Chủ nhật, 19/05/2024, 06:16[GMT+7]

Lửa chèo làng Khuốc

Thứ 2, 10/06/2013 | 08:31:20
5,685 lượt xem
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, đến nay, người dân xã Phong Châu (Ðông Hưng) vẫn gìn giữ được nét truyền thống từ ngàn đời nay với tên gọi thân quen “Chiếng chèo làng Khuốc”. Chiếng chèo ấy là sự tổng quan của nghệ thuật chèo Việt Nam nhưng nó cũng có những nét đặc sắc mà chỉ riêng làng Khuốc, Phong Châu mới có.

Người làng Khuốc luôn tự hào là cái nôi của nghệ thuật chèo. Ảnh nguồn Internet

Ngày cuối tháng 5, tôi tìm về làng Khuốc khi cánh đồng vụ chiêm đang hối hả vào mùa thu hoạch. Người dân nơi đây với nụ cười rạng rỡ lại bắt vào từng nhịp phách, tiếng chèo - đó là cách mà họ giữ gìn hồn cốt của quê hương mình.

 

Nhắc đến lớp thượng niên trong làng còn giữ được các làn điệu chèo cổ quả là hiếm. Bây giờ, lớp “tre già” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài cụ Hà Quang Ngạn năm nay đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” thì lớp hậu bối đi sau như ông Ro, bà Thao, ông Hoạch, ông Hồng, bà Cậy cũng đã ngoài ngũ tuần, là những người được truyền dạy khá bài bản những làn điệu chèo cổ “độc nhất vô nhị”. Cũng vì thế, chèo làng Khuốc trải qua bao thăng trầm vẫn giữ được tiếng tăm, thần thái của một làng chèo cổ.

 

Ðã đến nhiều chiếng chèo có tiếng ở Nam Ðịnh, Hải Dương, Hà Nội nhưng chèo làng Khuốc luôn để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Chèo làng Khuốc có nét gì đó vừa gần gũi, quen thuộc, vừa như có chiều sâu hình khối. Nhớ lại lần đầu đến Phong Châu, người đầu tiên đưa tôi trở về với làng Khuốc trong quá khứ hào hùng chính là cụ Hà Quang Ngạn. Ðôi chân đã yếu, đôi mắt không còn tinh nhưng với chèo, cụ không bao giờ quên được. Cụ đã từng nói với tôi: “Chèo làng Khuốc cũng như đất làng Khuốc, như người làng Khuốc. Khi nào đất không còn, người không còn thì lúc đó mới thôi hát chèo”. Câu nói nặng trĩu tình cảm với nghệ thuật chèo. Tuổi thanh xuân, cụ cống hiến cho cách mạng, mang lời ca tiếng hát theo đoàn dân công phục vụ bộ đội. Lúc về già, cụ lại dốc “vốn liếng” trao truyền cho lớp con cháu trong làng. Với cụ, giữ được tiếng chèo là giữ được hồn cốt của làng.

 

Theo con đường thẳng tắp trải bê tông, tôi đến đình làng Khuốc - nơi thờ thành hoàng làng, người có công gây dựng chiếng chèo làng Khuốc từ buổi sơ khai. Ngôi đình tọa lạc trên một vị trí đẹp. Không gian tôn kính, linh thiêng, nơi thờ tổ làng chèo trải qua bao nhiêu thăng trầm mà vẫn giữ được nét uy nghiêm, cổ kính. Ðây còn là nơi giữ gìn những tài liệu cổ hàng trăm năm nay như một cuốn gia phả ghi lại quá trình hình thành chèo làng Khuốc, trường tồn cho tới bây giờ. Trung tuần tháng 8 âm lịch hàng năm, dân làng lại mở hội để tưởng nhớ công ơn người xưa, nhắc con cháu nhớ về nguồn cội.

 

Tôi tìm về quá khứ của tiếng chèo như một góc cuộc sống của người dân làng Khuốc. Họ không biết chiếng chèo có từ bao giờ nhưng họ biết khi cây đa làng Khuốc đã ngả bóng xuống sân đình, khi cái tên làng Khuốc được người ta biết đến thì cũng là lúc tiếng chèo làng Khuốc được cất lên. Những người con làng Khuốc hát say sưa, nhiệt tình, hát như đó là bản năng đã ngấm vào xương, vào thịt. Mỗi khi làng mở hội hay khi có bất cứ việc gì của làng là họ lại cất lên những làn điệu mượt mà, đằm thắm... Theo cụ Ngạn, ngoài những làn điệu chèo cổ giống với nhiều nơi thì làng Khuốc còn có 12 điệu chèo cổ riêng biệt. Cũng bởi vậy mà mỗi lần nghe chèo Khuốc là một lần tôi tìm thấy một điều mới mẻ mà không nơi nào có được. Lớp con cháu làng Khuốc hôm nay luôn gắng sức học tập các thế hệ đi trước để giữ cho ngọn lửa chèo cháy mãi.

 

Bây giờ, cuộc sống của người dân làng Khuốc nói riêng, xã Phong Châu nói chung đã đổi thay. Con đường làng  khang trang sạch sẽ, bê tông hóa đến từng ngõ xóm. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Dân trí người Phong Châu ngày càng cao. Trong sự hối hả của cuộc sống, trong mối lo “cơm, áo, gạo, tiền”, điều đáng mừng là vẫn còn nhiều người tâm huyết, thiết tha với làn điệu chèo, đau đáu với giấc mơ giữ gìn niềm tự hào của quê hương.

 

5 năm qua, từ một đội chèo nhỏ được khôi phục làm hạt nhân cho những sinh hoạt cộng đồng, đến nay bốn thôn: Cổ Xá, Khuốc Ðông, Khuốc Tây, Khuốc Bắc của làng đều đã có đội chèo riêng. Bên cạnh đó còn có các câu lạc bộ (CLB) chèo mang tính tự nguyện như CLB chèo làng Khuốc, CLB chèo của hội người cao tuổi, hội phụ nữ, đoàn thanh niên đã làm cho các hoạt động chèo ở vùng quê này thêm phần sôi nổi. Câu lạc bộ chèo làng Khuốc hiện tại có hơn 100 thành viên, trong đó có 40 cháu trong độ tuổi từ 15 đến 20. Từ tháng 8/2009, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình phối hợp với Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh đã mở lớp dạy hát chèo cho con em làng Khuốc, thu hút đông đảo các cháu thiếu nhi, thanh niên yêu thích môn nghệ thuật này. Tuy chỉ được tổ chức vào những tháng hè nhưng những lớp học ấy hứa hẹn một tương lai sáng cho chiếng chèo làng Khuốc.

 

Tạm biệt làng Khuốc, tạm biệt mảnh đất Phong Châu, tiếng hát chèo vẫn vang vọng như cố níu kéo tôi ở lại. Với tình cảm chân thành của một người yêu nghệ thuật chèo, tôi thầm cảm ơn những con người Phong Châu, họ đã góp công giữ lại ngọn lửa chèo cháy mãi để làm phong phú cho nghệ thuật chèo Việt Namon>.

Tất Đạt

 

 

  • Từ khóa