Người trẻ với hành trình bảo tồn nghệ thuật múa lân
Vinh dự đạt giải nhất tại giải múa lân kỷ niệm 133 năm ngày thành lập tỉnh diễn ra vào tháng 3 vừa qua, đoàn lân sư rồng Hưng Nghĩa Đường (thành phố Thái Bình) hiện là nơi sinh hoạt của 40 thành viên.
Anh Nguyễn Văn Hưng, trưởng đoàn cho biết: Đoàn được thành lập đã 15 năm, xuất phát từ mong muốn được xem biểu diễn múa lân thường xuyên vào mỗi dịp lễ, tết trong năm, đặc biệt là tết Trung thu cổ truyền. Thời gian đầu thành lập nhiều khó khăn nhưng từ nhiệt huyết và đam mê của những người trẻ, đến nay đoàn không những biểu diễn múa lân sư rồng mà còn trực tiếp làm các vật dụng đáp ứng nhu cầu tập luyện, biểu diễn của đoàn và cung ứng trong, ngoài tỉnh. Số lượng thành viên tương đối đông nên trong đoàn chia thành các nhóm nhỏ, tập luyện định kỳ 3 buổi/tuần, sau khi việc tập tại các nhóm nhuần nhuyễn mới tiến hành khớp bài theo cả đoàn. Ban đầu chỉ có ít anh em tham gia tập luyện nhưng nhận thấy tác dụng mà bộ môn này mang lại nên ngày càng có đông bạn trẻ xin tham gia. Có câu “từ võ mới đến lân”, vì các động tác trong một bài múa đa phần xuất phát từ võ nên với những người đã tập võ, việc tập luyện thuận lợi hơn. Còn những người chưa tập sẽ cần tinh thần nỗ lực cùng quyết tâm cao và được hướng dẫn tỉ mỉ từ cách đứng tấn, cách di chuyển sao cho vừa nhịp nhàng, uyển chuyển, vừa oai hùng, dũng mãnh...
Các đoàn lân truyền nghề theo phương pháp người đi trước chỉ bảo cho người đi sau, gây dựng phong trào luyện tập, biểu diễn ngày càng phát triển.
Tham gia tập luyện, biểu diễn múa lân đã hơn 2 năm, em Nguyễn Đắc Thành Đạt, phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình) cho biết hiện đang là sinh viên, cũng không xác định múa lân sẽ là công việc chính nhưng bởi niềm đam mê với múa lân nên đã quyết định dành thời gian tập luyện bộ môn này. Theo Đạt, yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của một màn múa lân là tinh thần đồng đội đoàn kết của các thành viên. Thông thường, một bài múa được tập luyện qua 4 - 5 tháng mới đi biểu diễn nên đa phần các thành viên đều đã nhuần nhuyễn mọi động tác, nhịp điệu, tuy nhiên, vẫn luôn thường trực những tình huống bất ngờ xảy ra nên cần đến sự phối hợp nhịp nhàng cũng như tinh thần gắn kết. Đạt còn nhớ, bản thân mình trong một buổi biểu diễn sau khi bật nhảy lên đầu, tiếp đất sai kỹ thuật nên bị lật cổ chân, dù rất đau nhưng vẫn cố gắng không làm gián đoạn nhịp độ của toàn bài. Khi một thành viên gặp sự cố, các thành viên khác trong đoàn cũng sẽ linh hoạt trong biểu diễn để tương trợ kịp thời.
Từ nhiệt huyết của những người trẻ, giải múa lân tỉnh Thái Bình trong năm đầu tiên được tổ chức đã thu hút hơn 200 vận động viên đến từ 10 câu lạc bộ tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Các vận động viên thi đấu hết mình, thả hồn vào những con lân khoác trên người với bước đi uyển chuyển, khi nhịp nhàng, duyên dáng, khi oai hùng. Mỗi phần thi được chấm điểm theo các tiêu chí như độ khó, thời gian, trang phục biểu diễn...
Phụ trách vị trí đánh trống, anh Ngô Thế Hiển, thành viên một đoàn lân cho biết: Khác với các loại trống thông thường, trống múa lân chỉ có một mặt. Trong dàn nhạc múa của một buổi biểu diễn, trống lân đóng vai trò quan trọng nhất. Tiếng trống điều khiển những động tác của con lân, các nhạc cụ như chũm chọe, thanh la đánh theo tiếng trống. Thường thì người xem chỉ chú ý tới con lân, xem múa có hay, có đẹp, có nhiều động tác khó không. Nhưng đằng sau những động tác ấy là tiếng nhạc điều khiển. Nhạc chậm thì lân ngủ, nghỉ; nhạc nhanh dần thì lân sẽ thức giấc và đứng dậy; khi nhạc dồn dập, náo động thì lân sẽ thực hiện các động tác nhảy cao, biểu diễn đứng bằng hai chân.
Anh Khiếu Ngọc Lương, đoàn múa lân Tam Hoa Đường (Vũ Thư) cho biết: Lần đầu tiên được giao lưu với nhiều đoàn lân trong tỉnh nên các thành viên đều có sự chuẩn bị tốt nhất với những tiết mục ấn tượng nhất. Mong rằng giải đấu sẽ diễn ra thường xuyên qua các năm, là niềm cổ vũ, động viên tinh thần, đồng thời cũng là sân chơi ý nghĩa để mỗi người trẻ hăng say hơn trên con đường chinh phục đam mê, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian.
Là khán giả nhiệt tình theo dõi các đoàn múa lân, ông Đinh Công Điệp, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) nhận xét: Các cháu biểu diễn rất nhiệt huyết, nhiều động tác khó được thể hiện nhuần nhuyễn, tôi ấn tượng nhất với tiết mục lân trèo cột. Múa lân là môn nghệ thuật, võ thuật mang ước vọng về sự phát đạt, hanh thông trong công việc lẫn cuộc sống, như lời chúc nhiều may mắn, an khang, thịnh vượng cho khởi đầu mới nên không chỉ trẻ nhỏ mà cả khán giả lớn tuổi cũng yêu thích múa lân.
Với nhiệt huyết, đam mê của những người trẻ không ngại khó, ngại khổ, mong rằng các giải múa lân sẽ thường xuyên được tổ chức, để bộ môn nghệ thuật này không chỉ xuất hiện thường xuyên vào mỗi dịp tết Trung thu mà sẽ từng bước trở thành sản phẩm du lịch, góp phần quảng bá về mảnh đất và con người Thái Bình đang trên đà hội nhập, phát triển.
Biểu diễn lân sư rồng tại lễ hội đền Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà) năm 2023.
Tú Anh
Tin cùng chuyên mục
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Lễ hội truyền thống Bổng Điền đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 20.04.2024 | 22:23 PM
- Tăng cường quản lý hoạt động du lịch dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 03.04.2024 | 15:34 PM
- CLB Thư pháp Hán Nôm huyện Quỳnh Phụ kỷ niệm 10 năm thành lập 17.12.2023 | 17:21 PM
- Đoàn đại biểu chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc “Thai Binh Homecoming Day” thăm di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo 02.12.2023 | 19:08 PM
- Khai mạc “Ngày hội Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ IV - 2023” 23.11.2023 | 02:46 AM
- Thành phố bình xét thôn tổ dân phố văn hóa năm 2023 09.11.2023 | 19:31 PM
- Tối nay (26/10): Truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ ba 26.10.2023 | 14:28 PM
- Tọa đàm Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới 12.10.2023 | 16:30 PM
- Gần 1000 tác phẩm cây cảnh tham gia triển lãm sinh vật cảnh Trà Khê 19.05.2023 | 22:17 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
- Chỉ thị số 38-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Thái Hòa 1, xã Đông Hoàng
- Đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 tại thôn Hiến Nạp, xã Minh Khai
- Lễ dâng y Kathina do Quốc vương Thái Lan cúng dường tại Thái Bình
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra, chỉ đạo sản xuất vụ đông tại Kiến Xương, Vũ Thư
- Quốc hội thảo luận về dự án luật và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
- Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, học tập lý luận chính trị
- Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- UBND tỉnh: Nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng