Thứ 6, 27/12/2024, 11:25[GMT+7]

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể trong đời sống đương đại

Thứ 2, 28/10/2024 | 09:10:30
15,431 lượt xem
Được xây dựng, tích lũy trong suốt chiều dài lịch sử, đến nay trên địa bàn tỉnh, hệ thống di sản văn hóa vật thể bao gồm công trình kiến trúc, di tích khảo cổ, bảo vật, cổ vật… đa dạng, phong phú và là những chứng tích thể hiện cội nguồn, bản sắc văn hóa. Việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể đã từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng dân cư.

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo là điểm đến về văn hóa tâm linh tại Thái Bình.

Tài nguyên di sản văn hóa 

Hiện toàn tỉnh có 2.969 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 125 di tích cấp quốc gia, 603 di tích cấp tỉnh, phân bổ ở nhiều loại hình: di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ. Trong mỗi di tích chứa đựng rất nhiều di sản văn hóa vật thể như cổ vật, bảo vật, di sản Hán Nôm… 

Là 1 trong 2 di tích được xếp hạng quốc gia sớm nhất trên địa bàn tỉnh, di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư) hiện đang gìn giữ hương án là bảo vật quốc gia được công nhận vào năm 2021. Ngoài ra, tại nơi thờ Thánh, trong cung cấm có pho tượng Thiền sư Không Lộ bằng gỗ trầm hương tương truyền đã gần nghìn năm tuổi. Tại tòa tam quan nội của chùa, du khách ấn tượng với đôi cánh cửa chạm khắc cực kỳ tinh xảo, lắng sâu tình nghĩa mẫu tử rồng mẹ, rồng con giữa sóng nước, vân mây như thêu hoa, dệt gấm, tiêu biểu cho kiến trúc đặc sắc thời Lê. Trong những cổ vật quý hiếm còn có 2 quả chuông đồng, gần 100 pho tượng nguyên tác hội tụ giá trị nghệ thuật của thế kỷ XVII, XVIII… Là công trình hoàn toàn bằng gỗ, có kiến trúc nghệ thuật độc đáo thời Lê Trung Hưng - thế kỷ XVII nên chùa Keo thường xuyên đón tiếp rất đông du khách trong nước, quốc tế về tham quan, chiêm bái. 

Ông Phạm Hữu Hán, người dân làng Keo chia sẻ: Các bậc cao niên trong làng từ nhiều đời nay luôn giáo dục con cháu biết trân quý, chung tay gìn giữ di tích của làng, không làm điều gì hư hại đến di tích, đồng thời tích cực tham gia vào các kỳ lễ hội hàng năm để di tích mãi trường tồn, trao truyền đến muôn đời sau. 

Đình An Cố là 1 trong 2 di tích đầu tiên của Thái Bình được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1962.

Cùng với di tích chùa Keo, đình An Cố, xã An Tân (Thái Thụy) được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962, là viên ngọc quý trong các di sản kiến trúc văn hóa thời Lê Mạc. Đây là nơi thờ Đức Nam Hải Đại Vương Thượng Đẳng Thần. Ngôi đền với sức chứa hàng trăm người, gây ấn tượng bởi các vì trung tâm, vì hồi, vì nách đều được chạm trổ hoành tráng, tinh xảo với 500 bức đầu rồng. Tổng cộng trong đình có 56 mảng chạm, hệ thống đầu dư đồ sộ, mỗi dư chạm nhiều đầu rồng, tỉ mỉ đến từng sợi râu, vẩy rồng. Hiện nay, địa phương còn lưu giữ 13 sắc phong về đình An Cố của các triều đại còn nguyên triện đỏ. 

Ông Nguyễn Duy Trường, công chức văn hóa xã An Tân chia sẻ: Trải qua hàng trăm năm với những biến thiên của lịch sử, được sự đầu tư của ngân sách nhà nước, tại đình đã diễn ra những lần tu sửa lớn nhưng cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị độc đáo riêng có về kiến trúc nghệ thuật. Năm 2022, đình An Cố là 1 trong 10 di tích trên địa bàn huyện Thái Thụy được hỗ trợ kinh phí tu sửa cấp thiết để hoàn thiện lại phần mái bị dột. Từ ý thức trách nhiệm của nhân dân địa phương, di tích luôn có người túc trực cả ngày lẫn đêm, trông coi cẩn trọng, bảo đảm an toàn cho khu di tích cũng như cổ vật tại đây. 

Phát huy nguồn lực gìn giữ di tích 

Chùa Keo và đình An Cố là 2 trong số hàng trăm di tích đã được quan tâm tu sửa trong những năm gần đây. Theo thống kê của ngành văn hóa, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có gần 100 di tích được tu bổ, phục hồi, tôn tạo, trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ chiếm trung bình khoảng 20 - 25%, còn lại từ nguồn vốn xã hội hóa và từ nguồn thu của di tích chiếm khoảng 75 - 80%. Trong 7 năm (2018 - 2024), ngân sách tỉnh đã bố trí trên 88,5 tỷ đồng cho các dự án tu bổ, tôn tạo di tích và trên 14 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp văn hóa để tu sửa cấp thiết cho 300 di tích với mức 40 - 50 triệu đồng/di tích. Điều đáng mừng là những năm gần đây, nhiều địa phương quan tâm bố trí nguồn ngân sách cấp huyện, đồng thời tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động này, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng dân cư. Đã có những di tích được tu bổ, tôn tạo từ 100% nguồn kinh phí xã hội hóa, mức đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng. 

Nhân dân làng Keo tích cực tham gia các hoạt động gắn với di tích, gìn giữ di tích mãi trường tồn.

Ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh thông tin: Những năm qua, Bảo tàng tỉnh là đơn vị trực tiếp tiến hành kiểm kê và xây dựng hồ sơ khoa học di tích. Hồ sơ là cơ sở để thực hiện tu bổ, tôn tạo, hạn chế tối đa việc xâm hại di tích. Trong khi đó, việc xếp hạng di tích giúp cho cơ quan quản lý cũng như cộng đồng biết được giá trị của di tích. Chúng tôi khảo sát, thu thập tư liệu, đo đạc diện tích, mô tả chi tiết các đặc điểm kiến trúc di tích cũng như trang trí trên kiến trúc, xác định hiện trạng của các đơn nguyên kiến trúc, khai thác triệt để các nguồn tư liệu có trong di tích như: thần phả, bài vị, văn bia, sắc phong... rồi tiến hành phân loại, xác định đúng loại hình di tích, phù hợp với nội dung, đặc điểm để lên phương án bảo vệ, phát huy một cách có hiệu quả. Về cơ bản, các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng công trình, tuân thủ quan điểm, nguyên tắc về bảo tồn, không làm sai lệch, biến dạng, không gây ảnh hưởng đến các yếu tố gốc cấu thành di tích. 

Cùng với các địa phương trong cả nước, di sản văn hóa là tài nguyên, động lực thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu tại Thái Bình. Trước yêu cầu cấp thiết của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong đời sống đương đại, thời gian qua, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Qua đó nhằm điều chỉnh, cụ thể hóa những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

Tú Anh