Thứ 5, 21/11/2024, 16:33[GMT+7]

Phát triển phong trào văn nghệ quần chúng: Cách làm riêng của Thái Thụy

Thứ 4, 06/11/2024 | 08:39:59
6,765 lượt xem
Là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh ban hành nghị quyết về lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố kiểu mẫu, huyện Thái Thụy phấn đấu hết năm 2024 có 100% xã, thị trấn hoàn thiện nhà văn hóa thôn, tổ dân phố theo đúng yêu cầu đề ra. Không chỉ đồng bộ về thiết chế văn hóa, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các CLB có trong thiết chế, huyện đã triển khai nhiều cách làm linh hoạt. Qua đó góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó trong các khu dân cư, đồng thời thiết thực xây dựng đời sống văn hóa.

Các câu lạc bộ dân vũ thu hút đông thành viên ở nhiều lứa tuổi tham gia.

Hình thành thói quen tốt

Đều đặn 19 giờ hàng ngày, chị Giang Thị Ngoan, thôn Danh Giáo, xã Thái Đô lại cùng các chị em tập trung tại nhà văn hóa thôn tập luyện bộ môn Shuffle dance. Những ngày đầu động tác chưa nhanh nhẹn, bước nhảy còn chậm, sai nhịp nhưng các thành viên trong CLB đều quyết tâm duy trì tập luyện đều đặn. Nhà văn hóa thôn đáp ứng tốt nhu cầu tập luyện nên các chị em ngày thêm hăng hái, mong muốn nâng cao chất lượng hoạt động của CLB và lan tỏa điệu nhảy mới tại địa phương. 

Chị Ngoan hào hứng cho biết: Từ các lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa, thể thao dành cho ban chủ nhiệm nhà văn hóa thôn do Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện tổ chức và liên hoan văn nghệ quần chúng của huyện, chúng tôi được biết về bộ môn Shuffle dance. Qua thực tế tập luyện, tôi thấy sức khỏe dẻo dai, tinh thần phấn chấn, lại được cán bộ Trung tâm hướng dẫn cách dựng bài nên tôi quyết tâm học hỏi và đưa về địa phương mình. Rất vui là trong các chương trình văn nghệ quần chúng tại thôn, xã, chị em CLB đã tự tin thể hiện một số bài nhảy, tạo không khí rất sôi nổi.

Cùng có thời gian sinh hoạt CLB tại nhà văn hóa thôn vào các buổi tối trong tuần, chị Vũ Thị Oanh, thôn Nam Hải, xã Thái Đô cho biết: CLB dân vũ của thôn hiện quy tụ khoảng 40 chị em ở mọi độ tuổi. Sau khi bộ môn này ngày càng phổ biến, từ các bài nhảy được chia sẻ trên các trang mạng xã hội, thành viên CLB tập luyện và hướng dẫn lẫn nhau. Dù trước đây không dám nghĩ đến việc mình sẽ lên sân khấu biểu diễn nhưng giờ chị Oanh đã tự tin hơn, tham gia nhiều hoạt động văn nghệ của thôn, xã. CLB cũng thường xuyên tham gia liên hoan, giao lưu với các địa phương khác.

Chị Ngạn Thị Giang, thôn An Định, xã Thụy Văn chia sẻ: Tôi tập luyện dân vũ tại nhà văn hóa thôn đã 7 năm nay. Độ tuổi các thành viên trong CLB từ 30 - 60 tuổi. Tôi nhận thấy việc tập luyện không chỉ mang lại sức khỏe, tinh thần phấn chấn cho bản thân mình mà còn tạo nên không khí vui tươi, gắn kết, nỗ lực với phong trào chung của địa phương.

Tìm nhân tố mới cho nghệ thuật quần chúng

Cùng với sự phát triển của những bộ môn mới được du nhập, tại huyện Thái Thụy, các CLB chèo ngày càng được quan tâm, chú trọng. Hàng năm, các CLB tổ chức hàng trăm cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng từ cấp thôn, xã, phục vụ đời sống tinh thần của người dân và biểu diễn tại liên hoan nghệ thuật quần chúng của huyện, tỉnh. 

Nay đã ở tuổi 75, ông Phạm Quang Đát, xã Thái Thượng vẫn luôn là một trong những thành viên tích cực trong phong trào tập luyện và truyền dạy nghệ thuật chèo. Ông Đát thông tin: CLB chèo của xã đã duy trì tổ chức cho chị em phụ nữ, người cao tuổi tập các điệu chèo như sa lệch chênh, lới lơ... vào các buổi tối trong tuần. Chúng tôi tập luyện theo các tổ, nhóm của thôn, xã để truyền đạt lại cho bà con trong thôn nắm được kiến thức rất bổ ích về nghệ thuật cổ truyền.

Cùng có niềm đam mê như ông Đát, ông Mạnh Đình Hòa ở thôn 1 An Định, xã Thụy Văn nhiều năm qua đã tham gia các chương trình tập huấn về nghệ thuật chèo do Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện tổ chức. Ông chia sẻ: Học được bài nào hay luyện được làn điệu nào là tôi truyền đạt lại cho các cháu, các em. Chúng tôi rất say mê nghệ thuật này, mong muốn lớp trẻ tiếp nối truyền thống hát chèo của quê hương.

Song song với quá trình tập huấn, hỗ trợ CLB nghệ thuật quần chúng tại các địa phương, năm 2023, huyện Thái Thụy đã lựa chọn một số CLB chèo tại cơ sở thôn để xây dựng trở thành mô hình điểm. Hoạt động gây dựng, thúc đẩy phát triển phong trào từ cơ sở đã giúp nghệ thuật chèo ngày càng gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. 

Bà Hồ Thị Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện thông tin thêm: Thực hiện Đề án số 02- ĐA/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy, trên địa bàn huyện đã thành lập được rất nhiều CLB văn hóa văn nghệ nói chung, CLB chèo nói riêng. Đồng thời, nghệ thuật chèo đã được đưa vào các trường học là môn ngoại khóa cho học sinh vào các ngày đầu tuần. Khó khăn lớn nhất của Thái Thụy hiện nay đối với việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật chèo là số lượng đội ngũ biên tập, sáng tác, dàn dựng và các hạt nhân trẻ ở loại hình nghệ thuật chèo không nhiều, hạt nhân văn nghệ đang bị già hóa. Giải pháp chúng tôi đang thực hiện là thường xuyên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp tập huấn cho ban chủ nhiệm nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và sẽ tổ chức nhiều hơn những hội thi, hội diễn tại cơ sở, phát triển nghệ thuật quần chúng nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng trong các nhà trường để có những hạt nhân kế tiếp trong giai đoạn tiếp theo.

Người cao tuổi đóng vai trò quan trọng đối với việc duy trì các CLB nghệ thuật chèo quần chúng.

Tú Anh