Thứ 3, 07/01/2025, 13:26[GMT+7]

Đội lân sư rồng “tóc dài”

Chủ nhật, 05/01/2025 | 20:25:00
1,268 lượt xem
Câu lạc bộ (CLB) lân sư rồng thôn Hậu Trung II, xã Hồng Bạch (Đông Hưng) đã và đang được giữ lửa bởi những người phụ nữ chăm chỉ luyện tập, vượt qua khó khăn, định kiến “múa lân không dành cho nữ giới” và có chung niềm đam mê với loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống.

Câu lạc bộ lân sư rồng thôn Hậu Trung II hăng say tập luyện cùng huấn luyện viên.

Trong tiết rét ngọt của những ngày cuối năm, tôi tìm về xã Hồng Bạch, nơi có đội múa lân sư rồng là nữ duy nhất của huyện Đông Hưng theo lời giới thiệu của người dân địa phương. Đúng 8 giờ tối, trên khoảng sân rộng của nhà văn hóa, các thành viên hăng say tập luyện. Bà Đặng Thị Thìn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hậu Trung II là người khởi xướng kêu gọi chị em phụ nữ trong thôn tham gia đội múa lân. 

Bà Thìn chia sẻ: Xuất phát từ truyền thống gia đình gắn bó với múa lân cổ truyền, ngay từ nhỏ tôi đã có niềm đam mê, yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Trải qua thời gian, trong làng không còn mấy ai theo nghề lân, tôi ấp ủ dự định phục dựng lại đội múa lân vừa để gìn giữ nét văn hóa truyền thống của cha ông vừa là gây dựng phong trào để chị em tham gia. Khó khăn lớn nhất đối với phái nữ khi tham gia bộ môn này là sức khỏe và sự kiên trì. Gần 30 thành viên trong CLB đều ở độ tuổi trung niên may mắn khi nhận được sự đồng hành và ủng hộ rất lớn của gia đình. Năm 2023, CLB được thành lập, thời gian tập múa với 2 đầu lân đi xin được, không có người hướng dẫn về kỹ thuật, múa không theo bài, chủ yếu phục vụ cho các hoạt động văn nghệ của thôn. Sau này, có sự hướng dẫn của huấn luyện viên, chị em từ chưa biết múa lân đến biết múa, biết cảm nhận nhịp phách trống, thực hiện các động tác khó, biểu diễn bài bản theo các nội dung huấn luyện viên chỉ dạy 

Ông Nguyễn Đức Hoàng, huấn luyện viên võ thuật cổ truyền Việt Nam là người đã trực tiếp rèn luyện, dìu dắt CLB lân sư rồng thôn Hậu Trung II từ những ngày đầu ra mắt. Không quản ngại thời tiết hay đường sá xa xôi, 1 tuần 3 buổi ông tận tình hướng dẫn các thành viên đội lân từng động tác, từng nhịp trống hội từ cơ bản đến biểu diễn chuyên nghiệp. 

Ông Hoàng cho biết: Múa lân sư rồng là bộ môn rất khó, đặc biệt với nữ giới, ngoài cần có sự khéo léo, bộ môn này đòi hỏi phải có thể lực. Thời gian đầu các chị em trong CLB thể lực còn yếu, nhưng lại có niềm đam mê rất lớn với múa lân, kiên trì và tinh thần luyện tập bền bỉ, rất nhanh đã bắt nhịp được các nội dung, ngày một tiến bộ hơn. Các động tác được sử dụng trong nghệ thuật múa lân sư rồng đều mang đậm nét đặc trưng của võ thuật cổ truyền Việt Nam. Chính vì thế, tôi đã xây dựng kế hoạch tập luyện song song giữa múa lân sư rồng vào các ngày lẻ và võ cổ truyền vào các ngày chẵn trong tuần để chị em rèn luyện thể lực. 

Có sự hỗ trợ chỉ dạy về kỹ thuật, chuyên môn của huấn luyện viên, các thành viên tự tin tập luyện và biểu diễn hơn bao giờ hết. Bà Đào Thị Mức đã gần 60 tuổi, thành viên lớn tuổi nhất đội thực hiện các động tác thật dễ dàng và thuần thục trong chiếc đầu lân nặng nề. Bà chia sẻ: Ban ngày người thì đi làm công ty, người đi cấy đi cày, người trông cháu nhưng đến tối đều sắp xếp công việc để tham gia luyện tập. Mỗi tối, cả đội chỉ tập khoảng hơn 1 tiếng vì sợ tiếng trống ồn ào ảnh hưởng dân làng nên luôn cố gắng hết sức mình. Múa lân sư rồng giúp tôi thỏa mãn niềm đam mê và thử sức mình với nghệ thuật truyền thống, thể lực ngày một tốt hơn. Từ dân “tay ngang” không biết múa lân động tác chuẩn, nghe nhịp trống, chị em đã thực hiện các động tác khó, được biểu diễn trong và ngoài xã, tham gia giao lưu các chương trình lớn của tỉnh, của huyện, tôi vui lắm. 

Những người phụ nữ có chung niềm đam mê với múa lân sư rồng - loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống.

Hòa theo tiếng trống múa lân dồn dập là tiếng hò reo cổ vũ của dân làng, cũng chính là động lực tiếp thêm sức mạnh để đội lân sư rồng “tóc dài” thôn Hậu Trung II tự tin mang lại những màn biểu diễn ấn tượng cho người xem. Động tác mạnh mẽ, dứt khoát, từng bước di chuyển nhịp nhàng, chính xác, các chị phối hợp thành thục, ăn ý, mỗi ngày một tiến bộ. Theo quan niệm dân gian, lân - sư - rồng tượng trưng cho sự thịnh vượng, may mắn, hanh thông và phát đạt, thường được lựa chọn biểu diễn trong các dịp quan trọng, không khí năm mới đã bắt đầu đến gần, CLB lân sư rồng thôn Hậu Trung II vì thế mà cũng luyện tập sôi nổi hơn bao giờ hết. 

Tuyết Phương