Thứ 6, 22/11/2024, 00:28[GMT+7]

Viết về Trường Sơn ngày ấy

Thứ 2, 17/06/2013 | 10:49:02
2,165 lượt xem
Cứ mỗi năm hè về, khi nắng đã chói chang, những trận mưa rào đầu mùa đã trút nước, ấy là những tháng ngày tôi rất nhớ về Trường Sơn - nơi đã dạy tôi viết những bài báo đầu đời.

Tác giả (người đội mũ ngồi giữa) cùng đồng đội trên xác xe tăng Mỹ sau ngày giải phóng Quảng Trị. Ảnh tư liệu

8 năm chiến đấu, công tác ở một binh đoàn đặc biệt có nhiều binh chủng, lực lượng hợp thành. Tôi lại là người may mắn được trực tiếp làm nhiệm vụ ở nhiều nơi, bộ binh, giao liên, công binh và cơ quan chính trị binh trạm nên tôi đã tích lũy được nhiều vốn sống thực tế để làm tư liệu quý cho những bài báo của mình. Không được đào tạo về báo chí nhưng trước những tấm gương của đồng đội, đồng bào, trước những tình cảm quân dân máu thịt và sự tàn ác của quân thù, tôi đã cầm bút viết để động viên trực tiếp anh em, động viên đồng bào và ghi lại những kỷ niệm thời máu lửa, thời thanh xuân.

Năm 1968, sau cái tết Mậu Thân, do nhiều nguyên nhân ta không giữ được thành phố, bộ đội và cơ quan dân chính rút lên rừng. Có thể nói những cánh rừng huyện A Lưới - huyện Hiên của Quảng Nam lúc ấy đông đặc lực lượng cách mạng và cả tù binh. Dân thì đói vì lúa, bắp, sắn trên nương rẫy của đồng bào, đến ngay cả chuối rừng, mọi cây cối đều chết lụi, do chất độc hóa học rải thảm. Bộ đội chỉ còn 2 lạng gạo một ngày (nấu cháo loãng, nhường nhau) thế mà vẫn tiết kiệm, nhường nhịn để giúp cứu đói đồng bào các xã Hồng Vân, Hồng Tiên, Hồng Thủy và khu vực sân bay ASo - A Lưới bị nhiễm nặng chất độc da cam. Tôi viết bài “Cứu dân để dân nuôi giải phóng” được đăng báo Trường Sơn. Bài báo kịp thời nêu gương các anh: Mộng, Mậu, Núi, Chương đói mà gùi gạo vượt trọng điểm đánh phá Tam Bôi, bốt Đỏ - A Sáp để cứu dân. Đây chính là những tấm gương ngày đêm bám trụ trọng điểm, bám trụ tuyến đường khắc phục hậu quả.

Có trận bom vùi đồng đội ở dưới chân, nhưng vì hàng ngàn mét khối đất đá lấp đầy không bới được, anh em phải đau đớn quên đi đồng đội mình, san đất, mở đường cho xe chở hàng, vũ khí đi qua. Viết về cuộc thi gan, mưu mẹo với quân thù để bảo đảm an toàn binh khí chiến lược, tôi có bài “Thi gan đánh giặc”. Mèo (bên núi cao, bên vực thẳm dài 7km độc đạo), thì bị máy bay địch chặn đánh. Hàng ngàn mét khối đá, đất chặn đường, 2 xe tăng mắc giữa. Đất đá quá lớn, không thể thông đường - lệnh binh trạm phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho xe tăng. Anh Đỗ Đức Sồng, Chính trị viên Tiểu đoàn 37 (người Thụy Trường), anh Phạm Văn Trí, Tiểu đoàn trưởng (người Hà Tĩnh) đã nhanh trí huy động lực lượng  (Đại đội 2) lên đồi kéo cây khô ngụy trang. Đại đội 1 khâu nối bao tải phủ từ tà luy dương trùm qua xe tăng rồi lấp đất, rấp cây khô. Cả ngày trời nắng chang chang. OV10 hai chiếc thi nhau trinh sát, trực thăng U ty ty rà xét không phát hiện ra. Đêm đó binh trạm huy động xe ben C100 cùng Tiểu đoàn 37 thông đường lúc 11 giờ. 2 xe tăng của ta lại rầm rầm vượt đèo và hàng chục xe zin chở đầy hàng giao cho xưởng giấy. Bộ Tư lệnh Trường Sơn khen Binh trạm 42, khen tiểu đoàn 37, và khen cả bài báo: “Thi gan thắng giặc” của tôi.

Ngày ấy, mưa ở Trường Sơn đã buồn, nhưng còn buồn nào hơn khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin về sức khoẻ của Bác. Binh trạm, tiểu đoàn phát động “Làm việc bằng hai” để đưa hàng, đưa quân sớm vào mặt trận, để giải phóng miền Nam, thỏa lòng Bác mong. Đêm ấy, mùng 2 tháng 9 năm 1969 xe vào nhiều. Công binh hỏi lái xe, lái xe hỏi công binh “Tình hình Bác thế nào?” Rồi tin như sét đánh: Thông cáo đặc biệt trên Đài Tiếng nói Việt Nam - Bác đã ra đi! Bộ đội khóc, đồng bào khóc, đồng bào hỏi: “Boóc Hồ chết rồi phải không? Chúng tôi nói: “Bác Hồ đi xa thôi!”, nhưng rồi không ai cầm nổi nước mắt. 

Đúng, ngày giờ quy định của Trung ương đại diện các đơn vị: công binh, vận tải ô tô, pháo binh, bộ binh, giao liên, quân y và các ban tham mưu chính trị, hậu cần tề tựu trong “hội trường” là một nhà hầm sâu gần 2m so với mặt đất. Đoàn đại biểu đồng bào Pa Cô - Vân Kiều và đồng bào Lào những bản gần đó cũng tới dự lễ truy điệu Bác. Mộ phần Bác (tượng trưng) phủ cờ Đảng các vòng hoa rừng đủ loại chủ yếu là phong lan, đặc biệt đồng bào mang tới trầm hương thơm đặc biệt tỏa đi khắp rừng. Mưa rả rích, mưa tầm tã và ai ai nước mắt cũng ròng ròng với những cánh tay giơ cao nguyện thề làm theo lời Bác dặn, nguyện thề “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” thống nhất Tổ quốc, thỏa lòng Bác mong. Một bài báo nữa của tôi lại ra đời: “Chúng con viếng Bác ở Trường Sơn”. Kỷ niệm về bài báo này và chiếc băng tang lễ truy điệu luôn theo suốt tôi 44 năm qua như một báu vật, nhắc nhở tôi suốt đời nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Được đồng đội khuyến khích tôi chăm viết hơn, nhất là khi làm công tác tuyên huấn ở binh trận, ở E73 Sư 473 và khi chuyển ra công tác dân chính đảng, được là cộng tác viên của Báo Thái Bình. Mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 559, Binh đoàn Trường Sơn; sinh nhật Bác 19 - 5 và ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, đồng đội của tôi lại cùng nhau đọc những bài báo, bài thơ tôi viết về họ, về Trường Sơn và về cuộc sống hiện tại mà họ đang khắc phục vươn lên. Những cuộc điện thoại của đồng đội từ các huyện, các tỉnh gọi về và những bài được đăng ở Báo Thái Bình và các báo khác là nguồn cổ vũ to lớn đối với tôi.

 Vũ Hồng Thái

(Thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa