Thứ 5, 21/11/2024, 20:19[GMT+7]

Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trong Ngày hội Văn hóa Thể thao truyền thống 14/10

Thứ 2, 14/10/2013 | 09:23:47
1,504 lượt xem
Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", tỉnh ta đã đạt nhiều thành tựu trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong đó nhiều giá trị văn hóa phi vật thể được trân trọng gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy.

Bơi chải truyền thống tại lễ hội đền Đồng Bằng (An Lễ, Quỳnh Phụ). Ảnh: Ngọc Trâm

Ngày hội VHTT truyền thống 14/10 của tỉnh hàng năm và các lễ hội văn hóa truyền thống như lễ hội làng La Vân (xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Phụ); lễ hội làng Giắng (xã Đông Tân, Đông Hưng), Lộng Khê (xã An Khê, Quỳnh Phụ), lễ hội Chùa Keo (xã Duy Nhất, Vũ Thư), lễ hội Đền Đồng Bằng (xã An Lễ, Quỳnh Phụ)..., các giá trị văn hóa phi vật thể được khôi phục, trình diễn ngày càng nhiều như múa rối nước, thi pháo đất, múa rồng lân, bơi chải, ếch vồ, kéo chữ, ca trù, chầu văn...

Đặc biệt mới đây tại lễ hội truyền thống làng Hiệp Lực (xã An Khê, Quỳnh Phụ), lần đầu tiên điệu múa bát dật cổ của làng được khôi phục sau 80 năm chìm lắng, cũng là lần đầu tiên được trình diễn tại lễ hội làng phục vụ bà con và du khách đã phát huy giá trị, đem lại màu sắc mới, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào của cán bộ và các tầng lớp nhân dân địa phương.

Tại Ngày hội VHTT truyền thống 14/10 của tỉnh, hưởng ứng Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng năm nay, một lần nữa giá trị văn hóa phi vật thể lại được chú trọng phát huy. Ban Tổ chức Ngày hội đã quyết định đưa các điệu múa dân gian trong các lễ hội truyền thống trình diễn tại phần hội. Đây cũng là nét mới, hấp dẫn, lần đầu tiên xuất hiện tại Ngày hội VHTT truyền thống của tỉnh, được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và du khách phấn khởi chờ đợi, đón xem.

Theo đồng chí Nguyễn Tiến Lượng, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh - đơn vị phụ trách tổ chức phần hội tại Ngày hội VHTT truyền thống 14/10: Các điệu múa được chọn trình diễn trong chương trình văn nghệ dân gian tại Ngày hội năm nay cùng với múa lân, trống hội, kèn đồng là múa bát dật, múa kéo chữ và múa giáo cờ giáo quạt. Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh đã liên hệ mời đội múa bát dật xã An Khê, múa kéo chữ xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ), múa giáo cờ giáo quạt xã Đông Tân (Đông Hưng) tham gia phục vụ Ngày hội và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các địa phương.

Múa kéo chữ tại lễ hội Đền A Sào (xã An Thái, Quỳnh Phụ).

Tìm hiểu về các điệu múa dân gian tại các lễ hội truyền thống của Quỳnh Phụ - địa phương có hai đội múa được huy động phục vụ Ngày hội năm nay, đồng chí Hoàng Hợp, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện cho biết: Múa kéo chữ xuất hiện nhiều ở các xã An Thái, Quỳnh Hồng, Quỳnh Hội, Quỳnh Minh, Quỳnh Mỹ... Múa kéo chữ với sự tham gia của hàng trăm người nên mang tính cộng đồng thống nhất cao. Không chỉ thể hiện tính nghệ thuật với các động tác vũ đạo uyển chuyển, nhịp nhàng, múa kéo chữ còn thể hiện tinh thần thượng võ và khát vọng hòa bình của dân tộc, tính nhân văn sâu sắc qua các đạo cụ và động tác nhanh, mạnh, dứt khoát.

Ở mỗi địa phương, mỗi lễ hội làng, múa kéo chữ cũng mang những sắc thái và hình thức khác nhau như khác về số lượng người tham gia, về đạo cụ, về các chữ và hình thức kéo chữ. Song hầu hết các chữ được lần lượt xếp trong múa kéo chữ ở các xã đều là Thiên - Hạ - Thái - Bình hoặc Thái - Bình - Cảnh - Sắc... Khác với múa kéo chữ, múa bát dật chỉ có ở xã An Khê với hai đội múa của làng Lộng Khê và một đội múa bát dật mới được thành lập của làng Hiệp Lực. Bát dật là điệu múa mừng trong nghi thức lễ thánh với sáu lớp múa chính là: bát dật, xe chỉ, guộn tơ, múa tiên, múa hoa hồi, múa bát môn, múa bát giác và nghi thức lễ thánh. Theo nhịp phách ả đào và bài chúc tụng cổ điển ca ngợi chiến thắng, cảnh thái bình thịnh trị và những động tác gắn với nghề nông trang của các cô thôn nữ.

Múa giáo cờ giáo quạt là điệu múa cổ, chỉ có ở lễ hội làng Thượng Liệt (xã Đông Tân, Đông Hưng). Đây là điệu múa vừa mang tính nghi lễ vừa mang đậm chất dân gian, phản ánh cuộc sống lao động của người nông dân vùng đồng bằng, ca ngợi cảnh sắc và cuộc sống quê hương, lời vè, lời róng nôm na, bình dị, chân chất, mộc mạc, dễ đọc, dễ hiểu. Múa giáo cờ giáo quạt gồm có hai phần: phần 1 tả cảnh bà Chiêu Quân đi cống nước Hồ, phần 2 là phần múa hát chúc tụng vua, thể hiện trong 36 cấp múa, mỗi cấp múa lại mang một nội dung khác nhau với tính tập thể khá cao và phải huy động một lực lượng diễn viên tham gia khá đông. Ví dụ ở cấp múa Má có các động tác vạt tôm, vạt tép, chim bay, cò bay. Ở cấp múa Đi sứ có đọc bài vè kể về thân phận bà Chiêu Quân đi cống nước Hồ. Múa Chèo đò mô phỏng động tác chèo đò trong cuộc sống thực, có thêm xướng và xô khá đặc sắc, thú vị...

Đồng chí Giám đốc Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh chia sẻ: Việc chuẩn bị tổ chức Ngày hội VHTT truyền thống đúng vào dịp bà con bận mải thu mùa; các điệu múa dân gian trên đều cần có sự tham gia của đông người như múa bát dật 40 diễn viên, múa kéo chữ 200 diễn viên, múa giáo cờ giáo quạt 50 diễn viên nên việc huy động lực lượng và tổ chức luyện tập gặp nhiều khó khăn. Song phát huy tinh thần Ngày hội cũng như mong muốn đem di sản văn hóa phi vật thể mà địa phương mình lưu giữ giới thiệu với đông đảo du khách, đến nay công tác chuẩn bị đã được các địa phương, các đội múa triển khai và cơ bản hoàn tất. Hy vọng việc trình diễn các điệu múa truyền thống tại Ngày hội sẽ góp phần phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, làm cho các hoạt động của Ngày hội năm nay thêm đa dạng, phong phú và đậm đà ý nghĩa.

Hà Dung

 

  • Từ khóa