Thứ 7, 23/11/2024, 15:33[GMT+7]

Hưng Hà. Làng văn hóa hùng Thắng - Thôn văn hóa cấp tỉnh

Thứ 3, 14/09/2010 | 15:51:16
3,737 lượt xem
Sau nhiều năm phấn đấu kiên trì với quyết tâm cao của chi bộ Đảng, Mặt trận và các đoàn thể trong thôn; nhất là sự ủng hộ rất cao của 170 hộ dân... năm 2003, Hùng Thắng vinh dự được UBND tỉnh công nhận “làng văn hóa cấp tỉnh”.

Cổng làng văn hóa Hùng Thắng.

Qua con đường bê tông, trước khu lưu niệm Bác Hồ ở xã Hồng An là một chiếc cổng làng hiện rõ dòng chữ “làng văn hóa Hùng Thắng”. Anh bạn đồng nghiệp ở Đài truyền hình lia ống kính vào con đường thẳng tắp, sạch sẽ... bấm máy. Còn tôi dạo bước trên con đường phẳng phiu ấy để vào thôn văn hóa cấp tỉnh.

 

Theo các cụ già ở Hùng Thắng kể lại thì đây và vùng đất cổ, với những trầm tích văn hóa lâu đời. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hùng Thắng là căn cứ địa cách mạng. Nhiều cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đơn vị bộ đội quân khu Tả ngạn (nay là Quân khu 3) đã đóng quân ở đây để chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích, bảo vệ xóm làng, giải phóng quê hương.

 

Ngày nay, Hùng Thắng đã thay da, đổi thịt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Thôn có 170 hộ, 700 nhân khẩu, quần tụ trên diện tích 60 ha đất tự nhiên. Chi bộ có 21 đảng viên, nhiều năm liền là chi bộ trong sạch vững mạnh, lãnh đạo các đoàn thể trong thôn đạt tiên tiến xuất sắc.

 

Từ một thôn có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng, Đảng ủy, UBND, UBMTTQ xã Hồng An đã chọn làm điểm xây dựng làng văn hóa; Chi bộ Đảng đã họp bàn và triển khai chủ trương xây dựng Hùng Thắng trở thành “Làng văn hóa” theo bốn tiêu chuẩn của QĐ 2080 (nay là QĐ02 của UBND tỉnh) để phát huy được sức mạnh truyền thống tốt đẹp của quê hương; quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế, xã hội.

 

Hùng Thắng có tiềm năng đất đai, người dân cần cù chịu khó, nhanh nhậy tiếp thu các loại cây, con giống mới có năng suất cao vào thâm canh đã hình thành vùng sản xuất chuyên màu cho thu nhập cao.

 

Phát triển mạnh mô hình trang trại gia trại, nên thu nhập bình quân đầu người đạt 7,8 triệu đồng, 730 kg thóc/người/năm 100% hộ đều xây nhà kiên cố và bán kiên cố; toàn thôn không còn hộ nhà tranh; trong đó 40% nhà kiên cố; các phương tiện thông tin nghe, nhìn phát triển mạnh. Đường làng, ngõ xóm đều được bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

 

Phong trào khuyến tài, khuyến học phát triển mạnh, nhiều dòng họ trong thôn đạt “dòng họ, gia đình văn hóa - hiếu học”. Mô hình ít con, tiến bộ hạnh phúc được lớp trẻ trong thôn tích cực hưởng ứng.

 

Lớp người già do được giao lưu học tập, có nhiều thông tin nên cũng không câu nệ việc bọn trẻ sinh con một bề hoặc phải có nhiều con cho  “đông đàn, ấm bụi” như xưa kia, Làng có quy ước văn hóa chặt chẽ trong xây dựng nếp sống văn minh, việc cưới, tang, xây cất mồ mả... được nhân dân thực hiện nghiêm túc tình làng, nghĩa xóm hòa quyện, mọi người thương yêu giúp đỡ nhau theo đúng nghĩa ngàn xưa “tối lửa tắt đèn có nhau”.

 

Sau nhiều năm phấn đấu kiên trì với quyết tâm cao của chi bộ Đảng, Mặt trận và các đoàn thể trong thôn; nhất là sự ủng hộ rất cao của 170 hộ dân... năm 2003, Hùng Thắng vinh dự được  UBND tỉnh công nhận “làng văn hóa cấp tỉnh”.

 

Tuy nhiên, như đồng chí bí thư chi bộ thôn Hùng Thắng tâm sự: “xây dựng làng văn hóa đã khó, bảo vệ giữ gìn lại càng khó hơn”. Vì, gần đây do kinh tế phát triển, mặt trái của cơ chế thị trường thâm nhập về nông thôn, văn hóa phương tây lén lút len lỏi về đã tác động vào ham muốn hưởng thụ của lớp thanh niên. Đó là nỗi lo của nhiều gia đình, làm bức xúc an ninh trật tự ở địa phương...

 

Hùng Thắng đang nỗ lực để bảo vệ  danh hiệu “làng văn hóa”. Hàng rào ngăn chặn sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vẫn là tấm phên dậu “lòng dân”. Chi bộ Đảng Hùng Thắng đang tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế và xây dựng nếp sống văn hóa trong từng gia  đình đảng viên đến quần chúng. Kiên quyết ngăn chặn các tệ nạn xã hội thâm nhập vào làng. Đó là ý chí quyết tâm của người dân Hùng Thắng.

 

PHẠM VIẾT THANH

  • Từ khóa