Thứ 4, 01/05/2024, 15:28[GMT+7]

Rộn ràng tiếng trống Trung thu

Thứ 5, 19/09/2013 | 08:35:32
4,006 lượt xem
Đêm làng quê đang yên ả, lặng lẽ, bất chợt từng hồi trống vang lên phá tan bầu không gian tĩnh lặng. Tiếng trống báo hiệu tháng 8 đã về và ngày Tết Trung thu sắp đến. Những âm thanh rộn ràng của tiếng trống gợi cho tôi nhớ về một miền ký ức xa xôi, một thời tuổi thơ với nhiều cảm xúc lắng đọng.

Rước ảnh Bác Hồ tại Hội trại Trung thu năm 2013 ở xã Thụy Văn (Thái Thụy). Ảnh: Ngọc Linh

Nhớ dạo ấy, trước ngày rằm Trung thu khoảng chừng một tháng, ở khắp thôn, xóm quê tôi thường tổ chức tập văn nghệ và mỗi khi nghe thấy tiếng trống là mọi người lại "í ới" rủ nhau đi xem. Tiếng trống báo hiệu cho chúng tôi biết buổi tập văn nghệ sắp bắt đầu. Hớn hở, tôi cùng lũ trẻ gần nhà lôi chiếc đèn "tự chế” làm bằng vỏ bưởi được gắn với nhau bởi những chiếc que nhỏ, trên thân vỏ có khoét lỗ hình tròn, hình sao ra ngắm nghía, sửa sang. Mỗi khi đèn được tiếp lửa, ánh sáng lung linh phát ra, trông thật vui mắt. Ngoài đèn ông sao, đèn làm bằng vỏ bưởi, mấy đứa trẻ khác quanh xóm lại chế đèn từ những chiếc chai bằng nhựa được buộc dây dài và có tay cầm.

Ở quê thời ấy chưa có điện đường như bây giờ, chỉ có ánh sáng của những con đom đóm bay đêm nên ánh sáng lập lòe từ những chiếc đèn tựa như ánh hoa đăng trong mắt trẻ thơ chúng tôi. Từng tốp, từng tốp, cả người lớn và trẻ em, ai ai cũng hớn hở và nô nức như đi trẩy hội, kéo nhau đến nơi tập văn nghệ để xem múa hát. Những tiếng cười, tiếng trò chuyện, tiếng réo gọi làm huyên náo cả một vùng quê thanh bình.

Buổi tập văn nghệ thường bắt đầu từ khoảng 7 giờ 30 tối, bởi khi ấy mọi công việc nhà ở các gia đình mới hoàn tất. Như thường lệ, các cô phụ trách điểm danh từng em để phân công và sắp xếp các tiết mục múa chọn dự thi trong ngày hội đêm rằm. Thời ấy, không có laptop hay máy nghe nhạc nên cô phụ trách thường phải học thuộc bài hát và bắt nhịp cho các em múa theo kiểu "hát chay". Lũ trẻ quê chúng tôi cũng nhút nhát, hay e dè, xấu hổ chứ không bạo dạn như các em nhỏ thời nay nên cô phụ trách và các anh chị thanh niên trong xóm thường xuyên phải dỗ dành, động viên. Dù không biểu diễn trên khán đài lớn và mới chỉ là buổi diễn tập nơi thôn, xóm, nhưng sau mỗi tiết mục đều nhận được tiếng vỗ tay giòn giã từ phía khán giả, những con mắt đầy sự "ngưỡng mộ” của các em nhỏ cũng khiến chúng tôi cảm thấy thật hạnh phúc.

Giữa giờ giải lao, đội trống lại tấu lên nhạc điệu rộn ràng làm tăng thêm không khí sôi động của buổi tập văn nghệ, cổ vũ các "nghệ sĩ nhỏ không chuyên". Đến khoảng 10 giờ đêm buổi tập kết thúc. Và cứ như thế mỗi ngày, chúng tôi lại háo hức mong cho trời mau tối để được "khoe" những chiếc đèn tự chế với đám bạn, được xem những màn biểu diễn không chuyên của các diễn viên nhí, được hòa vang theo âm thanh vui nhộn của tiếng trống "tùng, tùng, tùng...". Tuổi thơ bình dị trôi qua, chúng tôi lớn dần theo những nhạc điệu của ngày rằm Trung thu.

Ngày nay, trong mỗi buổi tập múa, hát tại các nhà văn hóa thôn, xã, dù lượng khán giả theo dõi đã vắng hơn xưa nhưng không vì thế mà làm giảm đi bầu không khí háo hức của các em nhỏ khi ngày hội đêm rằm Trung thu đang đến, ở mọi vùng quê trên khắp đất Việt, mọi người đang hân hoan, náo nức chuẩn bị cho một đêm rằm ý nghĩa. Những ca khúc, điệu nhạc đang reo vui trên khắp nẻo đường thôn, xóm cùng nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của lứa tuổi thần tiên. Tiếng trống rộn ràng làm tôi xúc động. Tiếng trống đã "níu" tuổi thơ, ở lại trong lòng mỗi người.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa