Thứ 7, 23/11/2024, 15:12[GMT+7]

Thi sĩ Thái Bình và những cung bậc mùa xuân

Chủ nhật, 10/03/2024 | 14:25:12
17,410 lượt xem
Trong bốn mùa của một năm, mùa xuân luôn là mùa được thi ca nghệ thuật ưu ái, trở thành đề tài bất tận cho các thi nhân. Biết bao áng thơ ca đã được ra đời trước đất trời vào xuân càng làm cho sức xuân căng tràn nhựa sống.

Các nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mang đến xúc động cho người nghe bằng những sáng tác đặc sắc.

Dạt dào cảm xúc của nhà thơ - chiến sĩ

Là người chiến sĩ đã bước ra từ khói lửa chiến tranh, nhà thơ Lê Mạnh Hùng nay đã ngoài tuổi thất thập luôn có nhiều xúc cảm bồi hồi trước mỗi mùa xuân mới. Nhà thơ chia sẻ: Để có được những mùa xuân tươi đẹp như ngày hôm nay, có biết bao người con đã hy sinh tuổi xuân của mình cho đất nước để đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, tuổi trẻ của chúng tôi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Bác Hồ hăng hái cầm súng ra mặt trận, chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Đảng, Bác Hồ lúc nào cũng ngự trị trong trái tim những người lính, bởi vậy tôi viết nhiều bài thơ bày tỏ niềm tin yêu, kính trọng, tự hào về công ơn của Đảng, Bác Hồ.

Đối với nhà thơ Lê Mạnh Hùng, con đường đến với thơ ca tự nhiên như hơi thở của cuộc sống thường ngày. Thừa hưởng tình yêu thơ từ những lời ru ngọt ngào của mẹ thuở ấu thơ, khi trở thành người chiến sĩ, trên đường hành quân, ông luôn mang theo bên mình cuốn sổ nhỏ chép những bài thơ về cách mạng, về Bác Hồ, về quê hương, đất nước. Tác phẩm đầu tiên của ông gửi đến công chúng là bài thơ “Quê hương và mẹ”, “Xuân nay vẫn mẹ đi cùng” đăng trên Báo Thái Bình. Năm tháng đã trôi qua nhưng những trang báo ấy cho đến nay ông vẫn luôn trân trọng, giữ gìn như một kỷ vật thiêng liêng đánh dấu con đường trở thành một nhà thơ.

Nhắc chuyện cũ, kể chuyện mới qua những vần thơ xuân

Mỗi mùa xuân về đều khiến cho lòng người rạo rực trước sự thay đổi của đất trời, đối với các thi sĩ là rất nhiều cung bậc cảm xúc và niềm hân hoan khác nhau. Nhà thơ Phạm Hồng Oanh, hội viên trẻ tuổi nhất thuộc Hội Nhà văn Việt Nam ở chi hội Thái Bình, đồng thời là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết: Đất trời vào xuân, con người cũng rạo rực, tươi mới, trẻ trung hơn. Dường như trước mùa xuân mỗi chúng ta quên đi bận rộn, nhọc nhằn, tuổi tác, mà hướng về xuân, nghĩ về xuân với những điều trong trẻo, tốt lành hơn.

Dù đã có nhiều tác phẩm thơ xuất sắc gửi tới công chúng qua 3 tập thơ đều do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, trong đó 2 tập thơ đều lấy cảm hứng từ các mùa trong năm và được nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam nhưng đối với nhà thơ Phạm Hồng Oanh, bài thơ “Muối dưa” được cô viết 32 năm trước vẫn luôn là một kỷ niệm đẹp. Nhà thơ chia sẻ: Tôi viết bài thơ “Muối dưa” khi đang là sinh viên năm thứ ba của Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình. Cái tứ để viết bài thơ rất ngẫu nhiên, khi nghĩ về vại dưa tôi đã làm giúp mẹ rất kỳ công nhưng bị hỏng. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi điều trong cuộc sống nếu chỉ chút sơ suất thôi cũng có thể giống như vại dưa muối hỏng, xuất phát từ tứ đó tôi viết nhanh bài thơ “Muối dưa”. Bài thơ mang nhiều day dứt, trăn trở trước những thay đổi của con người, của thời gian.

Là một trong những hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhiều thành công trong năm 2023, nhà thơ Đặng Toán có 1 bản thảo đạt giải khuyến khích của Hội Nhà văn Việt Nam và sẽ xuất bản thành sách trong năm 2024. Các bài thơ đều hướng tới lứa tuổi thiếu nhi bởi “tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Nhà thơ Đặng Toán cho biết: Tôi viết theo những gì gần gũi nhất để cho các em, các cháu hướng tới cái đẹp, hướng tới những điều thân thuộc gần gũi nhất quanh mình, sau những tác phẩm thơ ấy có thể gửi gắm được một điều gì đó là đáng quý vô cùng. Qua những vần thơ, tôi hướng lứa tuổi thiếu nhi đến gia đình, thiên nhiên, cây cỏ xung quanh, muốn các em thêm hiểu, thêm trân trọng những mối quan hệ tình cảm tốt đẹp của gia đình, của bố mẹ, ông bà... đồng thời trân quý thiên nhiên cây cỏ, những điều tốt đẹp trong cuộc sống của mình.

Nhà thơ Nguyễn Ánh Tuyết, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh

Hiện nay, một lớp nhà thơ trẻ thường xuyên có tác phẩm được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, đạt giải thưởng của toàn quốc và đang được công chúng đón nhận là những điều đáng trân quý, góp tiếng nói hứa hẹn phong trào thơ từng bước được trẻ hóa. Các tác giả từ chuyên môn, thực lực của mình tạo nên sự phát triển vững chãi của thơ trong đời sống xã hội. Khí thế ấy mang đến cho chúng tôi sự tin tưởng, rất lạc quan về bước tiến tốt đẹp của thi ca Thái Bình trong thời gian tới.
Nhà thơ Đặng Thành Văn, Chi hội trưởng Chi hội văn học, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh

Trong bốn mùa của năm, các thi nhân có rất nhiều cảm hứng về mùa xuân, vì thế có nhiều tác phẩm viết về mùa xuân, mở ra trong lòng mình sự trẻ trung, tươi mới, nhiều hy vọng vào tương lai tốt đẹp đón đợi phía trước. Là thương bệnh binh mang trong mình nhiều di chứng của chiến tranh, 25 năm nay tôi đã sáng tác nhiều tác phẩm thơ ca ngợi Đảng, Bác Hồ và ca ngợi quê hương, đất nước vào xuân.


Nhà thơ Lại Tây Dương, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh

Đã có câu “Thiên địa tứ thời, xuân tại thủ” có nghĩa là “Trời đất có bốn mùa, mùa xuân đứng đầu tiên”. Tôi có rất nhiều bài thơ về mùa xuân như “Đón tết ở làng”, “Ngẫu hứng với mùa xuân”... Mỗi mùa xuân đều gợi cho tôi niềm cảm xúc hân hoan về các hội làng từ chạng vạng, hoàng hôn đến tàn canh, suốt sáng, những câu thơ, tiếng hát đã thấm đẫm vào tâm hồn tôi. Trải theo suốt năm tháng, tôi vẫn mang theo trong mình hành trang ấy.

TÚ ANH