Thứ 7, 23/11/2024, 19:51[GMT+7]

Ðền Vĩnh Truyền Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử

Thứ 6, 27/09/2013 | 16:44:09
1,628 lượt xem
Nằm trên vùng đất thiêng thuộc tổng Duyên Hà xưa (xã Văn Lang, Hưng Hà ngày nay), đền Vĩnh Truyền là một trong những di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh được nhiều khách thập phương ở trong và ngoài tỉnh ghé thăm. Ðây không chỉ là công trình lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc mà còn là nơi ghi dấu những trang lịch sử hào hùng của địa phương, dân tộc.

Theo lịch sử ghi lại, Ðền Vĩnh Truyền (trước là đền Thọ Duyên Trang) được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tôn để tưởng nhớ công lao của Thái tử Hoàng Lang đã có công diệt giặc Vĩnh Trinh sang xâm lược. Trải qua nhiều thời đại, đền Vĩnh Truyền là nơi thờ tự các vị thánh nhân: Linh Lang Ðại Vương, Ðông Hải Ðại Vương và  Bà Chúa Chuộn. Các vị được thờ ở đây cũng có nhiều nơi thờ tự. Mặc dù truyền thuyết, sự tích về họ có nhiều tình tiết được thần thánh hóa song với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhân dân địa phương vẫn thành kính tưởng niệm lấy đó làm bài học giáo dục truyền thống yêu nước, “ăn quả nhớ người trồng cây” cho các thế hệ nhân dân trong thôn.

 

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Vĩnh Truyền nằm trong  vùng có nhiều cơ sở hoạt động cách mạng của huyện. Ngôi đền với vị trí xa làng, xung quanh là ao đầm bao bọc, cây cối um tùm, kín đáo, thuận lợi cho việc đi về hoạt động bí mật của các chiến sĩ cách mạng. Nhân dân trong làng đã đào một chiếc hầm bí mật ở trong đền thông ra các cửa ao đầm để tiện cho việc che chở cán bộ và cất giấu tài liệu. Trước Cách mạng tháng Tám, đền là nơi các đồng chí chiến sĩ cách mạng ở trong và ngoài tỉnh về gây dựng phong trào tại địa phương. Khi Cách mạng thành công, tại ngôi đền này, chi bộ Ðảng đầu tiên của xã Văn Lang đã ra đời, chỉ đạo nhân dân địa phương kháng chiến. Làng Vĩnh Truyền trở thành làng kháng chiến và Văn Lang trở thành xã kháng chiến.

 

Khi giặc chiếm đóng Thái Bình, gần đền Vĩnh Truyền có cụm đồn bốt của địch như: bốt Riền, bốt Cầu Ngận, bốt Cầu Ðót...  với địa thế thuận lợi cho hoạt động cách mạng, ngôi đền trở thành căn cứ để các đồng chí trong Ban chỉ huy Sư đoàn 320, 316 và các Trung đoàn 48,50,52, 64 họp bàn kế hoạch phá bốt, chống lại những đợt càn quét của địch. Ðền cũng là nơi tập kết thương binh sơ cứu rồi chuyển đi các tuyến trên.

 

Ðền Vĩnh Truyền được xây dựng từ khá sớm, được dân làng tu sửa lần thứ nhất năm 1886 thời vua Ðồng Khánh và tu tạo lần thứ hai vào năm Tân Hợi 1911. Kiến trúc ngôi đền theo kiểu chữ đinh, tòa ngoài ba gian, hậu cung hai gian, tọa lạc trên khu đất có diện tích 2.170 m2 .

 

Ðền được xây theo kiểu hồi văn cánh bảng, mái hậu cung kiểu chéo đao tầu góc, hệ thống bẩy tiền đầu khắc chữ “thọ”, hai bẩy giáp hồi chạm khắc hoa lá cách điệu, hai bẩy giữa chạm thông trúc hóa rồng nét chạm chuẩn xác, sinh động. Cấu trúc vì kèo theo kiểu giá chiêng tổng thể tuy nhỏ nhưng các bộ phận chi tiết cũng đủ lệ bộ như kiến trúc nội thất ngôi đình. Ðầu dư, cố bưng được chạm trổ các đề tài long ly quy phượng, thông trúc cúc mai, nét chạm thanh thoát, nhuần nhuyễn, sinh động.

 

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: Ngôi đền là nhân chứng lịch sử chứng kiến những năm tháng chiến đấu chống Pháp khó khăn nhưng hào hùng của địa phương. Với vị trí được chọn làm căn cứ địa cách mạng, ngôi đền có vai trò không nhỏ làm nên chiến thắng của trận “Ba làng” – một trận đánh Pháp nổi tiếng của người dân Hưng Hà, tiêu hao rất nhiều sinh lực địch, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên thắng lợi cuối cùng trong trận Ðiện Biên Phủ lịch sử, đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi. 43 liệt sĩ đã anh dũng hi sinh, được nhân dân thờ phụng tại đền để ghi nhớ công ơn của những người có công với đất nước đồng thời giáo dục thế hệ trẻ tiếp tục noi theo truyền thống cha anh trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Hiện nay, cứ vào 17/4 âm lịch hàng năm, đền lại mở hội thu hút rất đông nhân dân trong làng, trong xã và các du khách thập phương đến bái yết.

Bài, ảnh: Vũ Hường

 

  • Từ khóa