Thứ 4, 01/05/2024, 11:15[GMT+7]

Vũ Trung Nét xưa ở lại

Thứ 2, 30/09/2013 | 10:22:58
1,467 lượt xem
Ðến xã Vũ Trung (Kiến Xương) vào dịp Ðài Phát thanh Truyền hình Thái Bình phối hợp với Tổng Công ty phân bón và hóa chất dầu khí tổ chức sân chơi “Văn hóa làng” tại Ðình Cả, được chứng kiến những đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt dệt, tỉa những tấm thảm len, chứng kiến sự khéo léo trong từng đường kim, mũi chỉ khi khâu nón trong phần thi “Khéo tay hay làm”, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về những hình ảnh truyền thống mang đậm nét văn hóa xưa này vẫn hiện hữu từng ngày ở nơi đây, giữa thờ

Thi dệt, tỉa thảm

Theo như lời giới thiệu của ông Ngô Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã thì Vũ Trung là xã duy nhất còn tồn tại hợp tác xã dệt thảm len. Vũ Trung không có những ngôi nhà cao tầng, quét vôi ve với màu sắc bắt mắt, không có những tiếng máy chạy ầm ầm, chỉ có tiếng cười nói vang lên từ phía những ngôi nhà đã cũ. Nhiều phụ nữ ở đây có thâm niên gần 40 năm làm nghề dệt thảm len. Khung dệt bằng gỗ, khá đơn giản, những sợi thảm trắng được căng trước mặt, phía sau là những cuộn len nhiều màu sắc, những đôi bàn tay thoăn thoắt luồn len vào sợi thảm, cắt mối nối theo mẫu thiết kế có sẵn, chính xác, nhịp nhàng. Việc dệt thảm len đòi hỏi sự cẩn thận, kiên trì, bền bỉ nhưng cũng cần một đầu óc tỉnh táo để những mối dệt không bị sai lệch với bản thiết kế. Sang phòng tỉa thảm của hợp tác xã, với một chiếc kéo trên tay, bằng sự khéo léo, tinh tế của người thợ lành nghề, những tấm thảm mới dệt được các xã viên cắt mịn và bắt đầu tạo kiểu, những hoa văn dần hiện ra đầy tính thẩm mỹ.

Vũ Trung có 1.925 hộ dân với khoảng 5.600 nhân khẩu được chia làm 8 thôn. Ðảng bộ xã có 314 đảng viên, sinh hoạt ở 12 chi bộ. Là xã thuần nông, có nghề dệt thảm len phát triển từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Người dân Vũ Trung cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, giàu truyền thống cách mạng. Trong chiến tranh, Vũ Trung tiễn đưa gần 2.000 thanh niên ra mặt trận, trong số đó 206 người đã cống hiến trọn tuổi xuân cho đất nước, 26 bà mẹ được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày 20/12/2001, xã vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Hiện nay, bên cạnh việc duy trì, phát triển tiểu thủ công nghiệp - nhất là nghề dệt thảm len truyền thống của địa phương, một số phụ nữ Vũ Trung tiếp tục gắn bó với nghề khâu nón. Những chiếc nón lá - vốn là hình ảnh đẹp đẽ, đặc trưng, gắn liền với những người con gái Việt Nam, vẫn được những người phụ nữ nơi đây tỉ mỉ trong từng đường kim mũi khâu. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Dự, cán bộ văn hóa xã cho biết: Mặc dù không phát triển bằng nghề dệt thảm len nhưng khâu nón cũng là nghề được nhiều phụ nữ trong xã lựa chọn trong lúc nông nhàn. Những chiếc lá non được là phẳng, làm vanh tròn, nên nón ba lớp, lớp trong cùng lá non, mo tre rừng ở giữa và lớp ngoài cùng là lớp lá già rồi mới khâu. Việc khâu nón không chỉ giúp các hộ gia đình có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống mà qua đó còn góp phần vào việc bảo tồn những nét văn hóa xưa trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Tiếp tục cuộc hành trình đến với những nét cổ xưa của Vũ Trung, được cán bộ văn hóa xã dẫn đường, chúng tôi đi qua Ðình Mão Sơn vào Di tích lịch sử văn hóa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận: “Khu lưu niệm Nguyễn Mậu Kiến” ở thôn 7A. Nhìn ngắm mái đình Mão Sơn cổ kính, trang nghiêm giữa những cây đề, cây si quanh năm tốt lá, một chiếc sân gạch với bóng dáng những cụ cao niên ngồi tản mát dưới gốc cây cổ thụ, câu nói của ông Dự: “Hiện tại, Ðình Mão Sơn vẫn là nơi hội họp của nhân dân trong thôn” đưa tôi về với không gian của những mái đình cổ tích ngày xưa, những mái đình tôi chỉ được biết qua những trang sử sách hay được tái hiện qua những thước phim, một không gian văn hóa hiện ra trước mắt: những tủ sách kê ngay ngắn, những cuốn sách giấy đã ngả màu vàng trong “Khu lưu niệm Nguyễn Mậu Kiến” ẩn chứa một không gian Hán học, một không gian đậm chất nho gia.

Thi vượt cầu tre

Ði qua những tháng năm nhiều biến động của lịch sử, sự tác động của nền kinh tế thị trường, Vũ Trung vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống của làng quê Việt, bảo lưu và hướng thế hệ trẻ tới giá trị văn hóa nguồn cội.

 

Bài: Vũ Hường - Ảnh: Thành Tâm

  • Từ khóa