Thứ 6, 22/11/2024, 11:38[GMT+7]

Nỗ lực trên hành trình lan tỏa văn hóa đọc

Thứ 2, 24/04/2023 | 16:41:23
11,278 lượt xem
Trên hành trình lan tỏa văn hóa đọc, từ thành thị tới nông thôn, dù ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau nhưng luôn có những con người thầm lặng cùng chung tình yêu, niềm đam mê với sách và luôn mong muốn được chia sẻ, lan tỏa tình yêu ấy đến với tất cả mọi người. Sách đã trở thành niềm cảm hứng bất tận giúp họ vượt qua khó khăn, lan tỏa văn hóa đọc, góp phần tích cực tạo nên những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

Với việc trao tặng sách các nhà trường tham gia hành trình xe oto thư viện đa phương tiện, Thư viện tỉnh nỗ lực lan tỏa văn hóa đọc ở lứa tuổi học sinh.

Giải thưởng phát triển văn hóa đọc năm 2022

Năm 2022 là năm thứ 3 tỉnh Thái Bình có cá nhân tiêu biểu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao giải thưởng phát triển văn hóa đọc. Đây là giải thưởng dành cho những tập thể và cá nhân có đóng góp nỗ lực cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, phát huy hiệu quả vốn tài liệu trong thư viện thông qua việc tổ chức các dịch vụ phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dân với nhiều cách làm hay, sáng tạo. 

Bà Lê Thị Thanh, Phó Giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh là một trong những cá nhân tiêu biểu của toàn quốc vinh dự được nhận giải thưởng này. Nỗ lực không ngừng trên hành trình lan tỏa văn hóa đọc, bà Lê Thị Thanh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động phục vụ lưu động, đồng thời mạnh dạn mở rộng đối tượng bạn đọc tại chỗ của Thư viện tỉnh.

Bà Lê Thị Thanh cùng các em học sinh đọc sách trên hành trình chuyến xe ô tô thư viện đa phương tiện.

Bà Lê Thị Thanh chia sẻ: Cuối năm 2019, Thư viện tỉnh vinh dự là 1 trong 44 thư viện trên cả nước được tiếp nhận xe ô tô thư viện đa phương tiện với khoảng 5.000 đầu sách có trên xe, nhiều trang thiết bị hiện đại như máy tính xách tay, máy chiếu, loa, đài… phục vụ hoạt động lưu động. Bắt tay vào công việc, ngay trong tháng 12/2019, chuyến xe mang hành trình tri thức đã đến với học sinh tại 4 điểm trường xa trung tâm thành phố, nhận được niềm yêu thích, cổ vũ từ cả thầy và trò của các nhà trường. Nhưng thời gian này, hoạt động của xe đơn thuần là vận chuyển sách về các điểm trường. Ngay sau đó, thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các chuyến xe phải tạm dừng, tôi luôn trăn trở “làm thế nào để hoạt động của xe ô tô thư viện phải tạo nên một ngày hội đọc sách thực sự, tạo niềm vui, niềm phấn khích để đó là một kỷ niệm thật đẹp, tiếp thêm cho các em học sinh động lực để duy trì đọc sách thường xuyên”.

Từ trăn trở ấy, bà Thanh và các cán bộ Thư viện tỉnh đã nỗ lực đầu tư nghiên cứu để đổi mới hoạt động cho những chuyến xe thư viện lưu động. Không còn đơn thuần là đưa sách về các điểm trường, những chuyến xe lưu động đã tổ chức nhiều hoạt động khoa học thú vị hướng dẫn học sinh thực hiện theo; tìm ra những cách làm hay trong việc đưa ra câu hỏi gọi mở để học sinh tự tin chia sẻ về nội dung cuốn sách mình đã đọc; tăng cường phối hợp với các nhà trường trong hoạt động đồng diễn văn nghệ tập thể… Sự đổi mới này đã biến những cán bộ thư viện trở thành người dẫn dắt cho cả những trải nghiệm thú vị của trẻ nhỏ, tạo cho các em niềm hứng khởi như tham gia ngày hội sôi động trong hành trình xe thư viện lưu động. Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh cũng nỗ lực kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng trong việc tạo nguồn sách bổ ích, là quà tặng dành cho mỗi điểm trường trên hành trình của chuyến xe.

Đại sứ văn hóa đọc đầu tiên của Thái Bình

Là 1 trong 2 thí sinh của tỉnh Thái Bình đạt giải đại sứ văn hóa đọc toàn quốc năm 2022, em Trần Hồng Ánh, học sinh lớp 11A6, Trường THPT Quỳnh Côi luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc lan tỏa văn hóa đọc. 

Hồng Ánh cho biết: Em duy trì thói quen đọc mỗi ngày khoảng 40 - 50 trang sách hoặc nửa tiếng trước khi ngủ tối. Em lựa chọn những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi của mình. Khi đọc sách, em đánh dấu ý hay, ghi vào một cuốn sổ nhỏ, khi hoàn thành xong 1 cuốn sách em sẽ viết một vài cảm nhận, đánh giá của mình về cuốn sách ấy. Với những cuốn sách tâm đắc, em sẽ viết bài cảm nhận đăng trên các trang mạng xã hội như một cách để giới thiệu cho các bạn cùng tìm đọc. Để thói quen tốt này không bị trì hoãn, ngày đầu tiên của tháng em sẽ dành thời gian đề ra cho mình mục tiêu đọc bao nhiêu cuốn sách, thời hạn đọc xong và thực hiện một cách nghiêm túc.

Trần Hồng Ánh luôn được các thầy cô giáo chỉ bảo tận tình trong việc khai thác thông tin từ sách.

Từ việc thường xuyên viết bài cảm nhận về sách, Hồng Ánh tự thực hiện những video sách nói mang sự kết hợp độc đáo giữa sách in và phát thanh. Theo Hồng Ánh, qua quá trình làm sách nói, em cảm thấy thư giãn và tự thu thập được nhiều thông tin từ cuốn sách. Qua thời gian, em dần đổi mới cách đọc, cách tiếp cận khi cảm nhận, nghiền ngẫm một cuốn sách. Hồng Ánh cũng đã tham gia một số bài thi trong cộng đồng sách nói dành cho người khiếm thị với mong muốn góp phần tích cực nâng cao văn hóa đọc, đồng thời tạo sự đồng cảm, thấu hiểu, tăng cơ hội kết nối cộng đồng giữa những người mắt sáng và người khiếm thị, mở ra cho người khiếm thị những ước mơ từ trang sách.

Trần Hồng Ánh cùng các bạn học sinh Trường THPT Quỳnh Côi mượn sách tại Thư viện trường.

Nỗ lực không ngừng trên hành trình tri thức, những đại sứ văn hóa đọc như Trần Hồng Ánh đang từng ngày làm đẹp hơn hình ảnh về một lứa tuổi học trò lớn lên cùng trang sách. Mong rằng, hành trình lan tỏa tri thức không chỉ là việc làm riêng của các đại sứ văn hóa đọc, của các cán bộ thư viện giàu nhiệt huyết mà sẽ trở thành hành trình chung của cả cộng đồng, xã hội, từ đó góp phần thiết thực xây dựng xã hội học tập.

Tú Anh