Thứ 3, 21/05/2024, 18:22[GMT+7]

Tên quê dễ nhớ khó quên

Thứ 4, 24/07/2013 | 09:21:06
33,953 lượt xem
Ngoài tên người thì đa dạng và đẹp nhất trong cách đặt tên ở quê là tên xóm làng. Là chốn ngụ cư lâu đời nên mọi người rất chú trọng trong việc đặt tên, gọi tên làng quê làm sao để phản ánh được rõ ràng phong tục, tập quán, tín ngưỡng, sở thích của cả cộng đồng. Mỗi làng thường có một hay nhiều tên gọi khác nhau, gồm tên Nôm và tên Hán Việt.

Không ở đâu có sự đa dạng như cách đặt tên, gọi tên ở quê. Do gắn bó với công việc đồng áng, để dễ nhớ - dễ thuộc - dễ so sánh, tạo niềm vui thư giãn trong lúc lao động sản xuất, làm bất cứ việc gì, gặp sự vật hiện tượng nào dân quê đều định cho nó một cái tên. Thành thử giữa người và vật hết sức gần gũi, thân thiết; đời sống tinh thần, vật chất nhờ thế cũng sinh động, hiền hòa.

Trong các cách đặt tên, gọi tên thì đặt tên con cái ở quê là đa dạng nhất. Nói chung, một người có thể có ba, bốn cái tên: tên tục, tên húy, tên tự, tên cúng cơm, nhũ danh và tên gán ghép. Với quan niệm ma quỷ hay xâm hại trẻ nhỏ khi mới lọt lòng làm bé ốm yếu, bệnh tật; càng xinh đẹp, béo tốt, thơm tho bao nhiêu càng bị ma quỷ quấy rầy bấy nhiêu nên trong khoảng 100 ngày, người dân thường đặt tên cho con cháu với những cái tên mang nghĩa xấu hoặc kỳ cục để ma quỷ khỏi bắt, khi thấy nuôi được mới định danh chính thức. Thường tên tục chỉ có một từ được ghép với từ chỉ giới tính của trẻ. Phần lớn trẻ con sơ sinh đến khi học lớp một đều có tên là cu tý, cái hĩm, con sâu, thằng ve, cò, vạc, giun, dế... xưa kia chỉ những vật dị thường song nay đã trở thành tên gọi đáng yêu, được nhiều người ưa thích. Tên tục thường chỉ được gọi trong thời niên thiếu tới khi lớn thì bỏ nhưng cũng có người dùng nó cả đời bởi quan niệm tên gì cũng là tên do cha mẹ, ông bà đặt cho và nó đã thân quen, ngấm sâu vào xác thịt. Cũng có khi tên tục bị lãng quên từ lâu, bỗng nhiên được nhắc lại, như khi có bà con, bạn bè ở xa lâu ngày về thăm tự nhiên gọi tên tục thì người có tên ấy vẫn xuê xoa chấp nhận.

Ngoài tên tục bao giờ người quê cũng có tên húy là tên thật, tên chính thức ghi trong giấy khai sinh, hộ khẩu. Tên húy thường có ba từ gồm họ, đệm và tên riêng. Con cái thường lấy họ cha hoặc mẹ, cha họ nào con họ ấy, tên đệm của cha thích dùng hoặc không đều được. Tuy nhiên cũng có nơi khi đặt tên cho con, không lấy họ cha làm họ con mà lấy tên đệm của cha làm họ,... Ở quê, người dân thường giữ họ và đệm của ông cha chỉ thêm tên riêng của mình phía sau. Điều này góp phần tạo nên khá nhiều chi họ nổi tiếng như họ Trịnh Văn (có con cháu là Trịnh Văn Hiền, Trịnh Văn Hoàn...), họ Vũ Bằng (có con cháu là Vũ Bằng Tường, Vũ Bằng Phương Nguyên...). Dân quê thường đặt tên đệm biểu thị cho chi trưởng là bá, gia, mạnh và chi thứ là trọng, thế, chí. Cũng thường đặt tên đệm cho nam là văn và nữ là thị nên khi nghe điểm danh phần lớn toàn thấy người ta đọc là văn này văn nọ, thị này thị kia. Kế thừa mỹ tục từ xưa đề cao nữ giới về sắc đẹp và phẩm hạnh và nam giới về tài năng, chí anh hùng và sự hiếu nghĩa người ta thường đặt tên riêng cho con gái là Mỹ, Lệ, Đoan, Trang, Hương, Trinh... và con trai là Kiên, Cường, Đức, Công, Tiến...

Cũng với bản tính hiền lành người dân dùng các tên Chi, Hiền, Hạnh, Nghĩa, Thảo, Thường,... nhiều hơn các tên có ý nghĩa cao sang, chỉ giang san như Nhật, Dương, Nguyệt, Tú, Vân, Hải, Sơn, Hà...; chỉ vật quý trên trời dưới biển như Châu, Ngọc, Ngà, Kim, Ngân..., Long, Phượng, Oanh, Yến... Tuy nhiên, với sự mơ mộng, mong muốn gia cảnh khá giả, diện  mạo xinh đẹp nhiều người cũng đặt tên con cháu theo thể đối ngược như con yếu là Anh, Hùng, Mạnh, Lực, Khang, Tráng...; con nghịch thì An, Hòa, Ninh, Thuần,... Nhà nghèo nhưng đặt tên con là Phú, Thịnh, Vượng hoặc thể hiện các khí thái như Trung, Hiếu, Dũng,... Cũng đặt tên con cháu theo nơi sinh hay cư trú để nhớ về quê hương, bản quán như Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc... Do sinh đẻ nhiều để đếm cho thỏa, nghe có vần có điệu vui tai người dân cũng đặt tên con cháu theo thứ tự, tầng bậc, bộ/ cặp nghĩa như cả, thứ,... nhất nhị, chín, mười..., tý, sửu, long, hổ,... lan, huệ, hương, thảo..., kèn, trống..., ấm, chén,....

Vì có tên tục xấu, để không bị gọi tên tục cũng như che đậy tên thật, ở quê ngoài tên cha mẹ định, nhiều người còn tự đặt cho mình một tên gọi khác gần nghĩa với tên chính. Ví dụ có tên Sáng, thì tự là Minh; tên Sang, tự Quý, tên Hiển, tự Vinh... Với người làm nghiệp văn chương, diễn viên hay hoạt động xã hội, quân sự có thể còn có tên hiệu hay bút danh, nghệ danh... Ngoài ra, một người cũng có thể được người khác gọi bằng một cái tên lạ, đa số là gán ghép chứ người nghe không thích, giống như tên tục dựa trên đặc điểm cơ thể, nghề nghiệp hay nơi cư trú như bác Tư khiểng/ Tư còm (tên là Tư, có bộ răng khểnh, người gày gò), cô Ba bún/ Ba thanh (vì bán bún, giọng nói chua ngoa), chị Hai chùa/ Hai bóng (vì sống ở xóm chùa, có tính đồng bóng)... và gọi tên con hay gia đình thay cho tên cha mẹ như con là Dũng, thì mẹ là cô Dũng hay bà Dũng.

Dù đặt tên tự nhiên song dân quê rất kỵ húy, tránh tên con cháu trùng với cô dì, chú bác, người già hoặc người đã chết, sợ con cháu tổn thọ. Do đó, ông bà thường có trách nhiệm đặt tên cho cháu do am hiểu tường tận về dòng họ nhờ thế tránh được việc phạm húy. Những gia đình theo thi cử hay đặt tên con cháu bằng những cái tên quan cách chỉ sự đỗ đạt, cao sang như Văn Đình, Quang Minh, Thành Đạt... Ngược lại, những gia đình bình dân thì đặt tên sao cho con cháu sống dễ dàng, thoải mái như Nhàn Hạ, Hữu Yên, Thanh Tâm...

Ngoài tên người thì đa dạng và đẹp nhất trong cách đặt tên ở quê là tên xóm làng. Là chốn ngụ cư lâu đời nên mọi người rất chú trọng trong việc đặt tên, gọi tên làng quê làm sao để phản ánh được rõ ràng phong tục, tập quán, tín ngưỡng, sở thích của cả cộng đồng. Mỗi làng thường có một hay nhiều tên gọi khác nhau, gồm tên Nôm và tên Hán Việt. Tên Nôm thường có một từ, còn Hán Việt có hai từ trở lên, ví dụ tên Nôm là Chuông, Trại, Ngò... tên Hán Việt là An Thái, Mễ Trì, Đồng Nhân, Thanh Lương...

Dân quê có rất nhiều cách đặt tên làng, như dựa vào cây cỏ, động vật, núi sông hay các sự kiện tự nhiên, siêu linh ảnh hưởng đến làng, có các tên như làng Sậy vì làng dựng trên bãi lau lách, Ba Sông vì nằm ở ngã rẽ ba con sông, Mễ Trì vì có cánh đồng như cái ao sâu trồng lúa, Tân (bến nước), Dương (mặt trời), Hoằng Phước (Phổ độ chúng sinh)... Hoặc theo các vị trí của đê có làng Nội (trong), Ngoại (ngoài), Thượng (trên), Hạ (dưới), Đông, Đoài (phía Tây), Cựu (cũ), Tân (mới)... Theo tên người có công khai khẩn mở đất hoặc dòng họ lớn chiếm đa số dân cư có làng Dương Xá, Đặng Xá, Đinh Xá,... Theo ý nghĩa biểu tượng thể hiện ước mơ, ý chí hay niềm tự hào của dân gian có làng Vĩnh Trường, Phú Yên, Vạn Phúc, Quyết Thắng...

Ở quê, mọi nhà cũng có thói quen đặt tên vật nuôi cho thấy tư tưởng tôn trọng gia súc, gia cầm, tư liệu sản xuất và các thành quả lao động. Con chó, con mèo, gà vịt, trâu bò đều có tên đẹp, không kém tên người. Không chỉ nói mồm, nhiều khi họ còn làm lễ đặt tên cho gia súc khi đến tuổi xỏ mũi. Khi dặn con cháu, người nhà không gọi là dắt con trâu ra mà là dắt con Vàng ra hoặc ông Điền ra, nghe thật thân thương như gọi thân quyến. Cùng thú nuôi, người dân cũng đặt tên cho đồ vật, cây cỏ, chim muông, hồ ao, sông núi, từng cánh đồng, từng con đường, ngã ba ngã bảy... quanh nhà. Khi đi xa, trở về làng nghĩ sắp qua cầu Chùa, tới gò Rùa, đồng Vòng thấy con đường tự nhiên ngắn lại.

Với tính vô tư, thoải mái dân quê thường không cố định trong việc gọi tên một vật. Cùng chỉ một thứ, mỗi người gọi nó bằng một tên khác nhau; tại các địa phương cũng vậy, chỗ này gọi là a, chỗ kia gọi là b. Một cây hoa nơi này gọi dành dành, nơi kia gọi nhài thái, bút ngọc, tố nữ, bạch thiên hương... Cách gọi tên có sự khác biệt như vậy là do đặc trưng về ngôn ngữ, tính cách, thói quen, công việc, vùng miền. Dù xấu dù đẹp, mỗi tên gọi đều chứa đựng những giá trị nhân văn cao cả cần giữ gìn.

Vậy tại sao dân quê lại có nhiều cách gọi và những cái tên như vậy bởi vì người dân nghĩ cái gì cũng hữu ích, cần nhớ để tiện cho công việc. Và muốn dễ nhớ, dễ nhận biết thì đặt tên, ví dụ trong nhà có nhiều thú nuôi, con thì lông đen, con thì lông nâu, đốm đỏ, đốm trắng... không thể nhớ hết đặc điểm của nó để gọi thì đặt cho nó một cái tên như con bống, con mun, con hồng, con tuyết... Đặt tên cũng là một phương pháp dạy trẻ. Muốn trẻ nhanh biết những đồ vật gì thì tốt nhất đặt tên cho nó và cái tên đó sẽ đi vào các trò chơi giúp trẻ thông minh.

Trong ca dao, tục ngữ thường nghe những câu: thằng vạc cầm vó đi câu, con nông chài lưới, con rô cấy cày... Tên con vật song thể hiện cho chính con người, cuộc sống của nông dân trong từng sinh hoạt, khi yêu khi ghét khi làm khi chơi. Và người dân đặt tên để những sự vật hiện tượng cùng những sinh hoạt văn hóa dễ đi lòng người, bám sâu khó phai. Những cái tên cũng góp phần định danh cho nhiều sản vật địa phương gồm cây thuốc, món ăn, trang phục, diện mạo, truyền thống làng xã... Nó đôi khi chỉ là sự ngẫu hứng của một cá nhân, tập thể sau đó trở thành tên của một sản phẩm đặc trưng một vùng. Lúc đầu, khi mới đặt tên, người dân chỉ nghĩ nói cho vui, song hằng ngày tên gọi ấy đã ăn vào trong nếp nghĩ thành danh. Tuy nhiên, nếu thấy nó chưa phù hợp hoặc mang nghĩa xấu, để tránh sự xúc xiểm..., người dân vẫn có thể đổi tên khác. Ngoài tên người, tên làng xã các đơn vị hành chính sự nghiệp được ghi chép rõ ràng, ở phần lớn sự vật hiện tượng, mọi người chỉ gọi cho quen miệng, chứ không ghi trên giấy tờ nên muốn thay đổi thế nào cũng được.

Có thể nói, mỗi cách đặt tên và tên gọi ở quê là sự kết tinh của trí tuệ, sự tóm lược một cách khôn ngoan của người nông dân khi khắc họa đời sống nông nghiệp, các sinh vật, các hiện tượng tự nhiên và kinh nghiệm sản xuất. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đồng áng và gia đình, những cái tên cũng giúp bảo lưu và phát huy những phong tục, tập quán, các công trình kiến trúc tâm linh, thờ tự lâu đời. Khi nghe một cái tên, du khách sẽ hiểu ngay cốt cách con người, nếp sống sinh hoạt, nghề nghiệp, đặc trưng của làng... và là những điểm nhận dạng về một vùng quê hương, nhắc đến là dâng trong lòng người tình cảm mến thương dào dạt.

Chu Mạnh Cường
(Phố Chợ Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội)

 

  • Từ khóa