Thứ 7, 23/11/2024, 19:47[GMT+7]

Đặc sắc lễ hội văn hóa Ðình Hiệp Lực

Thứ 2, 16/09/2013 | 09:15:29
3,988 lượt xem
Là mảnh đất giàu truyền thống, chứa đựng nhiều di sản văn hóa đặc sắc, xã An Khê (Quỳnh Phụ) được du khách thập phương biết đến và tìm về không chỉ bởi có lễ hội Lộng Khê với cây đình liệu nổi tiếng, mà còn có lễ hội Ðình Hiệp Lực mang nhiều ý nghĩa, được người dân và du khách háo hức, mong chờ.

Biểu diễn văn nghệ tại lễ hội Ðình Hiệp Lực (xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ).

Về An Khê (Quỳnh Phụ) trước ngày diễn ra lễ hội văn hóa truyền thống Ðình Hiệp Lực (từ ngày 10 đến ngày 12/8 năm Quý Tỵ, tức từ ngày 14 đến ngày 16/9/2013) thấy không khí nơi đây thật rộn rã. Các gia đình tự nguyện đóng góp nhân lực, vật lực, tham gia dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, làm cổng chào, trang trí khánh tiết, luyện tập văn nghệ thể thao và các nghi thức chuẩn bị cho lễ hội. Từ già trẻ, gái trai, ai ai cũng biểu lộ niềm vui háo hức...

Xã An Khê có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi bởi ở ven triền hai con sông Luộc và sông Hóa, giáp ranh với tỉnh Hải Dương và Thành phố Hải Phòng. Xã có làng Hiệp Lực, còn gọi là làng Nhẩy, tên chữ là Ðông Lực trang, là địa danh gắn liền với tiến trình lịch sử trị thủy, khai hoang, mở ấp và cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng buổi đầu Công nguyên. Ðời này qua đời khác, người dân trong vùng lưu truyền câu chuyện người con làng Hiệp Lực là Tướng quân Lê Ðô - người có công chiêu mộ anh hùng hào kiệt, trai tráng trong vùng chiêu binh tụ nghĩa, tích trữ lương thực, rèn luyện võ nghệ, theo Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi quân Hán, thoát khỏi ách đô hộ của giặc phương Bắc.

Không chỉ là người con trung hiếu vẹn toàn, là tấm gương giáo dục về nhân cách và đạo đức cho thế hệ hôm nay và mai sau của quê hương, Tướng quân Lê Ðô còn là người có công dạy dân cấy lúa, chăn tằm, ươm tơ dệt lụa, gây dựng cuộc sống ấm no cho dân chúng trong vùng nên được dân làng tôn là Thành hoàng. Sau khi ông mất, tưởng nhớ tài cao, đức trọng của ông, nghĩa quân và người dân Ðông Lực trang lập đền thờ, tưởng niệm ông. Hiện nơi thờ ông tại hậu cung Ðình Hiệp Lực. Ðã thành truyền thống hàng năm lễ hội Ðình Hiệp Lực được khai hội vào dịp kỷ niệm ngày sinh của vị Thành hoàng - Tướng quân Lê Ðô.

Di tích Ðình Hiệp Lực uy nghi, hoành tráng với kiểu kiến trúc cổ tiền nhất hậu đinh, gồm ba tòa: đại bái, đệ nhị và hậu cung, thềm hiên được lát đá phiến khối lớn màu xanh. Qua năm tháng cùng những biến thiên của lịch sử, Ðình Hiệp Lực đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Những năm gần đây, nhân dân An Khê nói chung và dân làng Hiệp Lực nói riêng đã đồng tâm, hợp lực góp công, góp của tôn tạo và xây dựng khuôn viên khu di tích vừa mang tính hiện đại, vừa thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngày 30/10/1990, di tích Ðình Hiệp Lực vinh dự được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Lễ hội Ðình Hiệp Lực được tổ chức thường niên trong 3 ngày, từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 8 âm lịch hàng năm. Cũng như nhiều lễ hội vùng Ðồng bằng Bắc Bộ, lễ hội Ðình Hiệp Lực có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có: rước kiệu, tế, lễ, dâng hương và các nghi lễ khác. Phần hội gồm có biểu diễn văn nghệ, múa tứ linh, bát dật và các trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc của địa phương như chọi gà, đập niêu, đu cần, đánh cờ tướng, kéo co...

Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã Lê Ðắc Vụ, công tác chuẩn bị lễ hội được cán bộ và nhân dân trong xã quan tâm, thực hiện chu đáo. Ðến nay đã có 9 đoàn tế nam quan, nữ quan các địa phương đăng ký tham gia. Chương trình văn nghệ cũng phong phú hơn với phần biểu diễn của đội văn nghệ Trung tâm Văn hóa huyện Quỳnh Phụ và huyện Ninh Giang (Hải Dương), thôn Lộng Khê, Hội Người cao tuổi và Trường Mầm non xã... Ðặc biệt, lần đầu tiên tại lễ hội sẽ ra mắt đội múa bát dật - điệu múa truyền thống đặc sắc của làng Hiệp Lực mới được khôi phục.

Ngoài ra, lễ hội Ðình Hiệp Lực năm nay sẽ thêm ý nghĩa và hấp dẫn hơn mọi năm bởi được các cấp có thẩm quyền cho phép, Ban tổ chức lễ hội phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức triển lãm giới thiệu tranh, ảnh chủ đề Bác Hồ, biển đảo Việt Nam, Ðại tướng Hoàng Văn Thái. Ðồng thời trưng bày, giới thiệu các tài liệu, hình ảnh về Di tích lịch sử văn hóa Ðình Hiệp Lực và nông thôn Hiệp Lực trên bước đường đổi mới.

Lễ hội Ðình Hiệp Lực được lưu truyền, duy trì tổ chức hàng năm không chỉ khơi dậy và bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống của địa phương mà còn mang ý nghĩa tâm linh cầu cho mưa thuận, gió hòa, dân khang, vật thịnh. Ðồng thời lễ hội là dịp để người dân trong vùng tưởng nhớ Tướng quân Lê Ðô - người con quê hương đã có công lớn tham gia chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi; nhắc nhớ về truyền thống mảnh đất, con người nơi đây một thời nuôi chí anh hùng, theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc.

Xác định rõ tầm quan trọng của việc tổ chức thành công lễ hội truyền thống Ðình Hiệp Lực sẽ là niềm cổ vũ, động viên nhân dân trong xã nói chung, nhân dân làng Hiệp Lực nói riêng trên bước đường giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng, phát triển quê hương, những ngày qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Khê chú trọng công tác chuẩn bị, tuyên truyền quảng bá về lễ hội, đồng thời tăng cường các biện pháp giữ gìn an ninh trật tự. Tôn trọng và tạo điều kiện tự do tín ngưỡng cho nhân dân song An Khê cũng chú trọng đấu tranh, ngăn chặn và bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan, tai tệ nạn xã hội, bảo đảm cho lễ hội Ðình Hiệp Lực diễn ra an toàn, tiết kiệm, đúng theo quy định thực hiện nếp sống văn hóa, góp phần giữ mãi nét đẹp cổ truyền đậm đà bản sắc dân tộc.

Bài, ảnh: Hà Dung

  • Từ khóa