Thứ 3, 21/05/2024, 22:37[GMT+7]

Nhìn lại việc thực hiện nếp sống văn hóa theo Quyết định số 02 của UBND tỉnh Tập trung khắc phục hạn chế

Thứ 4, 24/07/2013 | 14:55:11
1,140 lượt xem
Qua 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 02/2009/QÐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định thực hiện nếp sống văn hóa (NSVH) trên địa bàn, tỉnh ta đã đạt được những thành tựu cơ bản trên nhiều lĩnh vực.

Lễ hội Ðền Trần năm 2013 được tổ chức trang nghiêm, đúng quy định về thực hiện nếp sống văn hóa.

Ðến ngày 20/11/2012, UBND tỉnh có Quyết định số 17/2012/QÐ-UBND thay thế Quyết định số 02 với nhiều điểm mới. Nhìn lại việc thực hiện NSVH theo quy định tại Quyết định số 02 nhằm đánh giá những kết quả, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, từ đó làm rõ phương hướng, giải pháp để cán bộ, nhân dân toàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt hơn quy định về thực hiện NSVH theo Quyết định số 17 mới được triển khai.

 

Kết quả đạt được

 

Theo đồng chí Bùi Công Phượng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) Phó trưởng Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDÐK XD ÐSVH): Quy định về thực hiện NSVH kèm theo Quyết định số 02 được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện khá nghiêm túc, tạo thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới tiếp tục phát triển và đạt hiệu quả thiết thực, góp phần khẳng định chất lượng và chiều sâu của phong trào TDÐK XD ÐSVH.

 

Năm 2012, toàn tỉnh có 194 thôn, làng, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa, trong đó có nhiều huyện dẫn đầu như Vũ Thư công nhận được 52 thôn, tổ dân phố, Thành phố Thái Bình công nhận được 38 thôn, tổ dân phố, Hưng Hà công nhận được 29 thôn, tổ dân phố… Nhiều thôn, làng, tổ dân phố duy trì, phấn đấu bền bỉ nhiều năm liên tục được công nhận thôn, làng văn hóa như thôn An Lập, xã Tân Lễ (Hưng Hà), các thôn Giáo Thiện, Thượng Xá, An Ký Ðông, An Ký Trung, Ðịa Linh của Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ); khu I, khu II, khu V của Thị trấn Tiền Hải…

 

Tính đến thời điểm tháng 12/2012, toàn tỉnh có 1.149 lượt thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư được công nhận danh hiệu văn hóa và công nhận lại, đạt tỷ lệ 55,5%; 100% đơn vị trường học và cơ sở giáo dục đạt danh hiệu văn hóa. Năm 2012, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức bình xét 589 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 26,6%. Quỹ Vì người nghèo các cấp đã hỗ trợ xây dựng mới gần 200 nhà đại đoàn kết, các tổ chức thành viên hỗ trợ xây dựng, sửa chữa gần 100 nhà; duy trì hoạt động 2.047 tổ hòa giải ở cơ sở với 12.536 tổ viên. Công tác hòa giải được thực hiện tốt, đã tổ chức hòa giải 5.026/5.882 (85,4%) vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân…

 

Thực hiện Quyết định số 02, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, xây mộ và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực. Nghi thức lễ cưới, lễ tang được thực hiện trang trọng, văn minh, tiết kiệm, từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Công tác quản trang, xây mộ ở nhiều địa phương đi vào nền nếp, quy củ. Việc tổ chức lễ hội đều chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, bài trừ mê tín dị đoan. Ðặc biệt, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tại các thôn, tổ dân phố, khu dân cư đã trở thành nét đẹp văn hóa và là ngày hội của toàn dân, làm thắm đượm tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Phong trào phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng, đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được các cấp, các ngành, đoàn thể và địa phương quan tâm chỉ đạo, mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Hiện toàn tỉnh có 5 nhà văn hóa cấp tỉnh, 7 nhà văn hóa cấp huyện, 286 nhà văn hóa cấp xã, 1.330 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi ở mỗi cơ quan, đơn vị, phường, xã, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia.

 

 

Khắc phục hạn chế

 

Tuy đã đạt được nhiều kết quả, song việc triển khai quy định thực hiện NSVH trên địa bàn tỉnh còn chưa nghiêm túc, đồng đều dẫn đến chất lượng còn hạn chế. Công tác sơ kết, tổng kết, khảo sát, xét công nhận danh hiệu văn hóa của nhiều đơn vị chưa thường xuyên, nhiều chỉ tiêu của phong trào chưa đạt, số thôn, làng đạt danh hiệu văn hóa của nhiều huyện còn thấp, công tác thi đua, khen thưởng còn hạn chế - nhất là vấn đề về kinh phí; số người sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, xây cất mồ mả, tổ chức lễ hội nhiều nơi vẫn còn chưa nghiêm túc, công tác quy hoạch nghĩa trang chưa thực sự đi vào nền nếp...

 

Theo đồng chí Bùi Công Phượng, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế được nhận định: do công tác tuyên truyền quy định thực hiện NSVH trên địa bàn tỉnh chưa sâu rộng, chưa khai thác hết ưu thế, tác dụng của các kênh thông tin đại chúng. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo nhiều địa phương chưa thực sự coi trọng tầm quan trọng của phong trào; công tác kiểm tra, giám sát của các cấp chưa thường xuyên, năng lực lãnh đạo tổ chức thực hiện của ban chỉ đạo cơ sở còn hạn chế. Thực tế cùng một lúc tồn tại song song phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” dẫn đến sự phối hợp chỉ đạo chưa đồng bộ nên kết quả mang lại chưa cao. Sự đầu tư của Nhà nước cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

 

Ðể thực hiện tốt Quy định về thực hiện NSVH trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 17/2012/QÐ-UBND của UBND tỉnh, nhiệm vụ trước mắt cán bộ, nhân dân trong tỉnh cần tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém, trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ban, sở, ngành, đoàn thể, UBND các cấp, các cá nhân và tập thể có liên quan trong việc thực hiện quy định về NSVH; phổ biến, trang bị những kiến thức cần thiết về tiêu chuẩn, thẩm quyền, thời hạn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận và chế độ khen thưởng gia đình, thôn, làng, tổ dân phố, khu phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa tới các đối tượng có liên quan; kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo các cấp; đẩy mạnh và tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; các phong trào thi đua, các hoạt động nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy; thực hiện tốt công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích, quản lý hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; gắn kết chặt chẽ hơn nữa phong trào TDÐK XDÐSVH với chương trình xây dựng nông thôn mới theo phương châm: thực hiện NSVH là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài.

Bài, ảnh: Hà Dung

 

  • Từ khóa