Thứ 2, 06/05/2024, 08:54[GMT+7]

Về thăm khu căn cứ cách mạng Thần Ðầu

Chủ nhật, 01/09/2013 | 20:35:29
2,361 lượt xem
Trong không khí hào hùng của những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi về xã anh hùng Thái Tân. Nơi đây là vùng căn cứ cách mạng Thần Đầu thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và là một trong những địa phương đi đầu tham gia khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong cao trào cách mạng 1944 - 1945 của huyện Thái Ninh cũ (Thái Thụy ngày nay).

Đình Nam, làng Thần Đầu - nơi hoạt động tuyên truyền cách mạng, trụ sở làm việc của chính quyền cách mạng chiến khu D (khu 3 tổng Thần Huống - Tân Bồi - Lễ Thần)

Theo lịch sử Đảng bộ xã, Thái Tân ngày nay gồm 2 xã Thần Đầu và Phú Uyên thuộc tổng Thần Huống, huyện Thái Ninh xưa, là địa phương có truyền thống yêu nước. Ngay từ năm 1929, trong xã có tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Đến năm 1930, Chi bộ đảng được thành lập do đồng chí Vũ Văn Vịnh làm Bí thư tích cực tuyên truyền, vận động giác ngộ quần chúng đứng lên đấu tranh chống thực dân phong kiến và cường hào áp bức ở địa phương.

 

Ngày 1/5/1930, Chi bộ tổ chức treo cờ búa liềm tại chợ Tây, chợ Gạch, chợ Cổng, đình Chỉ và rải truyền đơn dọc đường 39. Cũng trong ngày này, Chi bộ tổ chức cuộc mít tinh tuyên truyền tôn chỉ, mục đích của Đảng đúng phiên chợ Tây  gây được ảnh hưởng lớn và tiếng vang khắp vùng Nam Thái Ninh, nhiều quần chúng càng tin đi theo Đảng và cách mạng. Tháng 6/1930, Chi bộ tiếp tục lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi khất thuế và chữa cống 44 (Thần Huống) do hư hỏng, nước mặn tràn vào đồng làm mùa màng thất bát, cuộc đấu tranh kéo dài đến cuối năm 1931 giành thắng lợi.

 

Cùng với những hoạt động đấu tranh giành quyền lợi kinh tế, Chi bộ chú trọng tuyên truyền, phát triển và xây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng, đặc biệt trong nông dân và thanh niên. Tổ chức Nông hội đỏ ở Thần Đầu - Phú Uyên phát triển mạnh, chỉ trong thời gian ngắn đã kết nạp trên 30 hội viên, trở thành lực lượng nòng cốt trong các cuộc đấu tranh của quần chúng. Cuối năm 1931 trở đi, thực dân Pháp ra sức khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng cả nước nhưng cơ sở đảng ở Thần Đầu vẫn tồn tại và hoạt động.

 

Đầu năm 1932, đồng chí Nguyễn Thế Long, một đảng viên cộng sản sau khi vượt ngục trở về vùng Thái Ninh đã triệu tập một cuộc họp tại nhà đồng chí Vũ Văn Vịnh (Thần Đầu) và quyết nghị một số vấn đề quan trọng gồm: phân công cán bộ, đảng viên chắp lại mối, củng cố lại các cơ sở cách mạng, nhất là các chi bộ đảng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng cách rải truyền đơn và xuất bản báo; cử Ban Tỉnh ủy lâm thời gồm 6 đồng chí. Sau hội nghị này, Nghị quyết của Tỉnh ủy lâm thời được triển khai thực hiện khẩn trương. Thần Đầu trở thành nơi in ấn truyền đơn, báo của tỉnh sau đó phân phát về các địa phương khác. Giai đoạn từ năm 1932 đến năm 1939, mặc dù tình hình có nhiều biến động, nhiều đảng viên bị địch bắt tù đày nhưng phong trào cách mạng ở Thần Đầu vẫn có những hoạt động tích cực, tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh giữ bãi biển Tân Bồi (1938 - 1939).

 

Giữa năm 1940, đồng chí Giang Đức Tuệ về Vũ Biên xây dựng cơ sở cách mạng, tập hợp thanh niên ở Vũ Biên, Thần Đầu và các vùng phụ cận dưới danh nghĩa luyện tập võ bảo vệ xóm làng để tuyên truyền, giáo dục giác ngộ, tổ chức các hoạt động cách mạng. Sau đó, những thanh niên ưu tú, dũng cảm được lựa chọn để thành lập đội tự vệ. Hàng ngày, ngoài sản xuất trên đồng ruộng, những đội viên tự vệ sắm giáo mác, rèn gươm đao tích cực luyện tập, nghe giảng đường lối, chủ trương của Đảng. Càng về sau, chương trình huấn luyện càng được nâng cao theo hướng quân sự hóa, tạo được khí thế sôi nổi, cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng và đội tự vệ tiếp tục duy trì hoạt động đến Cách mạng Tháng Tám.

 

Trung tuần tháng 8/1945, khí thế cách mạng của quần chúng sôi sục khắp nơi, đặc biệt sau khi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Thái Ninh  thắng lợi vào ngày 18/8/1945, ngay tối hôm đó hàng nghìn quần chúng nhân dân thuộc các làng khu 3 tổng (Thần Huống, Tân Bồi, Lễ Thần) đã tập trung ở Gồ Voi - Vũ Biên làm lễ tế cờ, phân công lực lượng chuẩn bị vũ khí: giáo, mác, gậy gộc, may cờ và tổ chức lực lượng bảo vệ cuộc mít tinh vào sáng ngày hôm sau. Sáng ngày 20/8/1945, hàng nghìn người dân cùng lực lượng tự vệ kéo về Gồ Voi dự mít tinh, nghe đồng chí Giang Đức Tuệ diễn thuyết kêu gọi quần chúng đứng lên đập tan chính quyền tay sai Nhật - Pháp, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời khu 3 tổng do đồng chí Giang Đức Tuệ làm Chủ tịch. Đình Namon> của Thần Đầu được lấy làm trụ sở của Ủy ban cách mạng lâm thời.

 

Chúng tôi đến thăm cụ Vũ Minh Đãng (thôn Minh Thành), một trong những người chứng kiến khí thế sôi sục giành chính quyền của nhân dân 3 tổng những ngày tháng 8/1945. Năm nay dù đã 86 tuổi nhưng khi nhớ lại chuyện xưa, giọng cụ đầy hào sảng: “Người dân Thần Đầu xưa kia đói khổ, bị áp bức bóc lột đến cùng cực nên khi có cán bộ về giác ngộ cách mạng nhiều người tin và làm theo ngay. Ban đầu, mọi người còn hoạt động bí mật, càng về sau đấu tranh trực diện, công khai với phong kiến, thực dân, tay sai. Đám trai làng chúng tôi nghe đến giải phóng dân tộc trong lòng rạo rực lắm, chỉ muốn cầm gươm, cầm giáo lao vào đồn Tây chiến đấu. Ngày diễn ra cuộc mít tinh, biểu tình giành chính quyền, tôi đã 17 tuổi, tham gia trong đoàn và chưa bao giờ thấy gia, trẻ, gái, trai trong làng, cả xã vùng dậy hăng hái như vậy, đi đến đâu đám tay sai khiếp đảm đến đó không dám chống cự. Lòng dân nghìn người như một, cách mạng tất yếu sẽ thành công”.

 

Cũng tâm trạng bồi hồi không kém gì cụ Đãng, cụ Nguyễn Đình Huynh (sinh năm 1922), nguyên là du kích, Xã đội trưởng kể cho chúng tôi nghe tên những người tham gia kháng chiến cùng với mình. Cụ bảo: “Đến nay, những nhân chứng lịch sử đã mất gần hết rồi nhưng Cách mạng Tháng Tám thắng lợi là đỉnh cao của cuộc đấu tranh gian khổ, đầy hy sinh nhưng cũng vô cùng anh dũng và vẻ vang của dân tộc ta. Xưa kia, nơi đây toàn “nhà rách, vách đổ”, người dân phải chịu cảnh xiềng xích “một cổ hai tròng” mà nay thấy con cháu mình được làm chủ đất nước, cuộc sống sướng gấp trăm, gấp vạn lần, tôi thấy vô cùng tự hào”.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Thái Tân bắt tay vào thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, xây dựng “làng kháng chiến” kiểu mẫu. Nơi đây trở thành khu căn cứ nổi tiếng về đánh giặc giữ làng, chống trả các trận càn quét lớn nhỏ của địch. Lịch sử Đảng bộ xã đã ghi: “Trong kháng chiến chống Pháp, toàn xã có 10% dân số tham gia quân đội, 32% tham gia dân quân du kích, 71 liệt sĩ, 32 thương binh. Quân và dân địa phương đã phối hợp với các đơn vị bộ đội chiến đấu trên 60 trận, tiêu diệt bắt sống 240 tên địch, phá hủy 116 và thu 46 súng các loại, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan, đơn vị đóng quân tại địa phương”. Với những thành tích đặc biệt đó, năm 2004 xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khu căn cứ du kích Thần Đầu - Thần Huống được công nhận là di tích lịch sử cách mạng.

 

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Xuân Trường cho biết: Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thái Tân tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho người dân. Xã huy động các nguồn lực hỗ trợ, vận động nhân dân  góp công, góp của hoàn thành dồn điền đổi thửa từ cuối năm 2011, cứng hóa gần 100% đường giao thông thôn xóm, 9 km kênh mương nội đồng, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng.

 

Đến nay, Thái Tân đã đạt 14 tiêu chí nông thôn mới. Người dân cũng tích cực tham gia xây dựng cánh đồng mẫu, trồng màu, cây vụ đông, xây dựng trang trại, gia trại đưa thu nhập bình quân đạt trên 20 triệu đồng/người/năm. Trong năm nay, địa phương sẽ hoàn thiện xây dựng 1 đơn nguyên Trường Mầm non, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,8%, sau đó thực hiện 3 tiêu chí còn lại, phấn đấu hết năm 2014 sẽ về đích trong xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

  • Từ khóa