Chủ nhật, 28/07/2024, 17:12[GMT+7]

Vũ Thư Xã hội hóa các hoạt động văn hóa - thể thao

Thứ 4, 15/09/2010 | 14:12:30
3,412 lượt xem
Chủ trương của Đảng và Nhà nước xã hội hóa các hoạt động văn hóa - thể thao được thực hiện rộng khắp 30 xã, thị trấn huyện Vũ Thư như một luồng sinh khí mới.

Tiết mục văn nghệ của thiếu nhi Vũ Thư. Ảnh: Thành Tâm

Phong trào đã mang lại hiệu quả xã hội thiết thực huy động sự tham gia tự nguyện, thường xuyên, chủ động của các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân phát huy khả năng sáng tạo, xây dựng, tự quản và thụ hưởng văn hóa - thể thao, được thể hiện rõ nét trong lĩnh vực bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống.  Huyện Vũ Thư có 60 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 14 di tích cấp quốc gia. Các di tích là nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng, lưu truyền các giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần giáo dục thế hệ trẻ.

Các di tích trên đều được trích lược nội dung lịch sử, do học sinh các nhà trường nhận chăm sóc, bảo vệ - Đây cũng là một trong những nội dung thi đua thực hiện phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực’’. Hàng năm, toàn huyện có 197 lễ hội được tổ chức. Do làm tốt công tác xã hội hóa nên công tác tổ chức lễ hội bảo đảm đúng quy chế với nhiều hình thức phong phú. Nhiều lễ hội có sự hấp dẫn đặc biệt như lễ hội chùa Keo.

Bình quân hàng năm, ngân sách tỉnh và huyện đầu tư tu bổ, bảo tồn từ 200-300 triệu đồng. Riêng năm 2009, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đầu tư 5 tỷ đồng tu bổ di tích đền Thượng (Hồng Lý) và chùa Phúc Thắng (Song Lãng), tỉnh đầu tư 1,7 tỷ đồng dự án cải tạo nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Tân Hòa.

Ngoài ra, nhân dân đóng góp gần chục tỷ đồng cải tạo, chống xuống cấp hàng chục di tích. Chùa Keo được Công ty giầy Bình Dương tài trợ hàng tỷ đồng làm sân. Các hoạt động văn hóa dân gian nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống được nhân dân quan tâm. Vũ Thư có 95 đội văn nghệ, 196 loại hình câu lạc bộ. Nhân dân tự trang bị  mua sắm tăng âm, loa đài, trang phục, tự tổ chức luyện tập các tiết mục “cây nhà, lá vườn”.

Năm 2009, Vũ Thư đã tổ chức 298 cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng, 217 buổi sinh hoạt các loại hình câu lạc bộ. 6 tháng 2010, có 27/30 xã, thị trấn tham gia liên hoan nghệ thuật các nhà văn hóa thôn làng, 6 đơn vị phía bắc tham gia liên hoan văn hóa dân gian và tổ chức 6 buổi biểu diễn phục vụ lễ hội các xã. Các tiết mục có nội dung phong phú ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc được chuyển tải bằng các làn điệu dân ca mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. 

Thực tiễn phong phú trong cuộc sống là nguồn nhựa sống và cảm xúc vô tận để các câu lạc bộ thơ ca của các xã phát triển. Đây cũng là loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần phong phú, sáng tạo của nhân dân. Câu lạc bộ thơ của huyện và các xã Minh Lãng, Dũng Nghĩa, Hòa Bình, Thị trấn đã tuyển chọn, tự túc kinh phí phát hành nhiều tập thơ.

Việc xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm: Toàn huyện có 40 nhà văn hóa thôn làng xây mới, 83 nhà văn hóa cải tạo, nâng cấp phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân.

Phần xây dựng cơ bản chủ yếu do ngân sách xã đầu tư, còn lại toàn bộ phần mua sắm trang thiết bị bàn ghế, tăng âm, loa đài, trang trí... do nhân dân đóng góp hàng trăm tỷ đồng. Phong trào đọc sách báo, duy trì hoạt động thư viện thu hút đông đảo thanh thiếu niên, học sinh. Toàn huyện có 3 thư viện, 15 trạm sách. Trong năm thư viện huyện bổ sung 26 loại báo, tạp chí, luân chuyển 15.596 lượt sách báo cho trên 6000 lượt bạn đọc. Vào dịp hè hàng năm, huyện đều tổ chức thành công hội thi kể chuyện sách cho thiếu nhi.

Phong trào thể dục, thể thao quần chúng trở thành nhu cầu hàng ngày của nhiều người dân. Đây là lĩnh vực được xã hội hóa mạnh nhất. Trung bình mỗi xã, thị trấn tổ chức 5 giải thể thao/năm. Trên địa bàn huyện có 71 sân bóng đá, 65 sân bóng chuyền, 90 sân cầu lông, 77 bàn bóng bàn, 4 bể bơi phục vụ tập luyện, thi đấu. Toàn bộ kinh phí mua dụng cụ, làm sân do nhân dân đóng góp.

Theo thống kê của ngành chuyên môn có 25% cá nhân và 16% hộ gia đình tham gia tập luyện thể thao thường xuyên các môn theo sở thích và lứa tuổi như đi bộ, tập thái cực trường sinh đạo, taekwondo... 6 tháng đầu năm 2010, huyện tổ chức giải bóng đá thiếu niên nhi đồng 6 cụm trường tiểu học, THCS tham gia;  giải việt dã 27/30 xã, thị trấn tham gia. Tại giải vô địch vật tự do toàn tỉnh, Vũ Thư giành 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc.

Các cuộc thi đấu thể thao ở huyện, tỉnh đều có sự đóng góp rất lớn vật chất, tinh thần của cộng đồng, gia đình, tổ chức xã hội, thu hút sự quan tâm của hội đồng hương tài trợ. Hàng năm, kinh phí do nhân dân đóng góp lĩnh vực thể thao lên tới hàng tỷ đồng, gấp nhiều lần so với kinh phí nhà nước đầu tư.

Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân phát huy khả năng sáng tạo và thụ hưởng văn hóa. Đây chính là động lực và sức mạnh nội sinh để  phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngành văn hóa & thông tin huyện tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền thu hút các thành phần kinh tế và mọi tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp vào các hoạt động văn hóa thông tin - thể thao.

Phấn đấu đạt 50% nguồn thu từ cung ứng dịch vụ đối với các hoạt động sự nghiệp văn hóa theo Nghị định số 10/NDD-CP của Chính phủ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về chủ trương xã hội hóa Kiện toàn ban chỉ đạo xã hội hóa cơ sở. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, phát hiện, biểu dương gương điển hình tiên tiến để nhân ra diện rộng. Đưa tiêu chí xã hội hóa vào đánh giá kết quả thi đua khen thưởng hàng năm với các đơn vị.

P.V

  • Từ khóa