Thứ 2, 20/01/2025, 18:21[GMT+7]

Hướng về lễ hội truyền thống của quê hương

Thứ 2, 20/01/2025 | 15:17:24
282 lượt xem
Trong không khí tất bật của những ngày giáp tết Nguyên đán Ất Tỵ, không khí chuẩn bị cho lễ hội đền Trần năm 2025 như hối hả, nhiệt huyết hơn. Với những người đã có quá trình gắn bó lâu dài với lễ hội đền Trần, khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà), mọi phần việc chuẩn bị càng chu toàn hơn, mong sao mỗi mùa lễ hội truyền thống sẽ đều là những dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân và du khách thập phương.

Nghi thức tế lễ được tổ chức trang trọng trong lễ hội đền Trần.

Nhiệt thành đón tiếp du khách gần xa 

Đã hơn 10 năm nay, ông Phạm Văn Cường, Phó ban quản lý di tích đền Trần đảm nhận việc trông coi di tích, đồng thời luôn sẵn sàng trở thành hướng dẫn viên giới thiệu với du khách về lịch sử, quá trình hình thành, phát triển của di tích cũng như đa dạng hoạt động được tổ chức trong mỗi mùa lễ hội truyền thống. 

Ông Cường chia sẻ: Ban quản lý di tích chúng tôi được phân công công việc rất cụ thể, mở cửa đón tiếp khách thập phương vào các thời điểm trong năm, phục vụ nhân dân về dâng hương, tế lễ. Thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, khi có đoàn khách mong muốn tìm hiểu thông tin, chúng tôi đều nhiệt tình đón tiếp và giải đáp tận tình. Tôi luôn giới thiệu với du khách đây là di tích quốc gia đặc biệt, nơi thờ tự một triều đại võ công văn trị rực rỡ nhất chế độ phong kiến, đó là triều đại nhà Trần đã 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông ở thế kỷ XIII. Chính nơi đây là nơi phát tích, dựng nghiệp của vương triều Trần. 

Với việc phân công công việc rất cụ thể trong Ban quản lý di tích nên dù trong dịp chuẩn bị cho lễ hội hay các ngày diễn ra lễ hội truyền thống, bất cứ đoàn khách nào có nhu cầu tìm hiểu thông tin đều có bộ phận túc trực thường xuyên để thuyết minh, hướng dẫn. Niềm vui với các thành viên Ban quản lý di tích là mỗi mùa lễ hội đều đón tiếp rất đông học sinh trong và ngoài tỉnh tham gia. Đặc biệt, mùa lễ hội năm 2024 và 2025 thu hút hàng trăm học sinh huyện Hưng Hà tham gia tập luyện, chuẩn bị cho lễ khai mạc. Đây là điều kiện thuận lợi để các em dành thời gian lắng nghe lịch sử, những sự kiện, dấu mốc đáng nhớ đã diễn ra trên quê hương mình, từ đó thêm yêu và tự hào về quê hương, đất nước. 

Học sinh huyện Hưng Hà tham gia biểu diễn khai mạc lễ hội đền Trần năm 2024.

Bảo lưu nét đẹp văn hóa dân gian 

Không chỉ Ban quản lý di tích, người dân trên địa bàn huyện Hưng Hà mà vào các kỳ lễ hội đền Trần, hội thanh đồng đạo quan các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều tất bật tham gia vào hoạt động phần lễ và phần hội. Từ năm 2023, khi lễ hội đền Trần được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, vai trò của các thành viên hội thanh đồng đạo quan trong lễ hội truyền thống càng được phát huy. 

Nghệ nhân ưu tú Vũ Xuân Thắng, thành viên Ban quản lý di tích đền Trần thông tin: Năm nay, Hội Thanh đồng đạo quan tỉnh Thái Bình và đặc biệt chi hội huyện Hưng Hà sẽ tham gia vào các nghi lễ tâm linh như bái yết mở cửa đền, lễ rước thủy, rước bộ... Không chỉ có các thanh đồng của huyện Hưng Hà mà các thanh đồng từ các huyện, thành phố trong và ngoài tỉnh cũng sẽ về tham dự. Theo ước tính của ban tổ chức, có khoảng 800 thanh đồng tham gia lễ rước nước và lễ bái yết trong ngày 13 tháng Giêng năm Ất Tỵ. Sau đó, vào ngày 16 tháng Giêng sẽ là liên hoan hát văn tại sân tòa trung tế đền Vua với sự tham gia của 600 - 700 người. Vào buổi chiều, từ 13 giờ, các thanh đồng sẽ thực hiện nghi thức thực hành ở trong đền Vua, buổi tối là liên hoan hát văn và Ban tổ chức sẽ có sự ghi nhận đối với các đơn vị, cá nhân tham gia liên hoan hát văn tại lễ hội đền Trần năm nay. 

Là năm thứ hai liên hoan hát văn được tổ chức trong những ngày diễn ra lễ hội đền Trần, theo các nghệ nhân ở lĩnh vực thực hành di sản này, liên hoan được tổ chức tại di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần càng tôn thêm sự trang trọng, ý nghĩa. Qua đó, nhân dân và du khách thập phương cùng được hòa mình vào không gian tâm linh, nghệ thuật và diễn xướng truyền thống để cảm nhận đầy đủ các cung bậc cảm xúc trang trọng, linh thiêng, đồng thời sẽ càng thêm trân trọng những di sản quý báu của ông cha để lại... 

Nghệ nhân ưu tú Vũ Xuân Thắng thông tin thêm: Năm 2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Thái Bình là một trong những tỉnh, thành phố có di sản. Với ý nghĩa bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, liên hoan hát văn được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị lịch sử, anh hùng dân tộc trong tín ngưỡng thờ Mẫu, ca ngợi quê hương, đất nước. Đặc biệt hơn nữa, đây cũng là cơ hội để trao truyền, gìn giữ cho các thế hệ sau di sản của cha ông. 

Lễ hội truyền thống là dịp để mỗi người thể hiện tình yêu với quê hương cũng như với di sản văn hóa. Vượt qua tính chất vùng miền, lễ hội đền Trần không chỉ là niềm tự hào của người dân Thái Bình. Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các bậc liệt tổ, các vị vua, tướng sĩ, hoàng thân quốc thích nhà Trần và giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Các thanh đồng và nhân dân tham gia lễ rước nước trong lễ hội đền Trần.

Tú Anh