Thứ 2, 23/12/2024, 13:32[GMT+7]

Đẹp vàng son

Thứ 2, 23/12/2024 | 08:38:37
292 lượt xem
Cùng công tác sưu tầm, bảo quản cổ vật tại hệ thống bảo tàng, thú chơi đồ cổ, trong đó có đồ gỗ sơn son thếp vàng như mạch ngầm trong dòng chảy văn hóa, không chỉ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần mà còn thiết thực giúp cho cổ vật có sức sống bền lâu trước những biến thiên của thời gian.

Thú chơi đồ cổ góp phần gìn giữ cổ vật được bền lâu qua các giai đoạn lịch sử.

Trân trọng tay nghề người thợ thủ công xưa

Dù đến với thú chơi đồ cổ chỉ khoảng chục năm nay nhưng anh Phạm Quốc Huy, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình) đã sở hữu hàng trăm cổ vật, đa phần là đồ gỗ sơn son thếp vàng. Trong đó có không ít hiện vật niên đại từ thời Lê, Nguyễn. Đây cũng là giai đoạn phát triển rực rỡ của đồ gỗ sơn thếp. Để có kiến thức về đồ cổ, đặc biệt ở chất liệu gỗ, anh đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu qua sách, báo và các nguồn tư liệu chính thống, đồng thời tích cực tham gia các CLB cổ vật, giao lưu, học hỏi từ những người có kinh nghiệm.

Về cơ duyên gắn bó với thú chơi này, anh Phạm Quốc Huy cho biết: Trước đây, tôi sưu tầm đồ cổ ở nhiều chất liệu nhưng những năm gần đây, tôi thực sự thích thú với đồ sơn son thếp vàng. Lý do là bởi nghề chạm khắc gỗ, làm đồ sơn là ngành nghề thủ công đã có truyền thống lâu đời của người Việt. Nét chạm khắc tinh xảo, sắc đỏ của sơn, ánh vàng lấp lánh cùng những đề tài trang trí phong phú, mang ý nghĩa tốt lành đã khiến đồ gỗ sơn thếp trở thành vật phẩm quý giá, gắn với những nơi tôn nghiêm, trang trọng chốn cung đình hay nơi thờ tự. Những tác phẩm được làm nên từ đôi bàn tay tài hoa cần mẫn, khéo léo của người thợ đã thể hiện tư duy thẩm mỹ, đồng thời chứa đựng giá trị về lịch sử, nghệ thuật, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng... của thời kỳ mà tác phẩm ấy được chế tác.

Trân trọng từng món đồ cổ, theo anh Phạm Quốc Huy, việc bảo quản cần nhiều công phu. Khi làm sạch đồ sơn son thếp vàng, tuyệt đối không nên ngâm nước bởi nước có thể ngấm qua các kẽ nứt rất nhỏ trên bề mặt sơn. Ngoài ra, việc trưng bày cổ vật cần tránh những nơi quá nóng hoặc ẩm thấp, từ đó hạn chế việc bị mục, nứt vỡ... không thể phục hồi.

Để hiểu về cổ vật đòi hỏi người chơi cần có quá trình nghiên cứu, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm.

Tìm về cội nguồn văn hóa cổ

Từ lâu, sưu tầm đồ cổ đã được nhiều người đam mê xem là thú chơi tao nhã bởi người chơi có những phút giây lắng lòng khi được nâng niu, ngắm nhìn những món đồ hàng trăm năm tuổi, coi đây cũng là cách tìm hiểu, suy ngẫm về lịch sử. Trong các giai đoạn của triều đại phong kiến, nghề mộc phục vụ việc xây dựng, làm nhà cửa, đình chùa, làm tượng hay đồ dùng, đồ trang trí... cùng nghề làm sơn son thếp vàng được ưa chuộng, phát triển. Các nghệ nhân dân gian trên cơ sở tinh hoa truyền thống tạo nên sản phẩm qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, chi tiết, có tính mỹ thuật và giá trị để phục vụ nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày và tôn giáo, tín ngưỡng. Gắn bó với thú chơi đồ cổ 15 năm nay, anh Phạm Vũ Chính, phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) cho biết: Tôi đã có quá trình tìm hiểu sâu và rất yêu văn hóa Việt nói chung, những món đồ mang bản sắc văn hóa đồng bằng Bắc Bộ nói riêng. Tôi nhận thấy hiếm có nơi đâu, nghệ nhân dân gian có lớp sơn son thếp vàng bóng, bền, đẹp như ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nên tôi rất trân quý, mong mỏi được chung tay bảo tồn, gìn giữ.

Theo anh Phạm Vũ Chính, để có thể đánh giá đúng giá trị của món đồ cổ đòi hỏi người chơi phải có kiến thức chuyên sâu và cảm quan nhạy bén xem chất liệu gỗ, nước sơn, hoa văn chạm khắc... có đúng với niên đại, giai đoạn lịch sử hay không. Với những người trong giai đoạn mới bắt đầu tìm hiểu, việc này không hề đơn giản. Bởi vậy, hãy tham gia vào các hội, nhóm quy tụ những người đam mê đồ cổ, tích cực chia sẻ, học hỏi để nhanh chóng tích lũy kinh nghiệm đáp ứng niềm đam mê của bản thân.

Đã sở hữu cho mình một số món đồ cổ quý hiếm, anh Phạm Huy Thục (thành phố Thái Bình), người gắn bó thú chơi đồ cổ nhiều năm nay bày tỏ: Cha ông ta xưa đã có câu “đẹp vàng son” như đúc kết vẻ đẹp thẩm mỹ mà các tầng lớp nhân dân đều ưa chuộng. Càng gắn bó với thú chơi đồ cổ, đặc biệt đồ sơn son thếp vàng và càng tìm hiểu về lịch sử, tôi càng thêm trân quý những làng nghề cổ truyền, những người thợ tài hoa và mong muốn khám phá những thông điệp thời gian ẩn chứa trong mỗi món đồ, những bài học về nhân sinh quan, chân - thiện - mỹ... Đó như sợi dây gắn kết quá khứ và hiện tại, để thế hệ hôm nay thêm hiểu về những gì người xưa để lại mà tự hào, gìn giữ.

Tú Anh