Thứ 5, 23/01/2025, 01:08[GMT+7]

Lễ hội truyền thống đền Hai Bà Trưng: Tri ân hai vị nữ tướng anh hùng dân tộc

Thứ 7, 27/04/2024 | 09:37:24
20,771 lượt xem
Diễn ra từ ngày 18 - 21/3 âm lịch hàng năm, lễ hội truyền thống đền Hai Bà Trưng, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) là dịp tưởng nhớ, tri ân công đức hai vị nữ tướng anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị và các tướng lĩnh của hai bà đã có công lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược Đông Hán, giành độc lập dân tộc. Năm nay, trong lễ hội truyền thống có nghi thức lễ cấp thủy bao gồm rước bộ và rước thủy đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của các tầng lớp nhân dân.

Di tích đền Hai Bà Trưng được trùng tu tôn tạo khang trang đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của các tầng lớp nhân dân.

“Đòi nợ nước, trả thù nhà” 

Về thăm đền Hai Bà Trưng trong những ngày diễn ra lễ hội truyền thống, có dịp trò chuyện cùng những người trông coi đền nơi đây, chúng tôi thêm hiểu về những giai thoại gắn liền với cuộc đời của hai vị nữ tướng anh hùng dân tộc. 

Theo sử ký lưu truyền, Hai Bà Trưng là chị em sinh đôi, con gái của Lạc Tướng huyện Mê Linh, thuộc dòng dõi Hùng Vương. Trưng Trắc, Trưng Nhị sớm có tư chất thông minh, xinh đẹp, lại được cha mẹ truyền dạy binh thư, võ nghệ, lớn lên hai bà đều giỏi võ công, văn trị, giàu lòng yêu nước, thương dân. Năm 19 tuổi, bà Trưng Trắc kết hôn cùng ông Thi Sách, con trai Lạc tướng thành Chu Diên cũng là người tài giỏi, luôn mưu toan việc lớn, có ý chí tự lực tự cường dân tộc. Thời kỳ đó, đất nước ta bị nhà Hán đô hộ. Với chính sách thống trị vô cùng tàn bạo và các chế độ cống nạp hà khắc của nhà Hán, nhân dân ta phải sống lầm than, khổ cực. Trước cảnh nước mất, nhà tan, ông Thi Sách và bà Trưng Trắc đã lên kế hoạch đấu tranh chống lại sự thống trị tàn bạo của chính quyền phong kiến phương Bắc. Biết được điều đó, tên Thái thú Tô Định đã lập mưu kế hãm hại ông Thi Sách nhằm làm lung lạc ý chí của bà Trưng Trắc và tinh thần đấu tranh của nhân dân ta. Song, hành động tàn bạo của Tô Định không làm cho bà Trưng Trắc sờn lòng, trái lại càng làm cho bà thêm căm thù giặc và quyết tâm khởi nghĩa “đòi nợ nước, trả thù nhà”. Ngày mùng 6 tháng Giêng năm Canh Tý (năm 40, sau Công nguyên), Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trước non sông đất nước, bà Trưng Trắc đã dứt bỏ vành khăn tang chồng mà thề: “Một xin rửa sạch Quốc thù/Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng/Ba kẻo oan ức lòng chồng/Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.

Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, bà Trưng Trắc được tướng sĩ và nhân dân tôn lên ngôi vua, lấy hiệu là Trưng Vương, đóng đô tại Mê Linh, trở thành vị vua nữ đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Được tin bà Trưng Trắc xưng vương, vua Đông Hán vô cùng tức giận, lại cử Mã Viện đem 2 vạn quân chủ lực, 2 nghìn thuyền xe, không kể số quân chèo thuyền và phu chiến đi theo, tải lương phục dịch, kéo sang xâm lược nước ta. Qua một năm cầm cự với giặc, quân ta chiến đấu vô cùng anh dũng nhưng vì lực lượng hai bên quá chênh lệch, Hai Bà Trưng quyết chiến đến hơi thở cuối cùng, rồi gieo mình xuống dòng sông tuẫn tiết. Để tỏ lòng tri ân, tôn kính với công lao to lớn của Hai Bà Trưng, tại nhiều địa phương trên cả nước đã lập đền, miếu phụng thờ. 

Đền Hai Bà Trưng, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình). 

Bảo tồn lễ hội truyền thống 

Tại Thái Bình, nhân dân đã lập đền thờ Hai Bà Trưng cùng lục bộ nữ tướng tại mảnh đất linh thiêng giữa lòng thành phố. Bà Bùi Thị Hương, Chủ tịch UBND phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) cho biết: Đền thờ Hai Bà Trưng là ngôi đền thuộc quần thể cụm di tích đền Hai Bà Trưng - chùa Trung. 

Theo các tài liệu địa chí cổ, xưa kia khuôn viên đền có diện tích rộng, cổng đền có tắc môn trụ biểu, lối ra vào hai bên có đắp 2 con voi tượng trưng cho voi trận của Hai Bà, từ cổng đền vào có 1 ao nhỏ, tiếp đến là tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 3 gian, tòa hậu cung 3 gian, có 3 gian nhà khách, cảnh quan cây cối xanh tốt, thấp thoáng mái ngói rêu phong cổ kính. Trải qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử, chiến tranh, thiên nhiên tàn phá, khuôn viên của đền đã bị thu hẹp, hiện tại diện tích sử dụng chỉ còn 179,5m2. Với ý thức và trách nhiệm bảo tồn các giá trị di sản văn hóa lịch sử, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương thường xuyên quan tâm đầu tư tu sửa, tôn tạo di tích. Trong đó năm 2019, được sự đồng ý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Thái Bình và các cơ quan có thẩm quyền, UBND phường Đề Thám đã tôn tạo di tích với tổng mức đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. 

Hàng năm, lễ hội truyền thống đền Hai Bà Trưng được tổ chức nhằm ôn lại trang sử oanh liệt, hào hùng, truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc. Đồng thời, đây còn là dịp để mỗi người dân được thành kính dâng nén tâm nhang bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, tri ân công lao to lớn của Hai Bà Trưng, các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Ở tuổi ngoài 80, ông Tạ Đức Thụ (phường Đề Thám) đã 21 năm gắn bó, đảm nhận công việc trông coi đền Hai Bà Trưng. Ông chia sẻ: Không chỉ năm nay mà đã nhiều năm trong lễ hội truyền thống có tổ chức lễ rước với 3 kiệu, bao gồm kiệu vua, kiệu bát cống và kiệu võng. Năm nay, lễ rước diễn ra ngay sau nghi lễ dâng hương khai mạc lễ hội truyền thống vào sáng ngày 19/3 âm lịch. Lễ hội truyền thống là dịp đón tiếp rất đông nhân dân địa phương, các đoàn du khách thập phương về tham quan, tế lễ, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng văn hóa tâm linh của nhân dân. 

Với những giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử, năm 2005, UBND tỉnh cấp bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh cho đền Hai Bà Trưng. Mỗi dịp lễ hội truyền thống được tổ chức tại nơi đây sẽ là dịp để mỗi người dân có thêm hiểu biết về lịch sử hào hùng của dân tộc, thêm yêu quê hương, đất nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Từ đó góp phần quảng bá giá trị của di tích, đưa di tích trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. 

Tú Anh