thiếu thiếu gì đó” - ông Trí chia sẻ.

Nghề câu cũng lắm công phu…

Ðể câu được cá là cả một nghệ thuật. Giờ đây, đi câu cá không chỉ đơn giản là chiếc cần trúc, sợi cước mỏng, phao lông gà và cái lưỡi câu tự giũa ngày xưa mà là rất nhiều phụ kiện, đa dạng về giá cả, chủng loại phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Anh Quang - một chủ cửa hàng kinh doanh đồ nghề câu cá ở chợ Bo (Thành phố Thái Bình) cho biết: “Người mới tập câu thường mua loại cần của Trung Quốc, có độ đàn hồi cao, độ dài thay đổi linh hoạt, giá từ 65.000 đồng tới 350.000 đồng/chiếc; kèm với máy quay tay, quay trực tiếp, kiểu đơn giản, có bộ phận quấn dây tự động giá từ 65.000 đồng tới 300.000 đồng. Hàng của Hàn Quốc và Nhật giá khá cao, chừng 650.000 đồng trở lên/cần, trên 300.000 đồng/máy quay được các “cần thủ” chuyên nghiệp ưa chuộng.

Ngoài ra còn lưỡi câu, chì, vợt bắt cá… để được một bộ đồ câu bình thường cũng mất trên dưới 500.000 đồng”. Theo lời anh Quang, thì mỗi “cao thủ” câu cá chuyên nghiệp ở Thái Bình thường sắm cho mình 2-3 bộ cần, máy, có người còn đặt hàng từ nước ngoài gửi về. Người mới tập, sử dụng cần câu loại này cũng không đơn giản, thường học hỏi qua các “tiền bối” từ việc mắc mồi, quăng mồi đến kéo, giật cá lên…đòi hỏi nhiều kinh nghiệm thực tế. Anh Quân - một người mới vào “nghề” cho biết: “Mới đầu đi câu, khó nhất là cách quăng mồi sao cho chuẩn xác, có lần tôi quăng, do buông tay sớm quá, nên mồi bay lên ngọn cây phía sau. Rồi cả những lần giật hụt cá do thiếu kinh nghiệm, khiến đêm về mất ngủ vì tiếc”.

Với các “cao thủ” câu cá thì mồi câu là yếu tố quyết định đến việc “thắng thua” trong mỗi lần đi “săn cá”. Có nhiều loại mồi câu khác nhau như: mồi nghiền, mồi giun, tôm, tép, ếch nhái… tuy nhiên dân câu cá ở sông Trà Lý thường sử dụng loại mồi chế biến từ bì lợn ninh kỹ, giò hoặc chuối tiêu chín vừa phải thái nhỏ. Ðây là loại mồi ưa thích của cá ngạnh, cá vền tập trung nhiều ở sông Trà Lý. Trong chế biến mồi câu, mỗi “cần thủ” có bí quyết riêng không thể tiết lộ. Không chỉ là cần câu tốt, mồi câu ngon mà thời điểm và vị trí buông cần, đến lựa chọn cần, cước và mồi câu phù hợp với từng loại cá cũng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm.

Tâm sự về những bí quyết trong nghề câu, ông Trí chia sẻ thêm: “Người đi câu phải biết canh dòng nước, biết được thời điểm lên, xuống để quăng mồi theo hướng thích hợp. Thường thì những vũng xoáy, khu vực bến phà, cầu… là những vùng nước sâu, cá ưa hoạt động và kiếm mồi. Thời gian sau Cốc Vũ (mưa rào), cá đẻ trứng xong thường đi kiếm mồi, nên người đi câu hay được cá to vài kg là bình thường”.

Nhưng mấy năm gần đây thì rất hiếm. Lý giải cho điều này, ông Sơn - một “cần thủ” có thâm niên cho biết: “Hiện nay tình trạng dân thuyền chài đánh bắt cá bằng kích điện, ắc quy điện, điện lưới, lưới mắt cáo… rất phổ biến, dẫn đến tận diệt cả cá con, trứng cá”. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay, để xử lý nghiêm những hành vi này. Ðối với nhiều người, việc câu cá còn được gắn với khẩu hiệu bảo vệ môi trường. Nhiều dân câu luôn nhắc nhở nhau phải có ý thức khi câu như tuyệt đối không dùng lưỡi chùm, cũng như các loại lưỡi câu không có răng cưa để tránh gây tổn hại đến những cá nhỏ...

Kết thúc hàng giờ đồng hồ kiên trì mai phục, hạnh phúc của các cần thủ đó là xách chiến lợi phẩm trở về và tất nhiên sau đó là những bữa cơm quây quần “chồng chan, vợ húp”, những bữa rượu rôm rả với bạn bè, thưởng thức những món cá sông thơm phức…

Bài, ảnh: Nguyễn Thơi

  • Từ khóa