Thứ 6, 22/11/2024, 23:10[GMT+7]

Giữ gìn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa đình Lạc Đạo

Thứ 2, 25/09/2023 | 09:47:23
11,645 lượt xem
Đình Lạc Đạo (còn gọi là đình Cả), tổ 6, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2005. Đây là ngôi đình cổ linh thiêng thu hút đông đảo người dân và du khách đến chiêm bái và tham quan. Hàng năm, đúng vào ngày 5 tháng Giêng và ngày 15/8 (âm lịch), người dân địa phương lại rộn ràng chuẩn bị cho lễ hội đình.

Diện mạo mới của di tích đình Lạc Đạo sau khi được tu bổ, tôn tạo.

Những hồi ức đẹp về đình làng

Bà Trần Thu Khánh Hà, công chức văn hóa - xã hội phường Trần Lãm cho biết: Căn cứ vào 12 đạo sắc phong của triều đại nhà Nguyễn, đình Lạc Đạo được xây dựng khoảng cuối thế kỷ thứ X (thời nhà Đinh), đầu thế kỷ thứ XI (thời tiền Lê). Trước đình có dòng sông chảy dài từ cửa biển Kỳ Bố đổ về sông Trà Lý (sau này nhân dân ngăn lại một đoạn để làm ao đình) và có cánh đồng Quan. Năm 1038 và 1065 vua Lý Thái Tông đã về Kỳ Bố Hải Khẩu, chọn cánh đồng Quan là một trong những địa điểm làm lễ tịch điền. Đình Lạc Đạo phụng thờ đức thánh Nam Hải Đại Vương, đức Đông Hải Đại Vương, công chúa Mỵ Châu, Trần Minh Công (tức tướng quân Trần Lãm) và các vị thần có công với nước.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đình là nơi diễn ra nhiều hoạt động quan trọng phục vụ sự nghiệp cách mạng. Ông Phạm Xuân Ngoan, tổ 6, phường Trần Lãm chia sẻ: Bao đời nay, đình làng là nơi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các cuộc họp của người dân. Thuở bé, mỗi khi đình có lễ hội, tôi thường đến đây cùng bạn bè chơi bắn bi, trốn tìm, xem chọi gà... Một năm đình tổ chức lễ hội hai lần nhưng vui nhất là tết Trung thu, thiếu nhi trong xóm được tham gia cắm trại. Thế nên, đình làng với tôi đã trở thành nơi gắn bó, gần gũi và thân thiết từ ấu thơ cho đến bây giờ.

Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của ngôi đình, hiện nay nhân dân địa phương tích cực chăm sóc, bảo vệ ngôi đình. 

Bà Nguyễn Thị Búp là người đảm nhiệm trông coi đình gần 20 năm nay tâm sự: Từ ngày tôi mới sinh ra đã có ngôi đình này rồi, các cụ thân sinh bảo đình thiêng lắm, được làm sớm nhất và to nhất lúc bấy giờ. Tôi chỉ mong có sức khỏe để trông giữ đình. Ở đây, tôi cảm thấy yên bình, tâm hồn thư thái.

Xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích

Trải qua những thăng trầm lịch sử, đình Lạc Đạo đã hư hỏng, xuống cấp. Năm 2022, đình được tu bổ, tôn tạo trên nền móng cũ. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND phường Trần Lãm cho biết: Đình Lạc Đạo được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hơn 27 triệu đồng, còn lại là nguồn lực huy động từ nhân dân, doanh nghiệp ủng hộ. Quá trình tu bổ, tôn tạo được thực hiện theo đúng quy trình và hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bảo đảm gìn giữ những giá trị lịch sử.

Bà Vũ Thị Hoàn, tổ 8, phường Trần Lãm cho biết: Di tích đình Lạc Đạo đã có từ lâu. Trước đây, đình xuống cấp trầm trọng. Với mong muốn ngôi đình của địa phương được phục dựng để người dân có nơi đi về, hương khói, gia đình tôi đã góp tiền công đức, vật liệu xây dựng để xây dựng cổng đình và sửa chữa một số hạng mục của di tích với số tiền trên 200 triệu đồng.

Sau khi được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, di tích đình Lạc Đạo đã đẹp đẽ, khang trang hơn. Để gìn giữ và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa, song song với việc nâng cấp, tôn tạo, cấp ủy, chính quyền phường Trần Lãm còn tăng cường quảng bá, tuyên truyền để nhân dân và du khách thập phương biết đến địa điểm ngày một đông hơn. Năm 2023, lễ hội truyền thống đình Lạc Đạo được tổ chức trong 3 ngày 28, 29, 30 tháng 9 (14, 15, 16 tháng 8 âm lịch). Lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động như lễ rước đình Lộng, lễ dâng hương, tế nữ quan... Bên cạnh đó còn có các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian hấp dẫn.

Đình Lạc Đạo được UBND tỉnh Thái Bình xếp hạng di tích cấp tỉnh ngày 5/4/2005.

Nguyễn Thắm