Thứ 6, 22/11/2024, 00:25[GMT+7]

Suy ngẫm về giao tiếp trong gia đình

Thứ 2, 01/07/2013 | 10:39:33
4,564 lượt xem
Sự tiếp nhận ồ ạt, thiếu chọn lọc từ những nền văn hóa ngoại lai, làm xáo trộn nếp sống gia đình, khiến cho nhiều người đánh mất đi chuẩn mực ứng xử trong giao tiếp. Điều đó đã gây ra những vấn đề đáng lo ngại như: trẻ nói trống không, khiếm nhã, sử dụng tiếng nước ngoài... khi giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình hiện nay.

Sự phát triển của nền kinh tế đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của mỗi gia đình Việt Nam được cải thiện, quan hệ bình đẳng giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái được xác lập và khẳng định... Song bên cạnh ảnh hưởng tích cực là tác động tiêu cực từ việc tiếp nhận ồ ạt, thiếu chọn lọc từ những nền văn hóa ngoại lai, làm xáo trộn nếp sống gia đình, khiến cho nhiều người đánh mất đi chuẩn mực ứng xử trong giao tiếp. Điều đó đã gây ra những vấn đề đáng lo ngại như: trẻ nói trống không, khiếm nhã, sử dụng tiếng nước ngoài... khi giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình hiện nay.

Bản chất con người được bộc lộ qua giao tiếp và công cụ để giao tiếp chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống, là cầu nối giúp mỗi thành viên trong gia đình hiểu và gắn kết với nhau hơn. Ngôn ngữ được biểu đạt qua lời nói, hành động... nhưng lời nói được sử dụng thường xuyên và nhiều nhất trong giao tiếp gia đình. Trong kho tàng văn hóa giao tiếp của người Việt, lời nói từ xưa đến nay xuất hiện nhiều ở những câu tục ngữ, ca dao như: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “Uốn lưỡi ba lần trước khi nói”, “Ăn có nhai, nói có nghĩ”... Đó cũng là những lời mà ông bà, cha mẹ thường dùng để răn dạy, bảo ban con cháu mình. Thời xưa, lời nói sử dụng trong gia đình thường có nền nếp, có trên có dưới theo tôn ti trật tự và rất trọng tình cảm. Thời nay, bên cạnh việc tiếp thu, kế thừa những giá trị, tinh hoa của cha ông để lại thì văn hóa giao tiếp gia đình đã mang trong mình nhiều thay đổi.

Cách giao tiếp, nói chuyện giữa các thành viên trong gia đình thời nay ít nhiều đã bị chi phối bởi lối sống thực dụng, ích kỷ. Con cháu do mải mê kiếm tiền đã không coi việc chăm sóc cha mẹ già là nghĩa vụ đạo đức cao quý, thậm chí còn bạc đãi với ông bà, cha mẹ, khiến người già lâm vào cảnh cô đơn lúc sức yếu. Sự xuất hiện lối nói trống không, gắt gỏng với thái độ thiếu tôn trọng như: ông già, bà già, lão, mụ... thậm chí còn những câu hỏi, câu trả lời khiếm nhã dù vô tình hay cố ý đều khiến ông bà buồn, tủi. Trong mối quan hệ vợ chồng cũng có rất nhiều lý do bao biện cho những lời nói, câu hỏi, cách trả lời khiếm nhã, thiếu bình đẳng mà nguyên nhân chủ yếu phải kể đến là áp lực kinh tế, trình độ nhận thức, học vấn.

Ở nhiều gia đình kinh tế khó khăn, vợ chồng hay xảy ra mâu thuẫn hoặc ở một số gia đình người chồng có tư tưởng bảo thủ, gia trưởng. Thay vì lối xưng hô “anh - em”, “mình - em”... thể hiện sự yêu thương, gắn kết và bình đẳng vợ chồng là lối xưng hô thô lỗ “mày - tao”, “ông - mày”... Chỉ là một vài câu nói khiếm nhã, cách xưng hô thiếu tôn trọng nhau nhưng sẽ gây tổn thương cho cả hai phía, gia đình bất hòa, nạn bạo hành xuất hiện hoặc nghiêm trọng hơn là việc ly hôn.

Nguy hiểm hơn là nếu cha mẹ không sửa chữa kịp thời thì những lời nói thiếu văn minh, lịch sự trong giao tiếp hàng ngày dễ ảnh hưởng xấu đến nhận thức, sự hình thành và phát triển nhân cách của con cái. Lời hỏi, đáp giữa cha mẹ và con cái hiện nay cũng có muôn hình vạn dạng. Không quá khó để bắt gặp những câu hỏi và câu trả lời trống không trong mối quan hệ này. Khi người mẹ hỏi: “Nay đi học cô giáo bảo sao?”, con trả lời: “Chả bảo gì”; hoặc cách nói sử dụng tiếng nước ngoài, khi người mẹ hỏi “Con có ăn nữa không?”, con trả lời: “No” (“Không” - Tiếng Anh)... Đôi khi ở nơi này, nơi khác chúng ta còn nghe thấy những lời nói thể hiện sự thiếu giáo dục khi cha mẹ hỏi mà người con im lặng không muốn hoặc không thèm trả lời.

Còn nhiều cách xưng hô, hỏi đáp trong gia đình không phải là lối ứng xử văn hóa của người Việt Nam, không phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc. Thiết nghĩ, mỗi thành viên trong gia đình hãy tự nhìn nhận lại lời nói, cách ứng xử của chính mình để “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, đoàn kết, yêu thương cùng nhau xây dựng gia đình văn hóa, đẩy lùi nạn bạo lực, bạo hành không đáng có.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa