Thứ 2, 18/11/2024, 05:18[GMT+7]

Thái Thụy: Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích

Thứ 3, 06/06/2023 | 08:27:39
21,252 lượt xem
Thời gian qua, huyện Thái Thụy đã chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Từ đó, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Lễ hội bơi trải thị trấn Diêm Điền.

Đền Hệ (xã Thụy Ninh) được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Từ khi được xếp hạng đến nay, đền Hệ được địa phương trùng tu, tôn tạo nhiều lần để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách thập phương. Đặc biệt, năm 2007, xã đã xin chủ trương và thực hiện quy hoạch mở rộng khu di tích đền Hệ với tổng diện tích 4,4ha, trong đó thực hiện xây dựng các hạng mục công trình như bãi đỗ xe rộng 5.000m2, xây dựng mở rộng hệ thống đường giao thông và khuôn viên di tích, nhà dịch quán, nhà tu lễ, sân vận động phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí... Bên cạnh đó, để thu hút du khách thập phương đến với di tích, vào các dịp lễ hội hàng năm địa phương tổ chức các hoạt động phong phú như tế lễ, múa rối nước, hát quan họ, diễn chèo sân đình cùng nhiều hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian khác. 

Ông Đỗ Văn Huynh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đền Hệ, những năm qua, xã đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo di tích, đưa nơi đây trở thành điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương về dâng hương, chiêm bái trong dịp lễ hội. Hàng năm, lễ hội đền Hệ được xã tổ chức từ ngày 10 - 12/3 âm lịch, thu hút từ 6.000 -  8.000 lượt du khách về dâng hương, chiêm bái cảnh quan di tích. Địa phương đang tiếp tục huy động các nguồn kinh phí, nhất là sự ủng hộ của nhân dân, du khách thập phương để tu bổ, tôn tạo, đồng thời mở rộng, đầu tư xây dựng một số hạng mục trong khu di tích như sân vận động, khuôn viên để tổ chức thi đấu các môn thể thao một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn... và xứng tầm với quy mô di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Cùng với di tích lịch sử văn hóa đền Hệ, huyện Thái Thụy đã quan tâm trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của nhiều di tích. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 477 di tích lịch sử văn hóa bước đầu đã được kiểm kê, trong đó có 28 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 94 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Những năm qua, công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện đang được đẩy mạnh, các loại hình lễ hội dân gian, diễn xướng dân gian đã từng bước được khôi phục và phát huy, các di sản văn hóa tiêu biểu của địa phương đang được phục hồi và phát huy mạnh mẽ. 

Đến nay, huyện đang bảo tồn và duy trì hoạt động 96 lễ hội dân gian, truyền thống như: lễ hội đền Hét (xã Thái Thượng), hội bơi trải thị trấn Diêm Điền, đặc biệt lễ hội ông Đùng, bà Đà với tục múa ông Đùng, bà Đà được tổ chức vào ngày 14/4 âm lịch hàng năm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện: Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, những năm qua, ngành văn hóa - thông tin huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản quy định về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện. Đồng thời, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đối với thực hiện chế độ, chính sách, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa và hoạt động bảo tồn, bảo tàng trên địa bàn. 

Hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích được các ngành, địa phương triển khai thiết thực, hiệu quả. Hàng năm, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn di sản văn hóa đã tu bổ, tôn tạo đối với một số di tích đã được xếp hạng các cấp; nguồn kinh phí từ tỉnh, huyện và nguồn xã hội hóa tiến hành trùng tu, tôn tạo lại một số di tích. Việc trùng tu được thực hiện nghiêm túc, dưới sự quản lý của các cơ quan chuyên môn và theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Các di tích của huyện đã được trùng tu, tôn tạo theo tính nguyên gốc và cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, bảo đảm an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản lịch sử văn hóa, thời gian tới huyện Thái Thụy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng về văn hóa. Nâng cao hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Khuyến khích, hỗ trợ các tập thể, cá nhân tham gia bảo vệ di tích; tăng cường sự tham gia, huy động nguồn lực xã hội để trùng tu, tôn tạo các di tích; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường liên kết vùng, hạ tầng du lịch... gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa của địa phương tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội...

Trần Tuấn