Thứ 3, 21/05/2024, 02:43[GMT+7]

Để văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển

Thứ 5, 01/08/2013 | 14:44:33
8,311 lượt xem
Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được nâng lên rõ rệt. Vai trò của văn hóa ngày càng được thể hiện rõ trên mọi mặt của đời sống xã hội, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển

Đồng chí Đàm Văn Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giấy chứng nhận cho các tập thể đạt giải trong cuộc thi tìm hiểu “Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình làm theo lời Bác”. Ảnh: Ngọc Linh

Việc thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống; đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã đem lại những kết quả tích cực. Nhiều truyền thống tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy.

Các cuộc vận động, các phong trào như: “Xóa đói, giảm nghèo”; “Đền ơn đáp nghĩa”; khuyến học, khuyến tài; nhân đạo, từ thiện; giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật...đã lôi cuốn đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với trọng tâm là xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, thôn, làng, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa được triển khai sâu rộng. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Công  tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được tăng cường. Các lễ thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân gian độc đáo như: múa rối nước, múa hát chèo, hát ca trù, múa Ông Đùng, Bà Đà, lễ thức trình nghề ở hội đền La Vân, hội thi dệt chiếu Hới... được phục dựng, bảo tồn và phát triển.

Công tác đào tạo, lưu giữ, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống trong thế hệ trẻ được quan tâm. Hệ thống thư viện của tỉnh phát triển theo hướng đa dạng; một số địa phương đã hình thành những không gian đọc, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình, tủ sách hậu phương chiến sĩ… hoạt động hiệu quả, có tác dụng thiết thực và được cộng đồng đánh giá cao.

Sự nghiệp văn học - nghệ thuật có bước phát triển. Số lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật được công bố, đạt giải tăng. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng giáo dục, xây dựng con người mới của văn nghệ sĩ trong tỉnh được đông đảo công chúng đón nhận và đánh giá cao.

Sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo của tỉnh phát triển toàn diện theo hướng coi trọng cả dạy chữ, dạy người và dạy nghề. Hoạt động khoa học, công nghệ phát triển đồng bộ giữa nghiên cứu và ứng dụng. Hệ thống thông tin đại chúng phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, quảng bá mảnh đất, con người quê hương Thái Bình.

Chương trình “Văn hóa làng” của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã trở thành sân chơi bổ ích của nhân dân, qua đó phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương, cơ sở, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Nguồn lực đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa được tăng cường; một số thiết chế văn hóa trọng điểm của tỉnh và hệ thống nhà văn hóa xã, phường, thôn, tổ dân phố được đầu tư xây dựng. Việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã động viên, thu hút được sức người, sức của trong các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân.  Chính sách đào tạo, đãi ngộ đối với cán bộ văn hoá và đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng được chú trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, quá trình thực hiện Nghị quyết cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Sự phát triển của văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng, truyền thống; chưa đồng bộ với tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Một số giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp đang bị mai một; tệ “sùng ngoại”, chạy theo lối sống thực dụng, lai căng, tệ nạn xã hội vẫn đang diễn ra trong một bộ phận nhân dân, nhất là giới trẻ...

Chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chưa thật sự bền vững. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vẫn còn hạn chế. Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích lịch sử cách mạng còn bất cập. Một số cán bộ làm công tác văn hóa chuyên môn hạn chế, nhất là ở cơ sở. Còn thiếu những tác phẩm văn học nghệ thuật, những sản phẩm văn hóa, công trình văn hóa có giá trị xứng tầm với truyền thống, ngang tầm với thời đại để phục vụ công chúng.

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, yếu kém, trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) với mục tiêu phấn đấu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đạt kết quả rõ nét về xây dựng văn hóa, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để văn hóa thực sự thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, thành sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển, tạo tiền đề vững chắc để đến năm 2020 Thái Bình trở thành tỉnh nông thôn mới, có nền nông nghiệp và công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh cần tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo đối với lĩnh vực văn hóa. Tập trung ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ giáo dục nền tảng tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Hướng các hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người phát triển toàn diện, để văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách. Lên án mạnh mẽ và quyết tâm đẩy lùi các biểu hiện phản văn hóa; suy thoái đạo đức, lối sống; cái ác, cái xấu, cái tiêu cực, lạc hậu. Tích cực bảo vệ, khuyến khích, nhân rộng cái tốt, cái thiện, các giá trị nhân văn, thuần phong, mỹ tục trong đời sống xã hội.

Đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nhóm giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế; nhất là nhóm giải pháp về công tác chính trị tư tưởng đã được chỉ ra trong quá trình kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Quy định 1446-QĐ/TU, ngày 25/6/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thực hiện đồng bộ các mục tiêu phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình, nhà trường, cộng đồng.

Gắn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với các phong trào thi đua yêu nước và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn hóa; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực hiện bình đẳng giới, chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Tiếp tục đầu tư xây dựng, củng cố, hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống các nhà truyền thống, nhà lưu niệm, các công trình vui chơi, giải trí công cộng. Phát triển văn nghệ quần chúng và các loại hình câu lạc bộ văn hóa phù hợp với nhu cầu, đặc điểm của từng đối tượng.

Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, nhất là nghệ thuật múa rối nước và hát chèo truyền thống. Gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông. Động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật để có được nhiều tác phẩm đạt  giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật phục vụ nhu cầu xã hội.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và đấu tranh có hiệu quả trước mọi âm mưu thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Đầu tư và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển sự nghiệp văn hoá, đồng thời thực hiện tốt công tác xã hội hóa phát triển văn hóa. Xây dựng hoàn thiện tổ chức bộ máy, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh tới cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đàm Văn Vượng

(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

  • Từ khóa