Chủ nhật, 19/05/2024, 03:13[GMT+7]

Chuyện lượm nhặt từ lễ hội Ðồng Xâm

Thứ 2, 03/06/2013 | 08:24:12
1,386 lượt xem
Bên cạnh việc bảo tồn và duy trì các giá trị truyền thống, các lễ hội ngày nay đã xuất hiện nhiều yếu tố mang hơi thở hiện đại, gắn với nhu cầu mưu sinh của con người. Các dịch vụ “ăn theo” xuất hiện phổ biến ở các lễ hội, đặc biệt là những lễ hội với quy mô lớn đang là vấn đề nhức nhối đối với các ngành chức năng.

“Liền chị” đon đả hát phục vụ khách với chiếc nón xin tiền trước mặt.

Lễ hội là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến ở nước ta, phản ánh sự phong phú trong đời sống tinh thần của nhân dân, thường gắn với những hoạt động tín ngưỡng. Con người đến với lễ hội không chỉ để thỏa mãn các nhu cầu tinh thần: cầu may mắn, tài lộc, bình an… mà còn để vui chơi, giải trí. Bên cạnh việc bảo tồn và duy trì các giá trị truyền thống, các lễ hội ngày nay đã xuất hiện nhiều yếu tố mang hơi thở hiện đại, gắn với nhu cầu mưu sinh của con người. Các dịch vụ “ăn theo” xuất hiện phổ biến ở các lễ hội, đặc biệt là những lễ hội với quy mô lớn đang là vấn đề nhức nhối đối với các ngành chức năng.

Chúng tôi có dịp về dự lễ hội Ðồng Xâm, xã Hồng Thái (Kiến Xương) vào đầu tháng 4 âm lịch. Tuy chỉ diễn ra với quy mô nhỏ song lễ hội Ðồng Xâm cũng thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài tỉnh tham dự bởi nó gắn với hoạt động xúc tiến thương mại của làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm - một thương hiệu nổi tiếng trong làng kim hoàn Việt Namon>. Ông Vũ Văn Thoại, cán bộ phụ trách văn hóa xã Hồng Thái cho biết, Ban tổ chức lễ hội đã bố trí công an viên để bảo đảm an ninh, đồng thời phân công người trực thường xuyên tại các điểm vui chơi giải trí khu vực lễ hội song lượng người tham gia đông, trong đó có nhiều người từ nơi khác tới nên rất khó khăn trong công tác quản lý.

Mới đầu giờ sáng, khi tiếng trống khai hội còn chưa cất lên, xuất hiện khá nhiều người ăn xin, quần áo tả tơi lê lết xin tiền. Mỗi người một bộ dạng, một dáng vẻ khác nhau nhưng tất cả đều dễ khiến cho du khách động lòng trắc ẩn. Dưới cái nắng như thiêu đốt, họ vẫn chân đất, đầu trần, trong tay cầm cái cóng bơ, rá rách, khuôn mặt lộ rõ vẻ đáng thương mong người qua đường bố thí. Họ thường có mặt tại cửa đền, cạnh các hàng quán, khu vui chơi giải trí, thậm chí ngồi ngay vệ đường.

 

Bốn người ăn xin hành nghề trên đoạn cầu ngắn

Theo quan sát của chúng tôi, chỉ một cây cầu đã có tới 4 người ăn xin, nam có nữ có, đủ thành phần lứa tuổi. Người thì què tay, người cụt chân nhưng ngạc nhiên hơn có những người khỏe mạnh, lành lặn lại giả bộ người tàn tật để cầu mong chút lòng thương hại mà không kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. Không chỉ có những người ăn xin “trực tiếp”, còn rất nhiều hình thức nhằm lợi dụng lòng thương của du khách thập phương. Ðang mải mê nhìn ngắm những bức tranh chạm bạc được trưng bày tại lễ hội, bất chợt một bé trai người nhỏ nhắn, đen thui mời tôi “mua giùm cháu gói tăm từ thiện đi cô”. “Cần câu cơm” của em rất gọn nhẹ, đơn giản: một cái giỏ nhựa đựng vài ba chục gói tăm, mỗi bịch gồm 4 gói tăm được đóng mỏng dính bán với giá 10.000 đồng. Thấy tôi tỏ vẻ quan tâm, một thanh niên đứng cách đó không xa tiến lại mời chào, trên tay là giỏ đựng kẹo cao su.

Cũng giống như những gói tăm, giá của những chiếc kẹo gấp vài ba lần so với giá bán tại các cửa hàng tạp hóa. Bán được hàng thì không sao, khách hỏi nhiều mà không mua hay tỏ ý chê bai ngay lập tức nhận được những câu nói khiếm nhã, thậm chí là xúc phạm. Một thực tế đáng buồn hơn, khi xã hội lên án tình trạng “quan họ ngửa nón xin tiền” ở hội Lim (Bắc Ninh) và các lễ hội lớn khác thì ở Ðồng Xâm, hiện tượng này cũng không tránh khỏi. Thu hút một đám đông người đến xem hội, với sân khấu dựng tạm bằng mấy tấm bạt và một dải băng rôn, khoảng 6 - 7 “liền anh”, “liền chị” trong tà áo tứ thân đang biểu diễn.

Không thể thiếu là những chiếc nón quai thao, vừa tạo nét duyên dáng cho người nghệ sĩ cũng vừa là “đồ nghề” để khách xem “tỏ lòng hảo tâm”. Vẫn là những làn điệu quan họ quen thuộc xứ Kinh Bắc nhưng phần nhạc đã được “remix” (pha trộn), tạo sự sôi động khiến cho “liền chị” vừa hát vừa nhún nhảy theo. Bà Nguyễn Thị Thu, người dân địa phương lắc đầu cho biết: “Vài năm gần đây, “câu lạc bộ” này xuất hiện ở địa phương mỗi dịp mở hội, không chỉ hát theo kiểu mới, những lúc nghỉ ngơi, họ còn mở nhạc trẻ, nhạc sàn sôi động để thu hút mọi người. Ai cho tiền, họ cười nói đon đả lắm”. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Thoại cho biết thêm, trong lễ hội, Ban quản lý chỉ tổ chức một vài trò chơi, hoạt động: cờ tướng, chọi gà, kéo co hay biểu diễn văn nghệ vào buổi tối phục vụ nhân dân, còn các hoạt động khác phần lớn do người từ nơi khác đến xin ý kiến xã để tổ chức.

Trở về từ lễ hội, trong lòng tôi mang theo những trăn trở về những gì mắt thấy tai nghe ngay từ chính một lễ hội nhỏ của địa phương. Lễ hội là hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân, do nhân dân tạo ra nhưng nếu không kịp thời định hướng và hướng dẫn đúng thì những yếu tố phản văn hóa sẽ có tác động ngược trở lại. Ðể thực hiện được điều đó, không chỉ có sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng mà cần hơn hết chính là ý thức của mỗi người dân. Chỉ khi nào mỗi chủ thể tham gia lễ hội đều có ý thức nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình thì khi ấy lễ hội mới thực sự là một hoạt động lành mạnh, ý nghĩa.

Bài, ảnh:  Lưu Ngần

  • Từ khóa