Thứ 5, 21/11/2024, 20:28[GMT+7]

Hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp”

Thứ 2, 30/09/2024 | 15:03:20
22,857 lượt xem
Sáng ngày 30/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp”.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng hội thảo.

Video: 300924_-_HOI_THAO_LE_QUY_DON.mp4?_t=1727689718

 

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tới dự. Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì phiên toàn thể hội thảo.

Lê Quý Đôn (1726 - 1784) nguyên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, quê huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà). Sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng, lại có tư chất thông minh với trí nhớ siêu phàm, ham học hỏi nên ngay từ nhỏ, Lê Quý Đôn đã nổi danh thần đồng. Năm 18 tuổi, ông đỗ đầu thi hương, năm 24 tuổi đỗ đầu thi hội và năm 27 tuổi đỗ đầu thi đình, đạt danh vị “Đình nguyên Bảng nhãn” (do khoa thi này không lấy Trạng nguyên). Trong 32 năm làm quan, chức vụ cao nhất mà ông từng đảm nhiệm là Tả hiệu điểm (quyền Tể tướng). Trong bối cảnh chính trị xã hội Đại Việt thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn luôn mong muốn thi hành những cải cách, thiết định những pháp chế nhằm lập lại trật tự để đất nước ổn định, thịnh trị, nhân dân được vui hưởng thái bình. Không chỉ là vị quan yêu nước thương dân, ông còn là học giả uyên bác với sự nghiệp trước tác đồ sộ bao quát nhiều lĩnh vực mà đến nay vẫn tiếp tục được kế thừa, phát huy trong nhiều ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn. Di sản trước tác mà ông còn để lại đến ngày nay là hơn 50 bộ sách đi sâu vào hầu hết mọi lĩnh vực: lịch sử, thơ ca, văn học, triết học, địa lý, thiên văn, văn hóa dân gian… Tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc bao trùm trong tất cả các sáng tác của Lê Quý Đôn.

Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chào mừng hội thảo. 

Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Gần 300 năm qua, cuộc đời và sự nghiệp của Lê Quý Đôn luôn được các học giả trong nước và quốc tế quan tâm nghiên cứu. Hội thảo khoa học là dịp để Đảng bộ, nhân dân Thái Bình và những người quan tâm đến lịch sử Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận những thành tựu nghiên cứu khoa học mới nhất về cuộc đời và sự nghiệp của ông một cách toàn diện. Bảo tồn và phát huy những giá trị di sản mà danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn để lại góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh Thái Bình là trách nhiệm của thế hệ hôm nay, qua đó truyền cảm hứng về tinh thần hiếu học, về sự sáng tạo để giáo dục cho các thế hệ tương lai.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã góp phần làm sáng tỏ những giá trị mà nhà bác học, danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn để lại, góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa của Việt Nam.

Sau phiên khai mạc toàn thể, các đại biểu tham dự hội thảo khoa học quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp” theo 4 tiểu ban, trình bày tham luận, thảo luận theo các chủ đề: Quê hương và gia tộc Lê Quý Đôn; sự nghiệp của Lê Quý Đôn qua các tác phẩm; sự nghiệp của Lê Quý Đôn và các hoạt động; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với danh nhân Lê Quý Đôn. Trong số 88 bài tham luận của các tác giả ở trong và ngoài nước tham gia hội thảo, có 20 tham luận được lựa chọn trình bày.

Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia phát biểu khai mạc hội thảo.

Lãnh đạo Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) phát biểu tại hội thảo. 

Phiên thảo luận tiểu ban 1: Quê hương và gia tộc Lê Quý Đôn. 

Phiên thảo luận tiểu ban 2: Sự nghiệp của Lê Quý Đôn qua các tác phẩm. 

Hội thảo góp phần củng cố các căn cứ khoa học để hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO tham gia cùng kỷ niệm 300 năm ngày sinh danh nhân Lê Quý Đôn vào năm 2026 nhằm vinh danh ông và khẳng định bản sắc dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Tú Anh