Thứ 2, 06/05/2024, 06:20[GMT+7]

Vườn thiền thơm đóa vô ưu

Chủ nhật, 01/09/2013 | 09:19:18
3,325 lượt xem
Trong cuộc sống bộn bề những lo toan, mệt nhọc, thật nhẹ lòng khi được náu mình dưới bóng mát, hương thơm của vườn chùa - nơi có vô vàn cỏ hoa xinh đẹp và là vị thuốc cứu người.

Bốn mùa trổ hoa, song đại nở rộ nhất vào dịp Phật đản.

Trong đạo Phật, hoa còn tượng trưng cho một phần thân thể Phật, vì thế ngoài ý nghĩa đem lại cảnh quan tươi sáng, không khí thơm tho, cũng có tác dụng tiêu trừ ma quỷ, xua tan mọi buồn đau, u uất cùng những thói quen tội lỗi mà con người hay mắc phải để tâm trí được minh mẫn, thanh thản có thể giác ngộ chân lý.

 

Mỗi chùa chiền ở nước ta thường có nhiều vườn hoa gắn liền với tích Phật. Thường thấy sáu loài hoa (còn gọi lục bông), được ghi trong sách kinh là hoa sen (hà hoa), hoa huệ (văn thù lan hoa), ngải tiên (hoàng khương hoa), đại (kê đản hoa), ngọc lan (hoàng miễn quế hoa), chuối vàng (địa dũng kim liên hoa). Ngoài ra là hoa mẫu đơn, hoa mộc liên, hoa ngọc nữ, hoa ngâu, hoa quế.... cũng là các linh hoa biểu trưng cho pháp thân, pháp lực và công đức Phật, cùng một lối sống tu hành giản dị song mang lại lợi ích to lớn cho muôn người.

 

Trong các loài hoa quen thuộc trên đất cằn có nét đẹp cổ xưa, phải kể đến hoa đại. Ðây là một cây tiểu mộc mọng nước, cao lấp ló mái chùa, thường đứng một mình nổi bật trong vườn thiền. Hoa đại hình hoa thị, năm cánh xốp, dày màu trắng, cũng có thể hồng, vàng hoặc đỏ trổ từng chùm lớn, thơm nức đầu cành. Ðại là cây sống dai và dễ mọc nhất, chỉ cần cắm cành xuống đất, vài hôm đã nảy chồi. Cây ưa nắng nóng nên mọc tốt khi trời ấm và sống đến ba, bốn trăm tuổi hoặc hơn. Càng sống lâu, cây càng cổ quái, thân nhánh sần sùi, tróc vảy, mỗi khi lá rụng để lại vô số sẹo.

 

Không như các cây hoa nở ít bữa, đại nở kéo dài hàng tháng, thậm chí quanh năm bông nở, bông rụng trắng mái chùa. Ðại cũng là cây sinh lực, cây bất tử vì khả năng mọc lại lá và hoa dù đã lìa cội. Nhiều người tin rằng khi trồng đại bên mộ phần, để hoa rơi xuống có thể giúp linh hồn thân quyến leo bám theo hương sống dậy. Cái tên đại vì thế được hiểu nôm na là sự lâu đời hoặc kế tục.

 

Ðại cũng là cây dược sư, mang tới sự sống giúp dân gian chữa nhiều thứ bệnh. Từ xưa, mọi người đã dùng lá cây giã nhỏ đắp lên chân tay chữa ung nhọt, thấp khớp... hay ngâm vỏ đại trong rượu uống chữa khó tiêu, huyết áp cao...; đun trà hoa đại uống trị kiết lỵ, ho, sốt,… Và đặt cạnh giường một bát nước thả mấy bông đại thơm cho tâm trạng nhẹ nhõm, ngủ ngon. Hoa đại được ví với thần tình yêu, sự dịu dàng và trinh trắng. Vì sắc hương bền lâu, hoa đại cũng biểu thị cho lòng chung thủy, nghĩa tình. Vào ngày cưới, người ta thường tặng cô dâu chú rể những vòng hoa đại đeo cổ hoặc rắc trên lối đi vào phòng tân hôn cầu chúc đôi trẻ hạnh phúc trọn đời.

 

Trong sáu thứ hoa thiêng cúng Phật, luôn có bông đại, ngoài ý nghĩa biểu lộ tấm lòng thành kính của dân gian đối với Ðức Phật thì các nhà sư còn muốn qua hương thơm, tiếng kinh cầu có thể vượt muôn không gian, thời gian gột rửa tâm hồn cho những người đang u mê lầm lỗi, đưa họ về với thiện giác.

 

Bốn mùa trổ hoa, song đại nở rộ nhất vào dịp Phật đản. Khi ấy khắp nơi ngập tràn trong màu hoa và hương đại lưu luyến. Phật tử, du khách đi chùa thường xin hoa hoặc một cành đại về trồng trong vườn nhà để quanh năm được hưởng phúc lành.

Giống như đại, ngọc lan cũng có hoa trắng, thơm dịu song thân cành lớn hơn, sum suê tỏa bóng. Cây có vượt nhanh khỏi nóc chùa tuy nhiên lại ra hoa sớm, chỉ cần cao độ đầu người đã nảy hoa. Lá cây có hình trứng mũi nhọn, mép gợn sóng màu xanh nõn chuối. Hoa trắng hoặc vàng. Hoa trắng còn gọi bạch ngọc lan, hoa vàng là hoàng ngọc lan, mọc đơn hoặc cụm vài bông giữa các kẽ lá, với tám đến 12 cánh, khi chưa nở giống những búp măng xinh xắn khi nở cánh xoăn tự nhiên như bàn tay chụm tay xòe. Ngọc lan nở hoa tứ kỳ song nhiều nhất vào hè. Bắt đầu từ một nụ xanh, bông lớn dần với màu xanh ngày một nhạt và cuối cùng   hóa trắng.

 

Hương ngọc lan cũng được ví với sự thanh khiết và lòng từ bi của người chân tu.

 

Thường ở các loài hoa, hương toát ra từ nhị song ở ngọc lan cả nhị và cánh đều thơm. Bông ngọc lan tuy không rực rỡ, lại nhỏ nhoi e ấp trong vòm lá, vậy mà hương ngất ngây tâm hồn. Giữa muôn vàn sắc hương vườn chùa, có thể chưa nhìn thấy hoa ngọc lan song mọi người đã ngửi thấy làn hương ngọt ngào đâu đó. Ði qua, ai nấy đều thấy bâng khuâng, muốn dừng chân hít hà hương thơm và nhón chân, ngước lên vòm xanh um tùm, để ý xem đâu có hoa có nụ. Từ xa xưa, dân gian đã xem ngọc lan là cây thiên hương, giúp trần gian liên lạc với tiên giới, nhờ mùi hương mạnh có thể bay thẳng đến thiên đình truyền tải những lời mong ước của muôn dân tới thượng đế. Vì thế, hoa ngọc lan thường được dùng làm tế phẩm dâng hương và các thanh đồng- ngọc nữ luôn dắt hoa cài đầu hoặc mang bên mình khi cầu cúng.

 

Hương ngọc lan cũng được ví với sự thanh khiết và lòng từ bi của người chân tu. Giống như hoa lặng lẽ gửi hương cho gió, lúc rời cành vẫn tỏa hương thơm ngát, người tu hành cũng có lối sống thanh cao, khiêm nhường, tuy không ganh đua với đời, song không lánh đời, mà ở trong đời, bằng việc tu nhân tích đức và lao động miệt mài cũng đóng góp không nhỏ công sức xây dựng đất nước đẹp giàu. Hoa ngọc lan do vậy được xem là một thứ quý giá như ngọc ngà, không có gì quý hơn, nếu có thì chỉ có hương thơm của trẻ sơ sinh vì theo sách y học xưa, hương thơm của trẻ như ngàn đóa ngọc lan.

 

Các chùa đều trồng ngọc lan cho không gian tĩnh lặng, linh thiêng bớt đi sự oi ả ngày hè. Nhiều cây hóa cổ thụ cao chót vót, cành nhánh lòa xòa phủ rợp tam quan, sân điện, ao chùa.

 

Rực rỡ nhất vườn chùa là hoa mẫu đơn, còn gọi hoa trang, hoa long thuyền. Cây cao lúp xúp, tán tròn, cành buông thấp la đà. Hoa nhỏ, khi là nụ hình hỏa tiễn, khi nở xòe bốn cánh như ngôi sao với một cuống đài đầy mật. Mẫu đơn thường đơm từng chùm, mỗi chùm hàng chục bông xinh xinh đầu cành. Có tới bảy loại mẫu đơn với bảy màu khác nhau, gồm đỏ, hồng, cam, vàng, xanh, trắng, đen nở bất kỳ, dù mưa hay nắng cứ có gió liền xao động thu hút vô số côn trùng.

 

Theo các áng thơ văn, hoa mẫu đơn là bà chúa của muôn hoa do hoa nở to, sặc sỡ và thơm mát. Riêng dân gian thường gọi đây là hoa tiên nữ, với mỗi màu hoa là hóa thân của một tiên nữ cai quản vườn trời. Mẫu đơn đã đi vào cổ tích Việt Namon> khi Phật giáo mới du nhập nước ta trong truyện Từ Thức gặp tiên, kể về một chàng trai vì lòng nhân hậu đã bỏ tiền chuộc thân cho một cô gái vì tội ngắt hoa mẫu đơn vườn chùa mà bị bắt, trói cột. Chàng sau đó được nàng dẫn tới một nơi cảnh đẹp như tranh, say mê cảnh sắc chàng ở đó vài ngày, khi về thì mọi thứ ở quê hương đã thay đổi hẳn. Không ai còn nhận ra chàng. Từ Thức ngộ ra mình đã gặp tiên, nơi chàng đến là động thiên thai và giờ thời gian đã trôi được 300 năm lẻ.

 

Vì có màu sắc rực rỡ, nở liên tục, không kể ngày đêm, nhất là các ngày hội vui của nhà Phật lôi cuốn bao người, mẫu đơn thường được xem là biểu tượng của niềm hoan hỷ sự tái hợp và nhân duyên. Trong Phật giáo, mẫu đơn còn biểu thị cho sự vô ưu, tức không buồn đau, lo nghĩ đồng nghĩa với ngọn lửa đốt cháy mọi tham lam mê muội. Nụ hoa được ví như trái tim kim cương tỏa sáng trong mọi màn đêm. Và đóa hoa với vô số bông đếm không xuể là biểu hiện của tuổi thọ và trí tuệ vô lượng.

 

Các chùa thường trồng mẫu đơn ở cổng và lối vào Phật điện để mong đó sẽ như một cánh cửa dẫn muôn người tới cõi Niết bàn. Ngoài vẻ đẹp tươi sáng, dịu hương mẫu đơn còn là cây thuốc chữa trị hiệu quả nhiều bệnh. Theo đông y, cây có vị đắng hơi ngọt, tính mát. Khi dùng lá, hoa tươi giã đắp hoặc sắc uống có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết cầm máu, trị đau đầu, ho đờm...

 

Bài, ảnh: Chu Mạnh Cường

(Phố Chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Ðống Ða, Hà Nội

 

  • Từ khóa